Do phụ thuộc vào những công nghệ tương đối kém hiệu suất, Việt Nam là một trong những nền kinh tế thâm thải khí nhà kính nhiều nhất Đông Á.

Báo cáo “Việt Nam 2045: Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi - Con đường dẫn đến tương lai thu nhập cao của Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới công bố tuần trước chỉ ra rằng, trong 30 năm qua, khí thải CO2 từ các hoạt động sản xuất - chế tạo - chế biến ở Việt Nam đã tăng nhanh. Trong đó khí thải liên quan đến hàng xuất khẩu đến nay đã chiếm 36% tổng lượng khí thải CO2, thuộc hàng cao nhất trong khu vực và cao hơn tất cả các quốc gia so sánh là Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Hàn Quốc.

Việt Nam tăng trưởng kinh tế cao nhưng thâm thải carbon. Ảnh từ Báo cáo.
Việt Nam tăng trưởng kinh tế cao nhưng thâm thải carbon. Ảnh từ Báo cáo.

Một nguyên nhân khiến khí thải carbon của Việt Nam tăng nhanh là sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào điện than - vốn chiếm khoảng 1/3 nguồn cung năng lượng sơ cấp của Việt Nam những năm gần đây. Mặc dù chỉ đóng góp 0,8% vào lượng thải khí nhà kính toàn cầu (355 triệu tấn CO2 phát thải năm 2020), nhưng Việt Nam lại là một trong những nơi có tăng trưởng phát thải theo đầu người cao nhất thế giới trong ba thập kỷ qua. Từ năm 1990 đến 2021, tăng trưởng cộng dồn [1] của khí thải CO2 ở Việt Nam xấp xỉ 1.800, trong khi quốc gia so sánh có tăng trưởng cộng dồn khí thải CO2 cao thứ hai là Trung Quốc chỉ ở mức 500. Trong cùng giai đoạn, tăng trưởng cộng dồn GDP của Việt Nam khoảng 600, tức là khí thải CO2 đã tăng nhanh hơn khoảng ba lần so với GDP.

Do phụ thuộc vào những công nghệ tương đối kém hiệu suất, Việt Nam là một trong những nền kinh tế thâm thải khí nhà kính nhiều nhất Đông Á. Tỷ lệ thâm dụng năng lượng của Việt Nam cao gấp đôi so với mức bình quân của Đông Á cho mỗi đơn vị GDP được tạo ra, theo chỉ tiêu 1,1 kg khí thải CO2 cho mỗi đôla GDP (so với 0,7 và 0,4 lần lượt của Trung Quốc và Philippines).

Báo cáo khuyến nghị Việt Nam cần hướng tới cơ chế định giá carbon nhằm hỗ trợ khử thải carbon cho nền kinh tế, đồng thời giảm nhẹ tác động đến năng lực cạnh tranh.

---
[1] Tăng trường cộng dồn là thuật ngữ chỉ mức tăng trưởng tích lũy theo thời gian, được tính bằng cách gộp tổng tất cả các mức tăng trưởng qua từng giai đoạn.

Nguồn: