Thay vì phải trực tiếp lần theo dấu vết động vật, các nhà khoa học thu thập mẫu nước hoặc đất, sau đó phân tích DNA do các loài sinh vật thải ra môi trường thông qua phân, da, hoặc dịch tiết. Quy trình này giúp họ xác định sự hiện diện của các loài mà không cần phải quan sát trực tiếp.
Ví dụ, giáo sư Jonathan Fong tại Đại học Lingnan, Hong Kong đã sử dụng công nghệ eDNA để theo dõi rùa đầu to trong những năm qua, giúp tối ưu hóa thời gian và nguồn lực nghiên cứu.
Tuy nhiên, công nghệ eDNA cũng có một số điểm hạn chế. Kết quả dương tính giả có thể xuất hiện khi mẫu vật chứa DNA của một loài động vật ở nơi chúng không thực sự tồn tại. Điều này có thể dẫn đến sai sót trong quyết định quản lý bảo tồn. Thêm vào đó, yếu tố dòng chảy sông, tốc độ phân rã DNA, và hành vi sinh học của động vật cũng ảnh hưởng đến mức độ chính xác của công nghệ eDNA. Vì vậy, các nhà nghiên cứu cần hiểu rõ đặc điểm sinh thái và thói quen của các loài để đưa ra kết luận chính xác.
Hiện tại, nhiều công ty đang phát triển các thiết bị PCR cầm tay để phân tích eDNA ngay tại khu vực khảo sát mà không cần đưa mẫu vật về phòng thí nghiệm. Dù còn nhiều thách thức, eDNA đang mở ra cơ hội mới trong hoạt động quản lý và bảo tồn các loài động vật, giúp nâng cao hiểu biết về sự phân bố và tình trạng của các loài quý hiếm mà không gây xáo trộn hệ sinh thái.
Nguồn: Asianscientist.com