Nghiên cứu mới cho thấy sáu chu kỳ theo chế độ ăn ít muối và giả nhịn ăn (LS-FMD) giúp làm chậm sự suy giảm cấu trúc và chức năng thận ở chuột mắc bệnh thận mạn tính.
Ở bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính, tình trạng mất tế bào podocyte - một phần của hàng rào lọc cầu thận - khiến cho bệnh không thể dừng tiến triển và dẫn đến bệnh thận giai đoạn cuối. Hiện nay, y học vẫn chưa tìm ra cách nào hiệu quả để ngăn chặn tình trạng này.
Tiến sĩ Laura Perin - đồng Giám đốc Phòng thí nghiệm GOFARR tại Viện Nghiên cứu Saban của Bệnh viện Nhi Los Angeles, và Giáo sư, Tiến sĩ Valter Longo ở Viện Trường thọ thuộc Trường Lão khoa Davis, Đại học Nam California, cùng các cộng sự quốc tế đã tiến hành một nghiên cứu mang lại kết quả đầy hứa hẹn.
Cụ thể, họ cho các mẫu chuột mắc bệnh thận mạn tính theo chế độ ăn ít muối và giả nhịn ăn, (LS-FMD) tương đương với liều lượng hằng ngày được khuyến nghị cho bệnh nhân thận mạn tính.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, sáu chu kỳ theo chế độ ăn LS-FMD đã giúp làm chậm sự suy giảm chức năng thận ở chuột. Quan trọng là, chế độ ăn này đã thúc đẩy quá trình tái lập trình các tế bào podocyte và phục hồi các cấu trúc lọc của thận.
Hình minh họa. Nguồn: CC0 Public Domain
Những con chuột được can thiệp bằng chế độ ăn LS-FMD có tỷ lệ albumin/creatine (ACR) và lượng nitơ urê trong máu (BUN) giảm đáng kể sau bốn và sáu tuần so với những con chuột ăn tự do. Tổn thương ở cầu thận và ống thận cũng giảm.
“Khi chúng tôi kiểm tra các mẫu chuột thí nghiệm, chúng tôi thấy chức năng và cấu trúc thận được cải thiện lâu dài,” Tiến sĩ Perin cho biết. “Hồ sơ phiên mã của các cấu trúc thận chính giống với hồ sơ của những con chuột khỏe mạnh. Chúng tôi quan sát thấy bằng chứng ở mức độ phân tử và tế bào rằng chế độ giả nhịn ăn này thúc đẩy quá trình tái lập trình các tế bào podocyte và phục hồi chức năng thận ở bệnh cầu thận.”
Trong một nghiên cứu thử nghiệm ở 13 bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính, các chu kỳ của chế độ ăn ít muối và giả nhịn ăn đã bảo vệ thận, bao gồm giảm protein niệu và cải thiện chức năng nội mô so với những bệnh nhân không nhận được can thiệp ăn kiêng.
“Kết quả này cho thấy các chu kỳ giả nhịn ăn có thể thúc đẩy tái lập trình/tái tạo ở chuột, đồng thời tăng tế bào gốc tuần hoàn ở người, vì vậy cần thử nghiệm thêm trong điều trị bệnh thận mạn tính,” Tiến sĩ Longo nói.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine.
Một chu kỳ của chế độ ăn ít muối và giả nhịn ăn (LS-FMD) thường kéo dài năm ngày. Trong thời gian này, người tham gia tuân theo một chế độ ăn đặc biệt ít calo, ít protein và ít muối để mô phỏng các hiệu ứng của việc nhịn ăn mà không cần phải bỏ ăn hoàn toàn. Sau khi hoàn thành một chu kỳ, người tham gia thường quay lại chế độ ăn bình thường trong một khoảng thời gian, trước khi bắt đầu một chu kỳ khác.
|
Nguồn:
Phạm Hài