Các vấn đề cấp bách nhất của thế giới chỉ có thể được giải quyết bằng những nghiên cứu toàn cảnh dựa trên nhiều ngành khác nhau - quan điểm này đã đạt được sự đồng thuận trên toàn cầu.

Nhưng làm thế nào để các trường đại học có thể thúc đẩy hoạt động liên ngành trên thực tế, thay vì chỉ là lời hoa mỹ trong các bài phát biểu hoặc các chiến lược trên giấy?

Ngày 21/11 vừa qua, Times Higher Education (THE) đã ra mắt Bảng xếp hạng Khoa học liên ngành (ISR), đo lường những đóng góp và cam kết của các trường đại học trên toàn cầu đối với khoa học liên ngành.

Dự án ISR được khởi động từ năm 2020 với sự hợp tác của Schmidt Science Fellows, một chương trình do cựu giám đốc điều hành Google Eric Schmidt và vợ ông tài trợ.

Có 749 trường đại học từ 92 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia ISR, đưa nó trở thành bảng xếp hạng lớn nhất từ trước đến nay của THE trong lần ra mắt. Điều này cũng phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của khoa học liên ngành.

ISR sử dụng 11 số liệu để đo lường hiệu suất của trường đại học trong ba trụ cột: đầu vào (nguồn tài trợ); thực hiện (biện pháp đánh giá, cơ sở vật chất, hỗ trợ hành chính và đề bạt); và đầu ra (số lượng công bố, chất lượng công bố, và danh tiếng của trường về hỗ trợ các nhóm liên ngành).

Phân tích dữ liệu của THE phát hiện mối tương quan giữa điểm của trụ cột đầu vào và thực hiện với điểm trụ cột đầu ra, nhưng không có tiêu chí riêng lẻ nào có mối tương quan mạnh. Điều này có nghĩa là mỗi chiến thuật - chẳng hạn như tăng tài trợ cho khoa học liên ngành hoặc đưa hoạt động liên ngành vào tiêu chí đề bạt - là “cần thiết nhưng không đủ” để cải thiện khoa học liên ngành.

Khoảng cách từ nói đến làm


Trao đổi chung quanh bảng xếp hạng mới này, các nhà lãnh đạo trường đại học cho biết phát triển văn hóa học thuật chấp nhận nghiên cứu liên ngành là một nhiệm vụ quan trọng, dù hết sức phức tạp.

GS Edward Balleisen là phó hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu liên ngành tại ĐH Duke, được cho là trường đầu tiên ở Mỹ bổ nhiệm một nhà lãnh đạo cấp cao riêng cho vị trí này. ĐH Duke, xếp thứ năm trên ISR, coi nghiên cứu liên ngành là “trọng tâm chiến lược rõ ràng kể từ những năm 1980” và sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau để khuyến khích khoa học liên ngành, từ các chương trình tiến sĩ liên ngành, cơ sở vật chất phù hợp đến các cuộc gặp gỡ học thuật chung và quy trình đề bạt có tính đến những thành tích liên ngành. Bên cạnh đó, GS Balleisen cho biết, cũng cần tuyển dụng các nhà lãnh đạo có tư duy liên ngành.

Cynthia Barnhart, hiệu trưởng của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đứng đầu bảng xếp hạng mới của THE, cho rằng phần lớn thành công của viện đại học này trong lĩnh vực nghiên cứu liên ngành là nhờ cách thiết kế khuôn viên ngay từ đầu vào năm 1916.

“Nó được thiết kế như một tòa nhà lớn, kết nối với nhau để cung cấp cho giảng viên và sinh viên cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kiến thức và hợp tác,” bà cho biết. “Và suốt những năm qua, các cấu trúc khác, như phòng thí nghiệm, trung tâm, viện nghiên cứu… đều được thiết kế theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tương tác giữa các ngành".

Trong khi các lãnh đạo trường đại học nói về việc thúc đẩy một nền văn hóa học thuật khuyến khích sự thụ phấn chéo giữa các ý tưởng, thì các học giả lại quan tâm đến việc các trường đại học cần hành động nhiều hơn nữa để hỗ trợ sự nghiệp của các nhà khoa học liên ngành.

Flavio Toxvaerd, giáo sư kinh tế và chính sách công tại Đại học Cambridge, người tham gia nghiên cứu liên ngành, nhìn nhận, tất cả đều phụ thuộc vào cơ chế khuyến khích. “Kết quả nghiên cứu liên ngành của các trường đại học phụ thuộc vào cá nhân nhà nghiên cứu. Nhưng các nhà nghiên cứu chịu tác động của cơ chế khuyến khích; vì vậy, nếu các trường đại học không làm gì nhiều để thay đổi cơ chế này thì sự tiến triển của nghiên cứu liên ngành sẽ bị kìm hãm”, ông nói. “Nhiều trường đại học tuyên bố ủng hộ nghiên cứu sáng tạo vượt ranh giới, nhưng khi nói đến những gì thực sự có thể khuyến khích những nghiên cứu như vậy, thì rất ít việc được thực hiện”.

Kirsi Cheas, nhà sáng lập và chủ tịch của Finterdis, Hiệp hội Liên ngành Phần Lan, đồng ý rằng “các thực hành đánh giá học thuật vẫn có xu hướng ủng hộ các nghiên cứu, dự án và chức vụ theo chuyên ngành, thay vì tạo không gian cho liên ngành”.

“Liên ngành là một thuật ngữ thời thượng được sử dụng rộng rãi và mơ hồ trong các chiến lược và bài phát biểu trang trọng của trường đại học, nhưng ban lãnh đạo nhà trường trong khi công bố những mục tiêu tốt đẹp như vậy thường không quan tâm đầy đủ đến việc cần những loại nguồn lực nào để triển khai thành công liên ngành”.

[Một phân tích sơ bộ do nhóm dự án ISR công bố vào năm ngoái cho thấy các trường chưa “nói đi đôi với làm” khi khoảng một phần ba số trường tham gia ISR không khen thưởng học giả cho các nghiên cứu liên ngành hoặc không đo lường kết quả của các nghiên cứu đó.]

TS Cheas lưu ý, một số lĩnh vực khuyến khích khoa học liên ngành tốt hơn những lĩnh vực khác. “Trong các lĩnh vực như khoa học bền vững, liên ngành và xuyên ngành đã trở thành thông lệ, do đó dễ dàng quản lý quy trình đề bạt và các hoạt động đánh giá khác để khuyến khích liên ngành. Trong các lĩnh vực khác, quá trình này diễn ra chậm hơn”, bà cho biết.

Bất chấp những thách thức mà hoạt động liên ngành đặt ra, cả các nhà lãnh đạo trường đại học và nhà nghiên cứu đều không nghi ngờ gì về tầm quan trọng của nó trong việc giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu.

Tuy nhiên Thomas Hofmann, Chủ tịch ĐH Kỹ thuật Munich (TUM) của Đức, lưu ý rằng các trường đại học không được đánh mất động lực khám phá sâu các chuyên ngành hẹp trong khi thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngành.

“Chúng tôi không cần những người ‘biết tuốt’,” ông nhấn mạnh. “Chúng tôi vẫn cần sức mạnh của chuyên ngành… nhưng cần các nhà khoa học chuyên ngành có tư duy liên ngành rộng mở”.


ISR 2025: Phương pháp xếp hạng


Trong bảng xếp hạng khoa học liên ngành ISR 2025 của THE, khoa học liên ngành được định nghĩa là sự tích hợp các kiến thức, truyền thống và quy trình từ nhiều ngành khoa học. Nó có thể liên quan đến các học giả thuộc nhiều ngành hợp tác với nhau hoặc một học giả tiếp cận một vấn đề khoa học từ góc độ của nhiều ngành. ISR 2025 xem xét các chuyên ngành liên quan đến bốn ngành: khoa học máy tính, kỹ thuật, khoa học sự sống và khoa học vật lý.

Bảng xếp hạng này đánh giá các trường dựa trên ba trụ cột, mỗi trụ cột đại diện cho một giai đoạn trong vòng đời của các dự án nghiên cứu: đầu vào, thực hiện, và đầu ra. Mỗi trụ cột lại đo lường các khía cạnh khác nhau với tổng cộng 11 thước đo. Cụ thể:

Trụ cột Đầu vào có trọng số 19%, trong đó Tài trợ cho nghiên cứu khoa học liên ngành: 8% và Tài trợ của ngành công nghiệp: 11%.

Trụ cột Thực hiện có trọng số 16%; trong đó Đo lường kết quả: 4%, Cơ sở vật chất: 4%, Hỗ trợ hành chính: 4%, Quy trình đề bạt: 4%. Các số liệu trong trụ cột này nhằm xem xét một trường đại học có biện pháp đo lường kết quả của các nghiên cứu khoa học liên ngành, có cung cấp cơ sở vật chất cũng như hỗ trợ hành chính cụ thể cho các nhóm liên ngành, và có đưa kết quả nghiên cứu liên ngành vào quy trình xét tuyển biên chế/đề bạthay không.

Trụ cột Đầu ra có trọng số 65%, trong đó Số lượng công bố khoa học liên ngành: 10%, Tỷ lệ công bố khoa học liên ngành: 5%, Mức độ trích dẫn: 5%, Chất lượng nghiên cứu khoa học liên ngành (dựa vào tiêu chí được công bố trên các tạp chí Q1): 20%, Danh tiếng (của trường về sự hỗ trợ cho các nhóm liên ngành, dựa trên khảo sát với các nhà nghiên cứu): 25%

Khuôn viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, một trong hai trường Việt Nam có tên trên Bảng xếp hạng Khoa học liên ngành ISR đầu tiên của THE. Ảnh: Internet
Khuôn viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, một trong hai trường Việt Nam có tên trên Bảng xếp hạng Khoa học liên ngành ISR đầu tiên của THE. Ảnh: Internet

Để được xếp hạng, các trường phải đáp ứng một số tiêu chí như có ít nhất 100 công bố khoa học liên ngành trong khoảng thời gian năm năm, từ 2019 đến 2023; và có ít nhất 50 giảng viên, nghiên cứu viên ở bốn ngành khoa học được ISR xem xét, nhưng họ không nhất thiết phải tham gia nghiên cứu liên ngành.

Điểm tổng thể chỉ được hiển thị cho các trường nằm trong top 200. Từ sau đó, các trường được xếp hạng theo nhóm (ví dụ: từ 201 đến 250). Điểm số cho từng trụ cột được hiển thị cho tất cả các trường trong bảng xếp hạng.

Trên ISR 2025, Mỹ có bảy trường trong top 10 và 15 trường trong top 50. Top 20 có 12 trường Bắc Mỹ, bốn trường châu Á, ba trường châu Âu và một trường Trung Đông.

Ấn Độ đứng đầu về số trường được xếp hạng (65 trường), tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ (45 trường). Nga và Mỹ cùng đứng thứ ba với 38 trường ở mỗi nước.

Việt Nam có hai trường được xếp hạng, đó là Trường ĐH Tôn Đức Thắng (thứ 95) và ĐH Duy Tân (thứ 176).


Nguồn:


Bài đăng KH&PT số 1320 (số 48/2024)