Ứng dụng di động, AI, thiết bị theo dõi sức khỏe từ xa,… là những xu hướng công nghệ, giúp hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi, nhằm giảm bớt áp lực cho hệ thống y tế và gia đình.
Ngày 27/11 tại TPHCM, Công viên phần mềm Quang Trung, Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Chuyển đổi số TPHCM (DXCenter) đã phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức hội thảo và triển lãm “Ứng dụng công nghệ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi - Vietnam Golden Age Care 2024”.
Ông Phan Phương Tùng, Giám đốc DXCenter, cho biết, cả nước hiện có hơn 16 triệu người cao tuổi (60 tuổi trở lên) (chiếm 16% dân số). Con số này được dự đoán sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2050, đưa Việt Nam trở thành một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Theo ông Tùng, mặc dù tuổi thọ của người Việt Nam tăng, nhưng thời gian sống với bệnh tật của mỗi người trung bình là 10 năm. Người cao tuổi thường mắc từ 3-5 bệnh, chủ yếu là bệnh mạn tính phải điều trị kéo dài, thậm chí suốt đời, đặt ra áp lực không nhỏ cho hệ thống y tế. Các bệnh điển hình ở người cao tuổi gồm cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, thoái hóa xương khớp, suy giảm trí nhớ hoặc sa sút trí tuệ.
Ông Lương Trần Hoàng Nhật, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ y tế DIA-B cho biết, có khoảng 23 triệu người Việt Nam đang mắc bệnh mạn tính, chi khoảng 4,6 tỷ USD mỗi năm để điều trị các biến chứng gây ra. Tỷ lệ mắc bệnh mạn tính đang tăng nhanh chóng, với chẩn đoán bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và bệnh thận mạn tăng 3-4% hằng năm.
BS Nguyễn Văn Xáng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết thêm, sự lão hóa gây ra các biến đổi trong cấu trúc và chức năng của cơ thể, làm cho người cao tuổi có tâm lý cảm thấy cô đơn, lo âu hoặc trầm cảm. Trong khi đó, việc chăm sóc người cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn như thiếu đội ngũ y tế, gia đình bận rộn, không có đủ thời gian, bệnh nhân thiếu kiến thức về cách chăm sóc, phòng ngừa bệnh tật,... Đặc biệt, các vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế.
Vì vậy, xu hướng hiện nay là đưa các công nghệ (dựa trên dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và học máy) vào chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nhằm giảm bớt áp lực cho hệ thống y tế và gia đình, như theo dõi sức khỏe từ xa, chatbot (để cung cấp tư vấn sức khỏe, hỗ trợ người dùng đặt lịch khám bệnh, sử dụng thuốc, nhắc nhở lịch uống thuốc,...), khám bệnh từ xa, kết nối bệnh nhân với bác sĩ riêng, quản lý hồ sơ bệnh án điện tử, dự đoán nguy cơ xảy ra các biến chứng trong quá trình điều trị hoặc sau phẫu thuật...
Tại sự kiện, một số đơn vị đã giới thiệu, trình diễn một số thiết bị, công nghệ mới hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Trong đó, ông Trần Thanh Giảng, Phó Giám đốc kinh doanh công nghệ số, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, cho biết, Mobifone đã phát triển giải pháp chăm sóc sức khỏe tại nhà bằng thiết bị đồng hồ, nhẫn thông minh theo dõi các chỉ số sức khỏe. Thiết bị có thể đo và theo dõi nhịp tim, SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu), nhiệt độ cơ thể, đo điện tâm đồ ECG, theo dõi giấc ngủ,… Dữ liệu trên thiết bị được chia sẻ cho người thân hoặc bác sĩ để họ chăm sóc, hỗ trợ kịp thời khi bệnh nhân có những bất thường khẩn cấp.
Bà Hồ Thị Hoàng Yến, Giám đốc sản phẩm y tế số, Tập đoan Công nghệ TMA Innovation, cho rằng, hiện nay số lượng viện dưỡng lão tại Việt Nam còn quá ít so với quy mô dân số. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có nhiều giải pháp công nghệ cho viện dưỡng lão. Vì vậy, TMA Innovation đã xây dựng giải pháp công nghệ toàn diện cho viện dưỡng lão. Đó là hệ thống giám sát sức khỏe thông minh (theo dõi sức khỏe 24/7, tự động gửi cảnh báo khi bất thường, hỗ trợ dịch vụ y tế chuyên sâu) bằng thiết bị đeo thông minh. Giải pháp đã được ứng dụng tại chuỗi Viện Dưỡng lão Diên Hồng.
Ngoài ra, còn có một số giải pháp khác được giới thiệu tại sự kiện như công nghệ InBody (Hàn Quốc) giúp phân tích các thành phần của cơ thể - bao gồm tổng lượng nước, protein, chất khoáng, khối lượng mỡ, khối lượng cơ xương,... - từ đó đưa ra những đề xuất cải thiện sức khỏe; hay trạm thiết bị y tế từ xa di động (Mỹ) là giải pháp kết hợp công nghệ y tế và phương tiện di động để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa tại những khu vực thiếu cơ sở y tế hoặc trong các tình huống khẩn cấp. Trạm có các thiết bị như như camera, ống nghe, đầu dò siêu âm, máy đo điện tim,… có thể ứng phó trong các trường hợp cấp cứu, chăm sóc y tế tại vùng sâu, vùng xa, chăm sóc bệnh nhân tại nhà;…