Các nhà khoa học đã tìm ra một mô hình mới giúp kiểm soát sự hình thành lớp bọt và tối ưu hóa quá trình rót bia.
Bọt bia là một vấn đề quan trọng. Nó giúp tạo ra vẻ ngoài khác biệt cho các loại bia khác nhau, cũng như làm dậy lên mùi hương cho những người sành sỏi thưởng thức. Lớp bọt này còn đóng vai trò như một chiếc nắp, ngăn khí CO2 thoát ra quá nhanh. Nếu không có lớp bọt bia, cảm giác râm ran sảng khoái khi chúng ta uống bia sẽ biến mất nhanh chóng.
Các loại bia khác nhau có lượng bọt khác nhau, có loại cần lớp bọt mỏng, có loại cần lớp bọt dày (dao động từ 1cm cho đến 5cm). Thế nhưng, nếu cốc bia có quá nhiều bọt thì người uống có cảm giác bị thiệt.
Mối liên hệ phức tạp giữa các thành phần của bia, bình rót, và loại cốc uống bia đã thu hút mối quan tâm lớn của các chuyên gia, người nấu bia và người thưởng thức. Nghiên cứu mới này dường như sẽ mang lại những dự đoán chính xác nhất bia sẽ nổi lớp bọt thế nào.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích việc nấu bia với mô phỏng số để dự đoán một loạt các đặc điểm của lớp bọt bia.
Tác giả chính, TS Lữ Văn Tịnh ở Viện Vật lý Mỹ, cho biết: “Điều này sẽ giúp kiểm soát sự hình thành lớp bọt, giảm thiểu lãng phí bia cũng như thời gian rót”.
Đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng phương pháp tính toán có tên bộ giải đa pha để giải quyết vấn đề lớp bọt. Dùng phương pháp này mô phỏng quá trình rót qua đáy cốc, nhóm nghiên cứu có thể tối ưu hóa thiết kế đầu vòi và hình dạng cốc nhằm đảm bảo quá trình rót diễn ra nhanh nhất trong các điều kiện khác nhau về áp suất, nhiệt độ và sự bão hòa khí carbonic.
Nhóm nghiên cứu đã hợp tác với công ty khởi nghiệp Einstein 1 để phát triển một hệ thống rót qua đáy cốc. Khi rót, đầu vòi sẽ đẩy miếng nam châm che đáy cốc lên, tạo ra khoảng trống để bia tràn vào. Khi cốc đầy rồi thì nam châm sẽ về lại vị trí đáy cốc.
Sau một loạt thử nghiệm để thiết lập các điều kiện rót ổn định, nhóm nghiên cứu phát triển một mô hình máy tính đã được chứng thực bằng thí nghiệm.
Họ phát hiện hệ thống rót của Einstein 1 chỉ duy nhất tạo bọt khi mới rót. Nhiệt độ và áp suất càng cao thì càng tạo ra nhiều bọt. Sau đó thì bia mới được rót ra.
Giai đoạn bọt bia tan dần chủ yếu phụ thuộc vào kích cỡ bong bóng, thời gian tan hoàn toàn lâu hơn 25 lần so với thời gian hình thành lớp bọt.
Một hệ thống rót bia qua đáy cốc. Nguồn: INT
Cùng với việc tiếp tục tối ưu hóa các phương pháp tính toán, trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tìm hiểu tác động của hình dạng đầu vòi.
TS Lưu cho biết mô hình này có thể được điều chỉnh cho phù hợp với các loại bia khác nhau.
Ông nói thêm: “Bằng cách mô phỏng chính xác quá trình tạo bọt, mô hình của chúng tôi có thể giúp cải thiện chất lượng của sản phẩm cuối cùng, giảm chi phí và tăng năng suất trong các ngành như thực phẩm và đồ uống, hóa chất và các ngành khác.”
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Physics of Fluids.
Nguồn: