Chế độ ăn nhiều đường trong hai năm đầu đời có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và huyết áp cao cao hơn khi trưởng thành.
Nhà kinh tế học Tadeja Gračner và các đồng nghiệp tại Đại học Southern California, Los Angeles, đưa ra kết luận này dựa trên nghiên cứu về chế độ phân phối đường ở Anh vào những năm 1950.
Hình minh họa: Getty Images
Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên liên kết dinh dưỡng từ sớm với nguy cơ bệnh tật về sau. Các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra, trải qua nạn đói khi còn trong bụng mẹ có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường sau vài chục năm.
Chế độ phân phối đường ở Anh sau Chiến tranh Thế giới II tạo cơ hội để nghiên cứu chi tiết hơn về ảnh hưởng của dinh dưỡng đối với sức khỏe sau này. Những khó khăn về kinh tế vào thời kỳ đó đã buộc chính phủ Anh phải áp dụng chế độ phân phối đối với nhiều loại thực phẩm, và riêng hạn chế về đường kéo dài đến tận năm 1953.
Gračner hình thành ý tưởng nghiên cứu khi tình cờ đọc một bài báo về việc dỡ bỏ chế độ phân phối đường tại Anh với hình ảnh trẻ em chen chúc vào các tiệm bánh khi lệnh hạn chế kết thúc.
Nhóm nghiên cứu khai thác UK Biobank, kho lưu trữ dữ liệu di truyền và y tế từ nửa triệu người tham gia, để tìm những người được thụ thai từ tháng 10/1951 đến tháng 6/1954, khi chế độ phân phối đường còn hiệu lực, trong khi các yếu tố dinh dưỡng khác đã trở lại bình thường, đáp ứng nhu cầu hằng ngày. Sau đó, họ so sánh sức khỏe của những người này với sức khỏe của những người được thụ thai từ tháng 7/1954 đến tháng 3/1956, khi chế độ phân phối đường đã chấm dứt.
Kết quả, nhóm nghiên cứu xác nhận, lượng đường tiêu thụ ở Anh đã tăng gần như gấp đôi sau khi không còn chế độ phân phối. Và những người được thụ thai trong thời gian còn chế độ phân phối đường có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và huyết áp cao thấp hơn lần lượt là 35% và 20% so với những người được thụ thai sau khi lệnh hạn chế kết thúc. Trong một nghìn ngày đầu đời kể từ khi được thụ thai thì lượng đường mà trẻ tiêu thụ sau sáu tháng tuổi, thời kỳ bắt đầu ăn dặm, dường như có tác động lớn nhất đến nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường và huyết áp cao sau này. Nhưng thời gian trong bụng mẹ cũng đóng góp đến một phần ba vào khả năng giảm nguy cơ mắc các bệnh nêu trên.
Phát hiện mới không đồng nghĩa với việc người mang thai và cha mẹ của trẻ nhỏ phải loại bỏ hoàn toàn đường khỏi chế độ ăn của họ hoặc của con mình, theo Gračner. Nhưng có thể cắt giảm một chút: tại Mỹ, người mang thai và đang cho con bú thường tiêu thụ lượng đường trong thực phẩm và đồ uống cao gấp ba lần mức khuyến nghị. “Vấn đề là ở sự điều độ,” cô nói.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chíSciencengày 31/10.
Nguồn:
Đăng số 1317 (số 45/2024) KH&PT
Phạm Nhung