Các dự án được chọn ra từ 500 hồ sơ đăng ký đến từ 55 quốc gia/vùng lãnh thổ nhằm triển khai các giải pháp giảm CO2, tiết kiệm năng lượng và tăng tính tuần hoàn trong các ngành kinh tế tại Việt Nam.

9 dự án lọt vào vòng chung kết của 'Thách thức Net Zero 2024. Ảnh: BTC
Chín dự án lọt vào vòng chung kết của 'Thách thức Net Zero 2024. Ảnh: BTC

'Thách thức Net Zero’ do quỹ đầu tư Touchstone Partners (Việt Nam) và Temasek Foundation (Singapore) tổ chức, với sự phối hợp của Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM (HIDS), nhằm thúc đẩy các công nghệ chống biến đổi khí hậu, giúp Việt Nam tiến gần hơn tới cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đây là năm thứ hai Việt Nam tổ chức cuộc thi này. Theo Ban tổ chức, năm nay, Cuộc thi tiếp tục thu hút số lượng hồ sơ đăng ký ấn tượng – 500 hồ sơ từ 55 quốc gia/vùng lãnh thổ, cho thấy sự quan tâm toàn cầu trong việc thí điểm đổi mới khí hậu ở Việt Nam.

Hội đồng thẩm định đã xem xét và chọn chín dự án vào chung kết:

Hạng mục “Năng lượng tái tạo và Tái tạo carbon”

1. Blusink (Anh) - Hệ thống lưu trữ carbon trong lòng đại dương thông qua các vật liệu đặc biệt làm chất nền cho tảo phát triển và hấp thụ CO2, có hiệu suất gấp bốn lần so với các hệ thống thu giữ carbon trên mặt đất, đồng thời góp phần tạo ra hệ sinh thái biển đa dạng.

2. CO2L Tech (Canada) - Công nghệ thu hồi và chuyển hóa CO₂ thành các hóa chất có giá trị như ethylene, syngas hoặc axit formic với lượng khí thải carbon ít hơn tới 90%, có thể tích hợp vào các nguồn phát thải như nhà máy điện hoặc nhà máy công nghiệp mà không cần thay đổi nhiều về cơ sở hạ tầng.

3. RARE toles (Việt Nam) - Công nghệ sơn làm mát bức xạ nhiệt dùng cho mái nhà, có khả năng tự làm mát mà không cần tiêu tốn năng lượng, giúp các căn nhà tiết kiệm được ít nhất 30% chi phí năng lượng.

Hạng mục “Hệ thống lương thực và Nông nghiệp bền vững”

1. EF Polymer (Ấn Độ) - Chất cải tạo đất tự nhiên làm từ vỏ cam tái chế, giúp tăng khả năng giữ ẩm và vi chất dinh dưỡng cho đất, giúp tăng năng suất cây trồng 30% và tiêu thụ nước lên đến 40%.

2. Luminis Water Technologies (Singapore) - Chế phẩm sinh học và các hệ vi sinh vật chính xác phòng các bệnh thủy sản, làm tăng năng suất nuôi trồng thủy sản lên 56%.

3. N&E Innovations (Singapore) - Màng bọc và dung dịch xịt kháng khuẩn phân hủy sinh học được làm từ chất thải thực phẩm tái chế, giúp bảo quản thực phẩm và giảm tổn thất sau thu hoạch ít nhất 20%.

Hạng mục “Kinh tế tuần hoàn và Quản lý chất thải”

1. Bygen (Úc) - Sản xuất than hoạt tính từ chất thải nông nghiệp với chi phí sản xuất thấp hơn 60%, có thể ứng dụng trong xử lý nước uống, nước thải, khử màu thực phẩm và đồ uống, xử lý khí thải v.v

2. Cruz Foam (Mỹ) - Vật liệu bọt biển thay thế cho xốp dùng để đóng gói sản phẩm, với thành phần 70% làm từ chất thải thực phẩm tái chế.

3. MYCL (Indonesia) - Vật liệu da làm bằng sợi nấm từ chất thải nông nghiệp, thay thế cho da thật trong ngành thời trang và giày dép, giúp giảm đáng kể lượng khí thải CO2.

Chín đội sẽ trình bày giải pháp sáng tạo của họ trong đêm Chung kết 22/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Mỗi đội thắng cuộc trong từng hạng mục sẽ nhận giải thưởng trị giá 5 tỷ đồng để thí điểm giải pháp tại Việt Nam. Các đội tham gia cũng có cơ hội nhận đầu tư trị giá 2,5 tỷ đồng từ các quỹ mạo hiểm khác.

Năm ngoái, cuộc thi đã nhận được hơn 300 hồ sơ từ 45 quốc gia, trong đó hơn 30% đến từ ngoài Việt Nam. Ba đội đoạt giải nhất gồm: Alternō (Pin cát), Forte Biotech (kit xét nghiệm chẩn đoán nhanh bệnh ở tôm), và AirX Carbon (sản xuất vật liệu thay thế nhựa từ bã cà phê).

Tin đăng KH&PT số 1318 (số 46/2024)