Phân tích gần 2.000 người sống ở các làng tại Honduras đã tiết lộ cách những người bạn truyền vi sinh vật đường ruột cho nhau.
Một bữa ăn chung, một nụ hôn má - những hành động xã hội này gắn kết mọi người, và cũng gắn kết hệ vi sinh vật của họ. Một nghiên cứu cho thấy, càng tương tác nhiều, thành phần vi sinh vật đường ruột giữa các cá nhân càng giống nhau, ngay cả khi họ không sống chung nhà.
Nghiên cứu còn chỉ ra rằng hệ vi sinh vật của một người không chỉ được định hình bởi những người quen thân mà còn bởi bạn bè của những người đó.
Hình minh họa. Nguồn: Getty
Trong quá trình tìm hiểu các yếu tố định hình hệ vi sinh vật của một người, “tương tác xã hội chắc chắn là một mảnh ghép bị bỏ sót cho đến gần đây,” theo nhà vi sinh vật học Catherine Robinson tại Đại học Oregon, Eugene, người không tham gia nghiên cứu.
Công trình bắt nguồn từ một nghiên cứu tìm hiểu sự lan truyền của bệnh béo phì trong các mạng lưới xã hội cách đây gần 20 năm. Một số vi khuẩn và virus trong hệ vi sinh vật đường ruột được cho là có khả năng thay đổi nguy cơ béo phì của một người, và nhà khoa học xã hội Nicholas Christakis tự hỏi liệu bạn bè có truyền những vi sinh vật này cho nhau không, ngoài việc ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của nhau. “Đây là một ý tưởng mà tôi không thể gạt ra khỏi đầu,” Christakis nói. Ông làm việc tại Đại học Yale, Connecticut.
Kể từ đó, nhiều công trình nghiên cứu đã gợi ý rằng các tương tác xã hội định hình hệ vi sinh vật đường ruột. Để tiếp tục tìm hiểu, Christakis và các đồng nghiệp đã tới những khu rừng nhiệt đới Honduras để khảo sát. Họ lập bản đồ các mối quan hệ xã hội và phân tích hệ vi sinh vật của những người sống tại 18 ngôi làng biệt lập, nơi mọi người chủ yếu tương tác trực tiếp và ít tiếp xúc với thực phẩm chế biến hay kháng sinh, những yếu tố có thể thay đổi hệ vi sinh vật.
Kết quả, các nhà nghiên cứu nhận thấy, vợ chồng và những người sống chung nhà có tới 13,9% số chủng vi sinh vật giống nhau trong ruột. Nhưng ngay cả những người không sống chung nhà nhưng thường xuyên gặp nhau lúc rảnh rỗi cũng có 10% số chủng vi sinh vật đường ruột giống nhau. Ngược lại, những người sống cùng làng nhưng không có tương tác thường xuyên chỉ chia sẻ 4% số chủng vi sinh vật đường ruột. Nghiên cứu còn cho thấy thậm chí những người bạn của bạn cũng có nhiều chủng vi sinh vật đường ruột giống nhau hơn so với mức ngẫu nhiên.
Theo nhà sinh học tính toán Nicola Segata tại Đại học Trento, Ý, những nghiên cứu như thế này đang thay đổi hoàn toàn cách chúng ta nghĩ về nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hệ vi sinh vật, như tăng huyết áp và trầm cảm. Những tình trạng này có thể lan truyền giữa các cá nhân thông qua hệ vi sinh vật của họ.
Trong trường hợp trầm cảm – một tình trạng khó điều trị – việc kết hợp các liệu pháp hiện nay với các phương pháp điều trị nhắm vào hệ vi sinh vật có thể đem lại hiệu quả cao hơn, Valles-Colomer nói.
Tuy nhiên, chúng ta không nên tránh tương tác xã hội vì lo ngại “lây” hệ vi sinh vật của người khác. Tương tác xã hội cũng có thể lan truyền các thành phần của hệ vi sinh vật khỏe mạnh và mang lại vô số lợi ích. “Gần gũi với người khác không hề xấu, ngược lại – rất có lợi!” Valles-Colomer kết luận.
Nghiên cứu mới được công bố trên Nature ngày 20/11.
Nguồn:
https://www.nature.com/articles/s41586-024-08222-1