Bằng cách phân tích dữ liệu vệ tinh GRACE của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), một nhóm nghiên cứu quốc tế đã phát hiện sự sụt giảm đột ngột của tổng lượng nước ngọt toàn cầu từ tháng 5/2014 cho đến nay. Kết quả nghiên cứu của họ được công bố trên tạp chí Surveys in Geophysics vào tháng 11/2024.


Từ năm 2015 đến năm 2023, các quan sát vệ tinh cho thấy lượng nước ngọt trên đất liền (bao gồm các nguồn nước mặt như ao, hồ, sông, suối), và tầng chứa nước ngầm thấp hơn 1.200 km3 so với mức trung bình trong giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2014.

Hiện tượng sụt giảm nước ngọt toàn cầu bắt đầu từ một đợt hạn hán nghiêm trọng tại Brazil và sau đó lan rộng ra các khu vực khác như Nam Mỹ, Bắc Mỹ, châu Âu và châu Phi. Mặc dù sự kiện El Niño giai đoạn từ năm 2014-2016 đã góp phần thúc đẩy hiện tượng này, nhưng ngay cả khi El Niño qua đi, lượng nước ngọt toàn cầu vẫn không thể được phục hồi.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, hiện tượng nóng lên toàn cầu đã làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt hạn hán. Họ cảnh báo tình trạng này có thể kéo dài, khiến hàng tỷ người không được tiếp cận với nguồn nước uống sạch, làm gia tăng các vấn đề về đói nghèo, xung đột và nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Nguồn: jpl.nasa.gov

Tin đăng KH&PT số 1320 (số 48/2024)