Ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục ở châu Á xuất hiện trên các bảng xếp hạng các trường đại học tốt và có ảnh hưởng nhất thế giới. Tỷ lệ ghi danh vào các cơ sở giáo dục đại học ở khu vực này cũng đang tăng lên nhanh chóng. Chỉ 8% thanh niên Trung Quốc học đại học vào năm 2000, nhưng hiện đã tăng lên 60%, với gần 12 triệu sinh viên dự kiến sẽ tốt nghiệp đại học trong năm nay. Tương tự, 58.000 cơ sở giáo dục đại học ở Ấn Độ đang đào tạo 43 triệu sinh viên – tăng 18% so với 5 năm trước.
Tuy nhiên, theo một báo cáo năm 2024 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tốt nghiệp đại học ở Ấn Độ cao gấp chín lần so với thanh niên không biết đọc viết. Tỷ lệ thất nghiệp chung của thanh niên Ấn Độ đạt đỉnh 17,5% vào năm 2019; trong khi vào năm 2000, con số này mới là 5,7%.
Tại Trung Quốc, “ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp khó tìm được công việc đáp ứng kỳ vọng của họ”, PGS. Ewan Wright, Khoa Chính sách và Quản lý giáo dục, Đại học Giáo dục Hồng Kông, cho biết. Vào tháng 6/2023, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đạt đỉnh khoảng 21% – một thống kê đáng lo ngại đến mức chính phủ đã phải ngừng công bố dữ liệu.
Sri Lanka và Indonesia cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự. Đây không phải vấn đề của riêng châu Á, nhưng ở một lục địa đóng góp hơn một nửa tăng trưởng GDP toàn cầu và 55% tăng trưởng dân số trong độ tuổi lao động, sự bất mãn của giới trẻ với thị trường lao động có thể gây ra những hệ quả to lớn cho nền kinh tế thế giới.
"Đại chúng hóa" giáo dục đại họcMột lý do cho mối tương quan trái ngược giữa giáo dục đại học và tỷ lệ việc làm là sinh viên mới ra trường không còn thu được nhiều lợi ích từ việc học đại học như trước đây. Nhiều người vẫn tin rằng đại học là con đường nhanh nhất để có một công việc tốt, lương cao hơn so với những công việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng trên thực tế, nguồn cung sinh viên tốt nghiệp đại học tăng đột biến, trong khi nhu cầu đối với chuyên môn của họ thì không.
“Việc giáo dục đại học được đại chúng hóa quá nhanh, cùng với quá ít công việc phi nông nghiệp được tạo ra trong thập kỷ qua, là nguyên nhân lớn gây ra thất nghiệp trong thanh niên,” Santosh Mehrotra, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Lao động và Khu vực phi chính thức, Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ), cho biết.
Trong một số trường hợp, việc mở rộng giáo dục đại học còn khiến việc học đại học trở thành điều bắt buộc nếu người lao động muốn có một công việc chuyên môn. Theo GS. Ulrich Teichler, cựu Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học Quốc tế, Đại học Kassel (Đức), nhiều “công việc trung bình” về kỹ thuật, hành chính hay y tế trước đây không yêu cầu bằng đại học, thì ngày nay đều đòi hỏi một tấm bằng.
PGS. Jisun Jung, Khoa Giáo dục, Đại học Hồng Kông, bổ sung rằng tỷ lệ có việc làm thấp của các cử nhân không khiến mọi người quay lưng với giáo dục đại học, ngược lại còn khuyến khích họ theo đuổi nền giáo dục “tốt hơn” để tăng tính cạnh tranh trên thị trường lao động. Ở Hàn Quốc, các bậc phụ huynh đua nhau gửi con vào các trường tư thục và các lớp học thêm đắt đỏ nhằm tối đa hóa cơ hội cho con vào những trường đại học danh tiếng nhất. Bên cạnh đó, sinh viên tốt nghiệp đại học cũng có xu hướng học tiếp lên cao.
Lý giải thực tế này, Anita Medhekar, giảng viên cao cấp về kinh tế, Đại học Central Queensland (Úc), cho rằng, ngày nay, việc vào đại học không chỉ mang tính thực tế mà còn hàm chứa yếu tố cảm xúc. “Ngay cả tầng lớp lao động ở Ấn Độ cũng ước ao con mình đỗ đại học và họ không quản làm việc vất vả để trả học phí cho con”, bà nói.
Ở các quốc gia chịu ảnh hưởng của Khổng giáo, vốn đề cao khoa cử, thì “đối với các gia đình bình thường, việc theo học một trường đại học danh tiếng vẫn là niềm tự hào lớn, mặc dù triển vọng việc làm có thể là mối lo ngại về sau,” PGS. Dian Liu, Khoa Truyền thông và Khoa học xã hội, Đại học Stavanger (Na Uy), nhận xét.
Giải pháp giáo dục nghề nghiệp Thất nghiệp trong thanh niên và sinh viên tốt nghiệp đại học không phải một thách thức mới đối với các nhà hoạch định chính sách. OECD mô tả tình trạng thất nghiệp ở thanh niên Hàn Quốc là một vấn đề phức tạp, hệ quả của tăng trưởng kinh tế thấp kéo dài, kỳ vọng nghề nghiệp cao của sinh viên tốt nghiệp và sự không phù hợp giữa kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp với yêu cầu của thị trường lao động.
Sự không phù hợp này, dù khác nhau đôi chút ở từng quốc gia, là vấn đề chung thường được các nhà kinh tế và chính trị gia trong khu vực đề cập. “Vấn đề không phải là các nhà tuyển dụng không cần lao động, mà họ không tìm được vì không có đủ người có đúng những kỹ năng mà họ có thể tuyển dụng”, Mehrotra nói.
Những năm gần đây, chính phủ nhiều nước - trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc - đã đầu tư nhiều hơn vào giáo dục nghề nghiệp và giảm bớt đầu tư vào giáo dục đại học truyền thống như một giải pháp. Trong ngân sách mới nhất của Ấn Độ, kinh phí dành cho các trường đại học đã giảm, trong khi nguồn lực để nâng cấp các viện đào tạo công nghiệp, nơi cung cấp các chương trình giáo dục nghề nghiệp cho học sinh tốt nghiệp trung học, được tăng cường.
Mehrotra cảm thấy tiếc khi sự “chuyển hướng” sang giáo dục nghề nghiệp đã không diễn ra sớm hơn để các trường đại học không bị “quá tải”. Nhưng ông vẫn hoan nghênh động thái này của chính phủ, tin rằng nó sẽ chuẩn bị cho thanh niên sẵn sàng tham gia lực lượng lao động.
Trong một bài phát biểu đầu năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đề cập đến “sự mất cân bằng cung - cầu” trên thị trường lao động của Trung Quốc và chỉ ra “cần thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp và cải thiện hệ thống đào tạo nghề suốt đời của đất nước”. Cả số lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập ở Trung Quốc và số lượng thanh niên theo học đều tăng đều đặn trong những năm gần đây. Các trường cao đẳng nghề ba năm của nước này đã tuyển 5,5 triệu sinh viên vào năm 2023 (tăng 3% so với năm trước), so với 10,4 triệu sinh viên đăng ký vào các trường đại học.
Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng có một số yếu tố đang cản trở sự mở rộng của giáo dục nghề nghiệp. Trước hết, đó là thái độ của người dân đối với loại hình đào tạo vốn bị coi là có “vị thế xã hội thấp hơn” ở Trung Quốc. Mặc dù các chương trình đào tạo nghề bảo đảm cho thanh niên dễ dàng có công ăn việc làm, nhưng nhiều gia đình vẫn không mặn mà, PGS. Liu chia sẻ. Điều này cũng đúng với các gia đình ở những nơi khác của châu Á.
Theo PGS. Jung, nguyên nhân người Hàn Quốc không chuộng giáo dục nghề nghiệp có phần do định kiến, nhưng chủ yếu do tình trạng lương thấp, ít cơ hội phát triển nghề nghiệp, công việc và cuộc sống mất cân bằng, văn hóa doanh nghiệp nghèo nàn ở các công ty sản xuất vừa và nhỏ. “Nếu điều kiện làm việc của các công ty tiếp nhận thanh niên học nghề được cải thiện thì triển vọng của giáo dục nghề nghiệp mới tốt lên”, bà giải thích.
Thay đổi giáo dục đại họcTrong lúc đó, các nhà hoạch định chính sách vẫn có thể tiếp tục hỗ trợ trường đại học điều chỉnh theo nhu cầu của nhà tuyển dụng. Trong bài phát biểu ca ngợi giáo dục nghề nghiệp, Chủ tịch Tập Cận Bình đồng thời kêu gọi điều chỉnh các chuyên ngành đại học theo nhu cầu của thị trường lao động. Trước đó, vào năm 2023, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã công bố một kế hoạch nhằm “tối ưu hóa” các ngành đào tạo của giáo dục đại học, bao gồm xây dựng các chương trình mới trong các lĩnh vực có nhu cầu chuyên môn như nghiên cứu an ninh quốc gia, vật liệu thông tin điện tử và thiết bị biển thông minh, và loại bỏ những ngành lỗi thời.
PGS. Liu cho rằng đầu tư vào các trường đại học ít danh tiếng hơn có thể hữu ích. Hệ thống giáo dục Trung Quốc vẫn phân cấp rõ rệt, khi các trường đại học hàng đầu “khá dồi dào nguồn lực và các khoản đầu tư,” từ đó tạo ra một “mạng lưới cựu sinh viên có trình độ cao hơn” mà sinh viên mới tốt nghiệp có thể dựa vào để tìm kiếm cơ hội việc làm. PGS. Liu tin rằng nếu nguồn đầu tư từ trung ương, tỉnh hoặc địa phương hướng vào các trường ít danh tiếng hơn thì việc chuẩn bị những kỹ năng và mạng lưới cần thiết cho sinh viên ở những cơ sở này sẽ sẵn sàng hơn.
Theo Randall Jones, cựu Trưởng bộ phận Nhật Bản và Hàn Quốc tại OECD, các nhà hoạch định chính sách nên cân nhắc những giải pháp sáng tạo – và thường là đơn giản hơn. Ví dụ, ông tin rằng việc cho phép sinh viên linh hoạt thay đổi chuyên ngành có thể giúp giảm bớt độ vênh giữa kỹ năng được đào tạo và yêu cầu tuyển dụng. “Nhiều sinh viên [Hàn Quốc] từ bỏ lĩnh vực mà họ yêu thích để vào một trường đại học có thứ hạng cao”, ông nói, và kết cục là họ không tìm việc trong các lĩnh vực mà họ thực sự quan tâm hoặc có năng khiếu nhất.
Ngoài ra, các trường có thể cân nhắc việc giảng dạy và học tập liên ngành. Singapore hiện đang dẫn đầu trong lĩnh vực này. Tại Đại học Quốc gia Singapore, sinh viên ở một số khoa bắt buộc phải tham gia 15 khóa học chung trong chương trình chính khóa để giúp họ linh hoạt khi bước vào thị trường việc làm và có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp trong tương lai.
GS. Teichler cho rằng các trường đại học cũng cần tập trung vào việc cung cấp hỗ trợ tìm việc dài hạn. “Hầu hết các trường đại học không có hoặc chỉ có các hệ thống hỗ trợ sơ sài cho sinh viên không tìm được việc trong giai đoạn đầu, không hài lòng với kết quả tìm việc, hoặc ngay từ đầu đã không có ý định đi làm sau khi tốt nghiệp mà sau này mới tìm việc”, ông nói.
Nguồn: