Nghiên cứu mới của Đại học Stanford (Mỹ) được công bố tại Hội nghị Thường niên của Hiệp hội Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Mỹ vào tháng 11/2024 cho thấy biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra 20% số ca bệnh sốt xuất huyết trên thế giới hiện nay.
Con số này có thể tăng lên mức 60% vào năm 2050 nếu nhân loại không triển khai các biện pháp mạnh mẽ để chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu.
Năm 2024 ghi nhận sự gia tăng kỷ lục về số ca nhiễm sốt xuất huyết, đặc biệt là ở châu Mỹ – nơi ghi nhận gần 12 triệu ca bệnh tính đến thời điểm hiện tại, trong khi cả năm 2023 chỉ có 4,6 triệu ca bệnh.
“Chúng tôi đã xem xét dữ liệu về tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết và biến đổi khí hậu ở 21 quốc gia tại châu Á và châu Mỹ, từ đó tìm ra mối liên hệ rõ ràng và trực tiếp giữa nhiệt độ tăng và số người nhiễm bệnh”, Erin Mordecai, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Cụ thể, nhiệt độ tăng khiến muỗi sản sinh virus mạnh hơn, đặc biệt là trong khoảng nhiệt độ trung bình từ 20-29°C. Một số khu vực ở Peru, Mexico, Bolivia và Brazil có mức nhiệt độ lý tưởng cho muỗi phát triển có thể chứng kiến số ca sốt xuất huyết tăng lên từ 150% đến 200% trong 25 năm tới.
Ngoài nhiệt độ, các yếu tố khác như lượng mưa, loại virus lưu hành, mật độ dân cư và tình trạng kinh tế-xã hội cũng góp phần gây bùng phát dịch.
Nguồn: iflscience.com
Tin đăng KH&PT số 1320 (số 48/2024)
Quốc Hùng và nhóm tác giả lược dịch