Có một bác sĩ đã cống hiến cả cuộc đời để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề đó, đồng thời mở ra một lĩnh vực mới: y học về giấc ngủ. Người đàn ông đó là William Dement.
Vào 29/7/1928, William Charles Dement chào đời tại Wenatchee, Washington, ở phía Bắc trung tâm của bang, và lớn lên tại phía Nam ở Walla Walla. Cha ông là Charles, đại lý thu thuế kiêm kế toán viên, còn mẹ ông - bà Kathryn (Severyns) Dement làm nội trợ.
Quá trình học tập và nghiên cứu
Thời hậu chiến tại Nhật Bản, ông phục vụ trong quân đội Mỹ, làm biên tập viên cho một tờ báo trung đoàn. Sau khi giải ngũ, ông ghi danh tại Đại học Washington, Seattle. Tại đây, ông sống trong một nhà thuyền và trang trải học phí bằng cách chơi bass cho ban nhạc jazz và tổ chức các buổi ứng tấu nhạc jazz trên nhà thuyền. Năm 1951, Dement tốt nghiệp, lấy được bằng cử nhân về khoa học y tế cơ bản.
Niềm hứng thú của Dement với giấc ngủ được khơi dậy khi ông theo học trường y tại Đại học Chicago. Vào thời điểm đó, phần lớn các nhà khoa học cho rằng giấc ngủ là chủ đề thật nhàm chán. Ông hết sức hào hứng với công trình của TS. Nathaniel Kleitman, nhà sinh lý học đã thực hiện nghiên cứu đầu tiên về giấc ngủ khi lĩnh vực này còn chưa tồn tại. TS. Kleitman và nghiên cứu sinh Eugene Aserinsky là những người đầu tiên báo cáo về chuyển động mắt nhấp nháy trong khi ngủ.
Cuốn sách gây ảnh hưởng lớn.
Sau khi gia nhập phòng thí nghiệm giấc ngủ của TS. Kleitman, Dement đã quay phim các đối tượng trong giấc ngủ REM và nghiên cứu mối liên hệ giữa giấc ngủ REM và những giấc mơ.
Vào năm 1956, khi đo sóng não và chuyển động mắt của chín đối tượng lúc ngủ, Dement và Kleitman phát hiện ra tỷ lệ bệnh nhân nhớ được giấc mơ từ 5 tới 15 phút là cao sau khi bị đánh thức từ giấc ngủ REM.
Chuyển động mắt nhanh (REM) “đại diện cho hình ảnh trực quan của giấc mơ” – nói cách khác, trong pha này nhiều khả năng chúng ta sẽ nằm mơ. Hai nhà khoa học đã công bố phát hiện trong một bài báo đăng vào năm kế tiếp trên Journal of Experimental Psychology.
Dement lấy được bằng y khoa vào năm 1955 và bằng tiến sĩ sinh lý thần kinh năm 1957, đều ở Đại học Chicago. Ông tiếp tục thực tập tại Bệnh viện Mount Sinai ở New York. Tại đây ông dựng lên phòng thí nghiệm giấc ngủ trong căn hộ của mình ở khu Manhattan. Đối tượng không hề dễ tìm, nên ông tự lấy mình ra nghiên cứu (nhờ vợ đánh thức dậy trong giấc ngủ REM), cùng với họ hàng và nhờ câu trả lời từ một số vũ công từ đoàn vũ đạo Radio City Rockettes nổi tiếng.
Dement chuyển tới Stanford vào năm 1963. Trong những năm đầu ở Stanford, ông nghiên cứu các vấn đề giấc ngủ và tuyển được tình nguyện viên tham gia thử nghiệm. Nhờ đó, Dement phát hiện nhiều người phải chịu đựng các rối loạn giấc ngủ như chứng mất ngủ, ngủ rũ mà không được chẩn đoán và điều trị trong nhiều năm. Điều này khiến ông mở Phòng khám các rối loạn giấc ngủ Stanford vào năm 1970. Đây là phòng khám về giấc ngủ đầu tiên trên thế giới, ngày nay nơi đây được gọi là Trung tâm y học giấc ngủ Stanford.
Tại phòng khám, ông hợp tác cùng đồng nghiệp là TS. Christian Guilleminault, cả hai đã cùng nhau khai phá ra con đường cho y học giấc ngủ. Một trong những thành tựu của họ là nhận ra các nguy hiểm của hội chứng ngưng thở lúc ngủ và phát triển các cách điều trị. Những người mắc chứng này thường ngừng thở lúc ngủ, đôi khi trong những quãng thời gian dài. Căn bệnh gây buồn ngủ và đi kèm với rủi ro huyết áo cao, tiểu đường tuýp 2, đột quỵ và đau tim. Nhưng khi Dement lần đầu công bố dữ liệu cho thấy mức độ phổ biến của trình trạng này (ảnh hưởng tới 20% dân số, dữ liệu cuối những năm 1980) , các nhà khoa học đồng nghiệp đều tỏ ra hoài nghi.
Phát triển phương pháp đo đa ký giấc ngủ
Đo đa ký giấc ngủ là một phương pháp do Dement phát triển. Phương pháp này không chỉ dừng ở đo chuyển động mắt và sóng não, mà còn đo nồng độ oxy trong máu, nhịp thở và kiểu thở, nhịp tim, chuyển động chân và tiếng ngáy. Cùng với nghiên cứu sinh Mary Carskadon, hiện nay là giáo sư về tâm thần học và hành vi con người tại Đại học Brown, họ đã phát triển một công cụ chẩn đoán giấc ngủ để đo chứng buồn ngủ vào ban ngày, tên của nó là kiểm tra tiềm thời giấc ngủ.
Dưới sự lãnh đạo của Dement, các nhà khoa học của trung tâm giấc ngủ đã tập trung nỗ lực nghiên cứu và điều trị chứng ngưng thở khi ngủ, mất ngủ, chứng ngủ rũ, hội chứng chân không nghỉ, mộng du và các rối loạn khác.
Tín đồ nhạc jazz và trách nhiệm xã hội
Song song với hành trình nghiên cứu khô khan, ông vẫn tiếp tục theo đuổi những giai điệu đầy mê hoặc của nhạc jazz. Dement từng có cơ hội chơi nhạc cùng một số nghệ sĩ vĩ đại, bao gồm Quincy Jones và Stan Getz. Vào cuối những năm 1980, ông lãnh đạo Ủy ban nhạc Jazz tại Stanford, một nhóm kết nối những người đam mê nhạc jazz tại Stanford, đã ủng hộ chương trình nhạc jazz học thuật mới của Khoa Âm nhạc.
Ngoài việc nghiên cứu, giảng dạy và chữa trị cho bệnh nhân, Dement còn dành thời gian giáo dục công chúng về tầm quan trọng của giấc ngủ cũng như những rủi ro và tỷ lệ mắc chứng rối loạn giấc ngủ không được điều trị. Ông làm vậy khi thấy mọi người cho rằng giấc ngủ chẳng phải điều gì quá quan trọng. Theo ông, chứng nợ ngủ là một hiểm họa, nó khiến bộ não và cơ thể trì trệ và dần suy thoái, góp phần gây ra 50.000 ca tử vong mỗi năm. Vào những năm 1970, ông còn xuất hiện trên The Tonight Show do Johnny Carson dẫn chương trình, để lan truyền thông điệp “buồn ngủ là dấu hiệu để đi ngủ.”
Hoạt động giảng dạy và phát triển lĩnh vực
Dement mở khóa học Giấc ngủ và giấc mơ vào mùa đông năm 1971, khóa đầu tiên có tới 600 sinh viên đăng ký, trước đó chưa từng có lớp học nào có quy mô lớn như vậy. Tổng số sinh viên đã tham gia khóa học của ông lên tới 200,000 người. Điều đặc biệt trong lớp học này là ở đó có một khu để ngủ cho sinh viên. Nhưng nếu ông bắt gặp một sinh viên gà gật ở chỗ nào khác trong lớp, ông sẽ đánh thức người đó bằng cách bắn súng phun nước, gọi to sinh viên đứng lên và đọc câu “lờ đờ buồn ngủ là báo động đỏ” Ông nghỉ hưu vào năm 2003 nhưng vẫn tiếp tục giảng dạy khóa học cho tới cuối đời. Đôi khi, ông còn lái xe chở sinh viên đến lớp trên chiếc xe golf có in dòng chữ “Sleep and Dreams”. Lúc đại dịch COVID-19 nổ ra, Dement vẫn tiếp tục dạy online.
Năm 1975, ông giúp thành lập Hiệp hội các trung tâm rối loạn giấc ngủ (sau này là Học viện Y học giấc ngủ Hoa Kỳ) và giữ chức chủ tịch trong 12 năm đầu tiên. Dưới sự dẫn dắt của Dement, tổ chức này đã thiết lập thực hành y học giấc ngủ bằng cách phát triển các tiêu chuẩn để đánh giá và điều trị rối loạn giấc ngủ, các phân loại chẩn đoán tiêu chuẩn và quy trình kiểm tra cho các chuyên gia. Hội đồng y học giấc ngủ Hoa Kỳ đã trao cho ông chứng chỉ đầu tiên về phương pháp đo đa ký giấc ngủ lâm sàng vào năm 1978. Dement và đồng nghiệp Stanford, TS. Christian Guilleminault, cũng trở thành biên tập viên sáng lập của tạp chí Sleep, xuất bản số đầu tiên vào năm 1978.
Ngoài đặt nền móng cho Học viện Y học giấc ngủ Hoa Kỳ, Dement còn đóng vai trò nòng cốt trong quá trình thiết lập Hiệp hội nghiên cứu giấc ngủ. Vào năm 1961, ông cùng các nhà khoa học giấc ngủ khác cùng nhau tổ chức các buổi họp mặt để chia sẻ nghiên cứu và nhận định. Những buổi gặp gỡ đó sau này trở thành Hiệp hội nghiên cứu sinh lý tâm thần học giấc ngủ, cuối cùng trở thành Hiệp hội nghiên cứu giấc ngủ.
Vào những năm 1990, Dement thường xuyên lui tới Washington D.C để dẫn dắt Ủy ban nghiên cứu rối loạn giấc ngủ quốc gia. Báo cáo năm 1992 của Ủy ban, Thức dậy đi nước Mỹ! Lời cảnh báo giấc ngủ quốc gia, đã thu hút được sự chú ý đối với các rối loạn giấc ngủ mãn tính, không ngủ đủ và buồn ngủ, rằng đây là các vấn đề lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Không dừng lại ở việc kêu gọi, Dement còn hợp tác với Thượng nghị sĩ Hatfield để đề ra và thông qua đạo luật thành lập Trung tâm nghiên cứu rối loạn giấc ngủ quốc gia và tăng tài trợ cho giấc ngủ.
Bên cạnh vai trò nhà nghiên cứu, Dement còn là tác giả của một số cuốn sách có tầm ảnh hưởng lớn, bao gồm Some Must Watch While Some Must Sleep và The Promise of Sleep. Ông cũng là đồng tác giả của hơn 500 bài công bố khoa học và là biên tập viên cho cuốn sách giáo khoa Primary Practices of Sleep Medicine.
Giải thưởng và cuối đời
Dement được vinh danh với vô số giải thưởng trong suốt sự nghiệp của mình. Ông là người đầu tiên nhận được giải thưởng thành tựu học thuật của Học viện Y học giấc ngủ Hoa Kỳ vào năm 1994, giờ đây giải thưởng này được đặt theo tên ông. Ông còn hai lần nhận được Giải thưởng phục vụ xuất sắc Nathaniel Kleitman vào năm 1982 và 1987. Vào năm 1997, ông nhận được Giải cống hiến. Năm 2001, ông được Giải thành tựu trọn đời do Tổ chức giấc ngủ quốc gia trao tặng vì những cống hiến phi thường cho lĩnh vực nghiên cứu giấc ngủ và y học giấc ngủ.
Trong phần lớn cuộc đời, Dement ngủ rất ngon, ông đi ngủ sớm, thức dậy lúc 5 giờ sáng và làm việc không ngừng nghỉ. Vào tuổi 84, ông mô tả một kỹ thuật giúp dễ đi vào giấc ngủ: xem thứ gì đó không khiến mình quá phân tâm, cứ lặp đi lặp lại, hay nhất là đọc hay xem những thứ mà mình đã biết. Không may là ba năm trước khi mất, ông bị chẩn đoán mắc chứng ngưng thở lúc ngủ. Vào 17/7/2020, William Dement yên bình qua đời trong lúc ngủ, sau hai năm chống chọi với bệnh tim, thọ 91 tuổi.
Nguồn: nytimes.com, aasm.org, med.stanford.edu, sleep.hms.harvard.edu