Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã ứng dụng công nghệ sinh học để chọn ra giống lúa thơm, có khả chịu mặn, cho năng suất cao, phù hợp với vùng sản xuất lúa và lúa - tôm của tỉnh.

Cà Mau hiện có khoảng 85 ngàn đất canh tác lúa, với nhiều giống được đưa vào sản xuất như OM5451, OM18, ST24, ST25, đài thơm 8, OM 429, OM 375,… Tuy nhiên, trước mối đe dọa nghiêm trọng từ xâm nhập mặn và nước biển dâng, việc chọn tạo các giống lúa mới chất lượng và có khả năng chịu mặn là cần thiết.

Vì vậy, Sở KH&CN Cà Mau đã giao Trung tâm Giống nông nghiệp của tỉnh triển khai đề tài ứng dụng công nghệ sinh học vào chọn giống lúa thơm có khả chịu mặn, chất lượng và năng suất cao cho vùng sản xuất lúa và lúa - tôm của tỉnh.

Nhóm thực hiện đề tài đã phân tích 322 dòng lúa thơm bằng dấu phân tử protein, đánh giá ngoài đồng 206 dòng, phân tích trong phòng 156 dòng với các chỉ tiêu về năng suất, phẩm chất hạt, tính chống chịu rầy nâu và đạo ôn, đánh giá một số tính trạng dựa vào DNA. Qua đó, nhóm chọn được 19 dòng tốt nhất để trồng ngoài đồng ruộng. Sau khi đánh giá tính thích nghi, sự phân ly, đặc điểm nông học (dạng hình), năng suất và chất lượng, nhóm tiếp tục chọn được bốn dòng lúa để khảo nghiệm sản xuất trong mô hình lúa và lúa - tôm năm 2022-2023 tại các huyện U Minh, Cái Nước và Trần Văn Thời. Kết quả cho thấy, hai dòng lúa đạt yêu cầu là Cà Mau Thơm 3-246 và Cà Mau Thơm 3-122.

Khảo
Giống lúa mới được khảo nghiệm sản xuất tại các huyện U Minh, Cái Nước và Trần Văn Thời. Ảnh: NNC

Trong đó, giống lúa Cà Mau Thơm 3-246 (Cà Mau Thơm 3) có thời gian sinh trưởng trung bình 95 ngày, năng suất trung bình ≥ 5 tấn/ha, chất lượng xay chà tốt, tỷ lệ bạc bụng chiếm 2% và amylose trung bình là 17%. [Amylose là một trong hai thành phần chính của tinh bột có trong gạo; hàm lượng amylose dưới 20% sẽ cho cơm dẻo mềm và kết dính sau khi nấu.]

Giống lúa Cà Mau Thơm 3-122 (Cà Mau Thơm 4) có thời gian sinh trưởng trung bình 97 ngày, năng suất trung bình 4,9 tấn/ha, chất lượng xay chà tốt, tỷ lệ bạc bụng chiếm 2,5% và amylose trung bình là 17,5%.

g
Giống lúa thơm Cà Mau mới. Ảnh: NNC

Các giống đều mang gene thơm, chống chịu mặn (4‰), chất lượng tốt (gạo trong, cơm dẻo), thích hợp cho mô hình canh tác lúa và lúa-tôm. Đặc biệt, giống lúa Cà Mau Thơm 3 có độ thơm tương đương ST24, khả năng chịu mặn ≥4‰, năng suất tương đương các giống khác được trồng tại địa phương.

Đề tài đã được Sở KH&CN Cà Mau nghiệm thu, kết quả đạt. Nhóm nghiên cứu đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất, công nhận giống để đưa vào sản xuất đại trà.


Bài đăng KH&PT số 1320 (số 48/2024)