Con số này gần bằng số sản phẩm OCOP được TPHCM công nhận trong sáu năm trước đó.

Ngày 14/11, Sở KH&CN TPHCM đã tổ chức sự kiện Kết nối sáng tạo với chủ đề "Hiện trạng và giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TPHCM".

Tại đây, bà Trần Thị Thơ, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM), cho biết, TPHCM đã triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ năm 2018. Sản phẩm OCOP tập trung vào sáu nhóm: thực phẩm, đồ uống; dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; hàng thủ công mỹ nghệ; sinh vật cảnh; dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.

Đến nay, Thành phố đã công nhận 255 sản phẩm OCOP của 87 chủ thể; trong đó, 79 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 176 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. (Đạt chuẩn 3 sao là những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đã có thương hiệu, tổng điểm trung bình đạt từ 50-69 điểm theo Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Hạng 4 sao là những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đã có thương hiệu, có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tổng điểm trung bình sản phẩm 4 sao phải đạt từ 70-89 điểm.)

Riêng trong 10 tháng đầu năm 2024, Thành phố đã công nhận 121 sản phẩm OCOP của 34 chủ thể; trong đó, 43 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 78 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Một số sản phẩm OCOP của Thành phố được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng như bột rau má, bột diếp cá, bột tía tô (Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt); mật dừa nước cô đặc (Công ty Phát triển Dừa nước Việt Nam); mật ong rừng, sữa ong chúa (Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên); xoài cát, khô cá dứa (HTX Cần Giờ Tương lai),…

t
Trao đổi, tìm các giải pháp phát triển sản phẩm OCOP tại sự kiện. Ảnh: CT

Để có được kết quả trên là cả quá trình đưa KH&CN vào áp dụng từ khâu chọn giống, chăm sóc, nuôi trồng, chế biến, cho đến thành phẩm thương mại tiêu thụ qua các kênh truyền thống cũng như thương mại điện tử trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, hằng năm, Thành phố xây dựng các mô hình trình diễn, chuyển giao trong sản xuất nông nghiệp như nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học, trồng hoa, cây kiểng,...

1
Mật dừa nước, một sản phẩm OCOP của TPHCM. Ảnh: Intenet

Tuy nhiên, theo bà Thơ, việc ứng dụng KH&CN vào phát triển các sản phẩm OCOP ở TPHCM hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế như các sản phẩm còn ít tham gia các sàn thương mại điện tử, chưa đáp ứng yêu cầu về ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ,...

Vì vậy, bà Thơ đề xuất, Thành phố cần có chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế đầu tư vào hoạt động KH&CN trên địa bàn các huyện ngoại thành; đồng thời tuyên truyền rộng rãi các thành tựu nghiên cứu khoa học, có thể chuyển giao ứng vào thực tiễn. Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân về quy định ghi nhãn hàng hóa, thủ tục đăng ký mã số, mã vạch, sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Bà Lê Thị Bé Ba, Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TPHCM (SIHUB), cho biết, nếu các quận, huyện và thành phố Thủ Đức hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu “đặt hàng” giải quyết các bài toán ứng dụng KH&CN, chuyển đổi số vào thực tiễn, Sở KH&CN TPHCM và SIHUB sẽ thực hiện các mô hình trình diễn để chia sẻ, giới thiệu, chuyển giao kết quả nghiên cứu.

Bài đăng KH&PT số 1319 (số 47/2024)