Các nhà đầu tư mạo hiểm đang coi Việt Nam là điểm đến mới nhất để rót vốn vì quốc gia này có nhiều điểm so sánh với những thị trường mới nổi đã gây được sự chú ý như Indonesia và Trung Quốc trước kia.


Thay đổi quy tắc của đầu tư mạo hiểm

Trong vài năm gần đây, ngành đầu tư mạo hiểm toàn cầu đã chứng kiến sự thay đổi theo hướng tăng cường đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ và các thị trường mới nổi. Tổng đầu tư toàn cầu năm 2021 đạt khoảng 681 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm trước đó.

Năm 2021 được ca tụng là một năm thăng hoa với nhiều khoản đầu tư và sự xuất hiện của một loạt startup kỳ lân trị giá hơn 1 tỷ USD do tư nhân nắm giữ. Tính trung bình, mỗi tuần có ít nhất 10 startup kỳ lân ra đời, tập trung chủ yếu ở Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Dường như các thách thức lớn trong đại dịch Covid-19 đã trở thành động lực để tăng tốc quá trình chuyển đổi số và xu hướng làm việc từ xa, dẫn đến việc tăng cường đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ và các công ty ưu tiên làm việc từ xa.

Tuy nhiên, năm 2022 lại hoàn toàn ngược lại: tổng số tiền đầu tư mạo hiểm toàn cầu đã liên tục suy yếu trong các quý và giảm gần 35% cả năm. Đây là bước lùi mạnh hơn so với những gì thế giới đã chứng kiến sau cuộc cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 hoặc bong bóng dot-com năm 2000, theo dữ liệu của Preqin do Bloomberg báo cáo.

Trên thực tế, các quỹ đầu tư vẫn huy động được lượng vốn lớn (hơn 150 tỷ USD) trong năm 2022, nhưng phần lớn chúng được để dành làm ‘bột khô’ vì chưa tìm được những thương vụ đầu tư thích hợp. Các vòng tài trợ vốn lớn đã giảm cả về khối lượng và số lượng thương vụ, trong khi giá trị những vòng tài trợ sớm hơn cũng bị ảnh hưởng.

Môi trường kinh tế rõ ràng đã thay đổi trong năm ngoái - và các quy tắc của trò chơi đầu tư mạo hiểm cũng vậy. Các dòng vốn đặc biệt nhạy cảm đối với những thay đổi vĩ mô. Tại diễn đàn Vietnam Ventures Summit 2022 cuối năm ngoái, ông Jeff Lonsdale, cựu quản lý quỹ Founders Fund (Mỹ), lý giải yếu tố lớn nhất đằng sau sự chững vốn này là lạm phát. Do gián đoạn nguồn cung năng lượng từ Nga nên giá cả hàng hóa ở nhiều nước đều tăng cao trong năm 2022. Để đối phó với tình trạng lạm phát, một loạt ngân hàng trung ương lớn như Mỹ, Canada, châu Âu, Anh, Úc,… đã ra sức tăng lãi suất, có nơi lên tới 4,5 - 4,75%.

“Khi lãi suất tăng lên nhanh chóng trong một thế giới đã quá quen với lãi suất bằng 0% thì rất nhiều thứ được coi là có hiệu quả kinh tế sẽ không còn ý nghĩa nữa." ông Lonsdale nhận xét, "Rất nhiều khoản đầu tư vào những công ty công nghệ non trẻ, chưa được chứng minh và có nhiều cơ hội phát triển mà trước nay mọi người nghĩ rằng ‘nếu bỏ tiền vào đó thì sẽ không bị lỗ và có thể công ty còn tạo ra một khoản lợi nhuận khổng lồ trong tương lai’ đã ít hơn trong năm 2022.”

Ông Chris Seung-Ho từ quỹ đầu tư Nextrans (Hàn Quốc) bày ra một bức tranh ảm đạm hơn khi gọi tiến độ đầu tư trong năm qua là gần như ‘đóng băng’. Nhiều quỹ đầu tư khác trên thế giới cũng gọi đây là ‘mùa đông gọi vốn’ và liên tục nhắn nhủ tới các công ty khởi nghiệp trong danh mục đầu tư của mình là cần lập kế hoạch cho điều tồi tệ nhất và cắt giảm các chi phí không cần thiết.

“Mọi người đều tỏ ra nghi ngờ về định giá và không biết nó sẽ giảm đến mức nào”, ông Seung-Ho nói, “Từ giờ đến cuối năm 2024 sẽ là quá trình phục hồi đầu tư. Dĩ nhiên, việc đầu tư sẽ có một chút màu sắc thận trọng hơn nhưng vẫn sẽ có đầu tư, đặc biệt là cho các công ty đang tạo ra có dòng tiền hoặc có sản phẩm và sớm đưa sản phẩm đó ra thị trường.”

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư luôn có thói quen tìm kiếm những thị trường đem lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Một khi lãi suất bắt đầu tăng, các nhà đầu tư ngày càng khó cưỡng lại việc tìm đến những thị trường mới nổi, nơi được cho là sẽ bùng nổ định giá công nghệ với tốc độ tăng trưởng cao hơn trung bình của thế giới để dịch chuyển dòng vốn của mình.

Đông Nam Á ngày càng được để mắt tới khi kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cao và nền kinh tế số phát triển năng động. Khu vực này cũng đang được hưởng lợi từ xu hướng di dời khỏi Trung Quốc trong bối cảnh Trung Quốc thắt chặt các chính sách về công nghệ và mối lo về những bất ổn trong tương lai địa chính trị.

Startup trình bày ý tưởng kinh doanh với các quỹ đầu tư tại chương trình Speech Matching trong khuôn khổ sự kiện Vietnam Venture Summit 2022. Ảnh: NIC
Startup trình bày ý tưởng kinh doanh với các quỹ đầu tư tại chương trình Speech Matching trong khuôn khổ sự kiện Vietnam Venture Summit 2022. Ảnh: NIC

Báo cáo của Golden Gate Ventures (Singapore) cho thấy, tính đến nửa đầu năm 2022, các quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào Đông Nam Á đã huy động được hơn 3 tỷ USD, vượt qua tổng số tiền huy động được năm trước đó. Ngược lại, việc huy động vốn của các quỹ đầu tư tập trung vào Trung Quốc đã giảm mạnh từ hơn 27 tỷ USD vào năm 2021 xuống chỉ còn 2 tỷ USD vào Q2/2022. Ngay cả Mỹ, nhà đầu tư FDI lớn nhất vào khu vực Đông Nam Á, cũng đã tăng đáng kể mức đầu tư của mình (41% vào năm 2021) vào các lĩnh vực tài chính ngân hàng, dược phẩm, y sinh và điện tử trong khu vực; trong khi lượng tiền đầu tư vào Trung Quốc gần như đang giữ nguyên.

Golden Gate Ventures gọi ba hệ sinh thái đang thu hút lượng vốn dẫn đầu Đông Nam Á là tam giác vàng khởi nghiệp, bao gồm Singapore, Indonesia và Việt Nam.

Ông Vinnie Lauria, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành quỹ mạo hiểm này nhận xét rằng trong thập kỷ đầu tiên ở Đông Nam Á, Singapore và Indonesia là những động lực tăng trưởng hàng đầu, trong đó Singapore mang đến nguồn tài chính và nhân lực tài năng, Indonesia mang đến một thị trường nội địa khổng lồ với sự thâm nhập kỹ thuật số mạnh mẽ.

Đến năm 2022, Việt Nam đã trở thành trụ cột thứ ba của tam giác vàng này khi tạo được sự kết hợp hoàn hảo giữa lực lượng nhân sự công nghệ hàng đầu, tăng tốc quá trình chuyển đổi số và sự xuất hiện nhanh chóng của lớp người tiêu dùng kỹ thuật số thúc đẩy thay đổi hành vi mua hàng.

Có thể nói, sự tăng trưởng của thị trường Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế số, có nhiều điểm tương đồng với những thị trường mới nổi đã gây được sự chú ý như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Nhờ có nhiều cơ hội hơn với việc tích hợp chuỗi cung ứng hiệu quả, tiếp cận thương mại tự do và chi phí vận hành thấp hơn, Việt Nam cũng có khả năng thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng toàn cầu trong tương lai gần. Ông Lauria tin rằng hệ sinh thái Việt Nam sẽ là lựa chọn tốt với một số nhà đầu tư mạo hiểm đang muốn dịch chuyển dòng vốn của mình.

Những lĩnh vực thu hút

Khi nhìn về dài hạn, phần lớn các nhà đầu tư đều thấy kỳ vọng ở Việt Nam. Như nhận xét của bà Nguyễn Lan Anh, giám đốc điều hành tổ chức Endeavor, “Mọi chuyện ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu”. Không trực tiếp rót vốn cho startup nhưng Endeavor làm việc với các tập đoàn và cá nhân giàu có ở các quốc gia khác nhau để mang lại nguồn tài trợ cho các công ty trong giai đoạn mở rộng thị trường – những công ty mà theo họ có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế và GDP.

Bà Lan Anh phân tích rằng quy mô thị trường là một yếu tố có thể hạn chế sự tăng trưởng của các công ty Việt Nam, tuy nhiên một số công ty đã không giới hạn mình ở thị trường trong nước mà đang nhắm đến thị trường toàn cầu trong nhiều lĩnh vực nổi bật như công nghệ AI, blockchain, game và phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS).

Đặc điểm chung của những lĩnh vực này là đều gắn với lợi thế nhân sự công nghệ thông tin của Việt Nam. Jeff Lonsdale ca ngợi Việt Nam là một trong số ít nơi trên thế giới khi mà các công ty công nghệ quyết định mở rộng quy mô sẽ không cần phải tìm kiếm tài năng bên ngoài vì độ sâu của nhân tài trong hệ sinh thái. Thậm chí, ngày càng nhiều nhà sáng lập người Việt đang cố gắng sở hữu công nghệ độc quyền để đảm bảo lợi thế cạnh tranh bền vững trong dài hạn.

Thị trường nội địa đang trong quá trình chuyển đổi cũng là một cơ hội phát triển khổng lồ. Ông Chris Seung-Ho nhận xét rằng sau những ngành đang “hot” hiện nay như thương mại điện tử, công nghệ tài chính, giáo dục và SaaS; các lĩnh vực có tiềm năng cải thiện sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững của đất nước - bao gồm agritech, robot/tự động hóa, công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng, cleantech - sẽ trở thành mối quan tâm tiếp theo của các quỹ đầu tư vào Việt Nam. Những ngành này sẽ cần 10-15 năm để phát triển, do vậy hiện giờ là thời điểm lý tưởng để giới đầu tư xuống vốn.

Một cách tiếp cận khác là đi theo nhu cầu của các tập đoàn lớn. Ở Hàn Quốc, từ đầu những năm 2000, nhiều quỹ mạo hiểm đứng đằng sau là các tập đoàn đã tìm kiếm các startup có thể giải quyết được bài toán trong lĩnh vực cụ thể của mình, chẳng hạn như xây dựng hệ thống giao dịch cổ phiếu cho các công ty chứng khoán để mọi người có thể tham gia mua bán dễ dàng và có tính thanh khoản cao hơn, hoặc xây dựng các module thu phát tín hiệu viễn thông phục vụ cho ngành điện dân dụng. Những gì đã diễn ra cách đây hai thập kỷ ở những hệ sinh thái phát triển như Hàn Quốc là chỉ dấu cho những nhà đầu tư biết mình có thể trông chờ điều gì tại Việt Nam hiện nay.

Trên thực tế, việc kết nối giữa startup Việt với hệ sinh thái của các tập đoàn trong nước mới chỉ nhen nhóm từ cuối những năm 2020 thông qua các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng sáng tạo do Viettel hay Qualcomm tổ chức. Thời gian gần đây, người ta thấy nhiều tập đoàn tham gia hơn, chẳng hạn như Masan rót vốn vào Trusting Social, một nền tảng công nghệ tài chính kết hợp AI có trụ sở tại Singapore chuyên phân tích hiểu biết về người tiêu dùng và chấm điểm tín dụng; hay FPT mua lại Base.vn, một kho sinh thái với nhiều sản phẩm được tự động hoá giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số.

Các nhà đầu tư dự đoán rằng trong thời gian tới, những thương vụ như thế sẽ diễn ra thường xuyên hơn khi các tập đoàn trở nên mạnh hơn và nhận thấy lợi ích rõ ràng khi đem startup về phía mình.

Mở rộng hành lang vốn

Bất chấp sự thận trọng của dòng vốn mạo hiểm toàn cầu, thị trường khởi nghiệp Việt Nam vẫn đang thu hút dòng tiền đầu tư ngày càng tăng từ các quỹ và tổ chức trên thế giới.

Tại Vietnam Ventures Summit, gần 40 tổ chức, quỹ đầu tư đã cam kết sẽ rót 1,5 tỷ USD vào thị trường Việt Nam trong 3 năm tới (2023-2025), nâng tổng mức đầu tư kỳ vọng của hệ sinh thái trong giai đoạn lên 5 tỷ USD. Đây là con số khả quan, tuy nhiên để biến cam kết thành hiện thực và có thể đi xa hơn nữa thì chính phủ và các tổ chức cần phải xem xét một vài chiến lược.

Arnaud Ginolin, cố vấn chiến lược và chính sách tại Boston Consulting Group (BCG) ở Việt Nam chỉ ra ba định hướng chính có thể phù hợp với bối cảnh hiện tại.

Thứ nhất là hướng các nhà đầu tư tới những ngành chưa được khai thác. Hiện giờ, dòng vốn mạo hiểm ở Việt Nam chủ yếu chảy vào các lĩnh vực liên quan đến tiêu dùng, thanh toán, và chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, có rất nhiều lĩnh vực khác rất đáng cân nhắc, bao gồm những đột phá trong lĩnh vực sản xuất tiên tiên để cạnh tranh với những công xưởng của Trung Quốc; công nghệ năng lượng và công nghệ sạch để cải thiện môi trường và đáp ứng cam kết phát thải ròng bằng 0, hay các công nghệ liên quan đến nông nghiệp để giúp Việt Nam đứng cao hơn trong chuỗi giá trị. Đối với những lĩnh vực mà Việt Nam muốn trở thành nhà vô định trong khu vực, chính quyền buộc phải cụ thể hóa hơn nữa các ưu đãi để chuyển các khuyến khích toàn ngành sang các ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho ngành được chọn.

Thứ hai là đa dạng thêm các nguồn vốn. Hầu hết các khoản đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam đến từ các quỹ ở Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản. Do vậy, cần phải thu hút thêm đầu tư từ các nguồn khác như Mỹ, Trung Đông và châu Âu bởi những nhà đầu tư này không chỉ mang lại nguồn vốn lớn hơn mà còn đem đến một hệ sinh thái đối tác mới với những ngành công nghiệp toàn cầu mà họ đang hỗ trợ. Việt Nam có thể phải xem xét lại những vấn đề liên quan đến cơ chế ngoại hối có khả năng làm chậm dòng đầu tư tổng thể hoặc gia tăng rủi ro cho những nhà đầu tư này.

Và cuối cùng là xây dựng được cầu nối để tiếp cận những quỹ tài sản của các cá nhân hoặc gia tộc giàu có. Đây là một đặc thù của đầu tư mạo hiểm ở châu Á. Trung Quốc là minh chứng tuyệt vời khi có tới 15-20% quỹ đầu tư mạo hiểm liên quan đến các văn phòng gia đình (Family Office) chuyên phục vụ các cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao, góp phần tạo ra nguồn lực dồi dào cho những startup kỳ lân công nghệ. Tuy nhiên, đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam chưa tiếp cận được nhiều đến đối tượng này và cách hợp tác sẽ khác nhau tùy thuộc vào người quản lý.


Vốn mạo hiểm Việt Nam

Trong lịch sử ngắn ngủi chưa đầy 8 năm của mình, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể về thu hút vốn mạo hiểm - từ mức 100 triệu USD thời đầu những năm 2015-2016 lên đến gần 900 triệu USD vào năm 2019 (trước thời điểm Covid-19), bị chững lại một năm vì đại dịch, và nhanh chóng lấy lại động lực để đạt được con số kỷ lục 1,4 tỷ USD vào năm 2021 (sau thời điểm Covid-19). Đó là mức tăng gấp 14 lần chỉ sau nửa thập kỷ.

Mặc dù dòng vốn mạo hiểm vào Việt Nam năm 2022 cũng trong xu thế sụt giảm như nhiều khu vực trên thế giới, tuy nhiên các nhà quản lý quỹ đầu tư nội vẫn nhìn thấy các tín hiệu tích cực. Số lượng các thương vụ đầu tư cho giai đoạn sau (10 - 50 triệu USD) của Việt Nam trong năm 2022 vẫn duy trì ở mức cao so với năm 2021, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp gọi vốn từ vòng Series A trước đó vẫn đang tăng trưởng và bước sang giai đoạn phát triển kế tiếp.

Dữ liệu tổng hợp từ NIC, Do Ventures & Cento Ventures Research, Nextrans