Du lịch giáo dục có thể là giải pháp cho các trường đại học phương Tây khi phải cắt giảm lượng sinh viên quốc tế nhưng vẫn cần đảm bảo nguồn thu.
Hai xu hướng đối lập
Sự thờ ơ đối với giáo dục đại học đang tăng lên trong các học sinh vừa tốt nghiệp trung học ở nhiều quốc gia phương Tây. Giới trẻ Mỹ – và cả Anh, đặc biệt sau những tin tức gần đây về việc tăng học phí – đang tự hỏi liệu việc học đại học có thực sự xứng đáng hay không, một câu hỏi mà họ có quyền đặt ra khi xét đến khoản nợ sinh viên ngày càng tăng. Theo phân tích của Viện Nghiên cứu Tài chính, các khoản vay sinh viên ở Anh dự kiến sẽ khiến chính phủ tốn thêm 11 tỷ bảng (tương đương 14 tỷ USD) mỗi năm do lãi suất cao làm tăng mạnh chi phí vay mượn.
Trong khi đó tại Úc, số lượng sinh viên theo học cử nhân đã giảm hơn 13% kể từ năm 2016 do nợ sinh viên tăng cao và thị trường việc làm đang bùng nổ khiến giới trẻ không mặn mà với giáo dục đại học. Sự sụt giảm trong số lượng đăng ký nhập học khiến mục tiêu đầy tham vọng - 55% thanh niên có bằng đại học vào năm 2050 - do Bộ trưởng Giáo dục Liên bang Jason Clare đặt ra trong báo cáo đánh giá thường niên về giáo dục bậc cao ở Úc, University Accord, dường như không còn khả thi.
Tại Mỹ, “niềm tin của công chúng vào việc dành bốn năm ở trường đại học đang ở mức thấp kỷ lục”, Shalin Jyotishi từ Viện nghiên cứu New America cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times. Chỉ 22% người trưởng thành ở Mỹ cho rằng việc lấy bằng cử nhân trong bốn năm là đáng giá nếu phải vay nợ, theo một báo cáo năm 2024 của Trung tâm Nghiên cứu Pew. Kết quả là, ngày càng nhiều học sinh trung học tại Mỹ không còn coi đại học là con đường thiết yếu để đạt được “giấc mơ Mỹ”.
Ngay cả cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, một cựu sinh viên của Đại học Columbia và Trường Luật Harvard, gần đây cũng tuyên bố rằng “đại học không nên là tấm vé duy nhất để gia nhập tầng lớp trung lưu”.
Đồng thời, nhiều nhà tuyển dụng ở các nền kinh tế phát triển không còn đòi hỏi bằng cấp cho những công việc mà trước đây bằng đại học là yêu cầu tối thiểu. Nhìn chung, họ đang ngày càng ưu tiên tuyển dụng dựa trên kỹ năng thay vì bằng cấp. Thậm chí, tại hội nghị của Đảng Lao động Anh gần đây, Thủ tướng Anh đã cam kết “điều chỉnh lại” chi tiêu cho các chương trình học nghề bằng cách rút ngắn chương trình và hạn chế việc sử dụng ngân sách từ quỹ thuế doanh nghiệp cho các chương trình đào tạo bậc 7 (tương đương với chương trình Thạc sĩ hoặc Chứng chỉ sau đại học).
Câu chuyện ở châu Á lại hoàn toàn trái ngược. Đây là khu vực đông dân nhất thế giới, chiếm khoảng 60% dân số toàn cầu. Dân số Châu Á dự kiến sẽ tăng từ 4,64 tỷ người năm 2020 lên 5,267 tỷ người vào năm 2050 - tương đương toàn bộ dân số thế giới vào năm 1990.
Theo một báo cáo của Western Union Business Solutions, gần 80% sự tăng trưởng trong thị trường sinh viên quốc tế sẽ đến từ các quốc gia châu Á vào năm 2025. Các nền văn hóa châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam rất coi trọng khoa cử do chịu ảnh hưởng của Nho giáo với quan niệm tôn sư trọng đạo và chú trọng đầu tư vào giáo dục, bắt nguồn từ hệ thống thi cử thời phong kiến. Ấn Độ và nhiều nước Nam Á khác cũng có lịch sử coi trọng giáo dục như một phương tiện để cải thiện địa vị xã hội và kinh tế. Truyền thống sâu sắc này củng cố niềm tin rằng thành công trên con đường học vấn là chìa khóa để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Một báo cáo của HSBC năm 2017 thống kê các bậc cha mẹ ở châu Á chi tiêu nhiều nhất cho giáo dục của con cái. Họ đã bỏ ra trung bình 44.221 USD cho tất cả các chi phí liên quan đến giáo dục từ tiểu học đến đại học của con cái, bao gồm học phí, sách giáo khoa, di chuyển và chỗ ở. Khảo sát trên hơn 8.400 bậc cha mẹ tại 15 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á cho thấy phụ huynh ở Hồng Kông chi 132.161 USD, ở Singapore chi 70.939 USD, ở Đài Loan chi 56.424 USD, ở Trung Quốc đại lục chi 42.892 USD, ở Malaysia chi 25.479 USD, ở Ấn Độ chi 18.909 USD, và ở Indonesia chi 18.422 USD.
Charlie Nunn, Trưởng bộ phận Quản lý tài sản của HSBC, nhận định: “Trong một thị trường việc làm toàn cầu đầy cạnh tranh, giáo dục cho giới trẻ chưa bao giờ quan trọng hơn thế. Các bậc cha mẹ trên toàn thế giới nhận ra điều này và sẵn sàng đầu tư thời gian, tiền bạc để giúp con mình có được khởi đầu tốt nhất trong cuộc sống. Sự hỗ trợ không ngừng của họ thể hiện qua những hy sinh cá nhân, lối sống và tài chính – từ từ bỏ thời gian cho bản thân, sở thích đến giảm bớt các hoạt động giải trí – tất cả để giúp con cái thành công”.
Giải pháp du lịch giáo dục
Trong khi sự khác biệt rõ ràng về thái độ đối với giáo dục đại học giữa các quốc gia phương Tây và châu Á ngày càng tăng, các chính phủ tại nhiều điểm đến thu hút lượng lớn du học sinh như Úc, Canada và Hà Lan đã hoặc đang trong quá trình thông qua các quy định hạn chế sinh viên quốc tế nhằm kiểm soát đà tăng vọt của lượng người nhập cư ròng, gây áp lực lớn lên nguồn cung nhà ở và khiến giá nhà ở các quốc gia này tăng “phi mã”. Riêng trong năm ngoái, nhập cư ròng ở Úc đã tăng tới 60% lên mức kỷ lục 548.800 người, chủ yếu là sinh viên từ Ấn Độ, Trung Quốc và Philippines. Cuối tháng Tám năm nay, Chính phủ Úc thông báo sẽ giới hạn số lượng sinh viên quốc tế ở mức 270.000 người vào năm 2025 và bắt đầu tăng gấp đôi lệ phí xét visa cho du học sinh, cũng như cam kết khắc phục các lỗ hổng trong quy định để người nhập cư không thể liên tục gia hạn thời gian ở lại Úc. Trong khi đó, Chính phủ Hà Lan dự kiến giảm số lượng chương trình cử nhân dạy bằng tiếng Anh nhằm giảm số lượng sinh viên quốc tế và khôi phục vị thế của tiếng Hà Lan là ngôn ngữ giảng dạy tiêu chuẩn trong giáo dục đại học. Động thái này cũng khuyến khích những sinh viên mong muốn sống và làm việc tại Hà Lan sau khi tốt nghiệp phải thành thạo ngôn ngữ bản địa để tăng cơ hội tìm kiếm việc làm và hòa nhập xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh số lượng sinh viên trong nước giảm, các trường đại học lại cần sinh viên quốc tế hơn bao giờ hết để cân đối ngân sách và ổn định tài chính. Điều này khiến các trường lâm vào thế khó.
Louise Nicol, nhà sáng lập tổ chức tư vấn nghề nghiệp Asia Careers Group, cho rằng “du lịch giáo dục” có thể là một giải pháp. Trong khi “du lịch giáo dục” còn là một khái niệm tương đối xa lạ, “du lịch y tế” đã rất phổ biến trên thế giới. Năm 2023, thị trường du lịch y tế toàn cầu được định giá 24,14 tỷ USD và dự kiến đạt 29,26 tỷ USD vào năm 2024 và 137,71 tỷ USD vào năm 2032, với tỷ lệ tăng trưởng hằng năm là 21,4% trong giai đoạn dự báo (2024-2032). Theo Hiệp hội Du lịch Y tế, mỗi năm có khoảng 14 triệu người trên toàn thế giới di chuyển đến các quốc gia khác để sử dụng dịch vụ y tế. Ngoài ra, bệnh nhân từ các nước phát triển như Mỹ và Anh đang tìm đến các nước đang phát triển để tiếp cận dịch vụ y tế, chủ yếu vì chi phí điều trị thấp hơn. Cả chính phủ và khu vực tư nhân ở các nước đang phát triển và phát triển đều tích cực thúc đẩy du lịch y tế như một nguồn thu ngoại tệ tiềm năng.
Tương tự, “du lịch giáo dục” ngụ ý đây là một hình thức ngắn hạn và sẽ không dẫn đến gia tăng số người nhập cư.
Du lịch giáo dục có thể hiểu là loại hình du lịch mà khách đi đến một địa điểm với động cơ chủ yếu nhằm có được các trải nghiệm liên quan đến việc học, nâng cao hiểu biết về văn hóa và nuôi dưỡng sự phát triển cá nhân. Khái niệm du lịch giáo dục bao gồm tất cả các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và dạy nghề, được thực hiện thông qua việc di chuyển hoặc trao đổi sinh viên, giảng viên và nhà nghiên cứu. Sau khi hoàn thành chương trình học, sinh viên quốc tế, thay vì cố gắng tìm kiếm công việc ở quốc gia họ theo học, sẽ được các trường đại học hỗ trợ chuyển tiếp thành công sang giai đoạn đầu của sự nghiệp tại quê nhà thông qua việc cung cấp dữ liệu chất lượng cao về kết quả bằng cấp (những loại bằng cấp khác nhau đã được cấp) và kết quả việc làm (người học đã làm gì với bằng cấp, họ có việc làm không, đó là những loại công việc nào v.v). Điều này giúp giảm động lực di cư ngay từ đầu và có thể làm giảm đáng kể tình trạng “chảy máu chất xám” từ các nước đang phát triển.
Nicol đánh giá du lịch giáo dục là giải pháp hoàn hảo để giúp các cơ sở giáo dục đại học duy trì tài chính bền vững thông qua học phí từ sinh viên quốc tế, đồng thời hỗ trợ tài trợ học phí cho một số sinh viên trong nước có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ không dễ triển khai nếu chính phủ các nước phát triển tiếp tục áp đặt giới hạn số lượng sinh viên quốc tế.
Nguồn:
Bài đăng KH&PT số 1319 (số 47/2024)