Tuy đã chuyển dịch nhanh sang các lĩnh vực chế tạo, chế biến công nghệ cao, nhưng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào số lượng chứ chưa phải chất lượng.

Đây là nhận định được đưa ra trong Báo cáo “Việt Nam 2045: Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi - Con đường dẫn đến tương lai thu nhập cao của Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới công bố tuần trước.

Theo Báo cáo, giá trị bình quân trên mỗi đơn vị xuất khẩu (một chỉ tiêu về chất lượng xuất khẩu) của Việt Nam đã tăng gấp đôi, cho thấy sự chuyển dịch sang hàng điện tử xuất khẩu có giá trị cao hơn trong hai thập kỷ qua, nhưng số lượng vẫn là động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu khi khối lượng xuất khẩu tăng lên đến gần mười lần trong cùng kỳ.

Tăng trưởng xuất khẩu cao của Việt Nam nhờ vào số lượng chứ chưa phải chất lượng hàng xuất khẩu. Ảnh từ Báo cáo.
Tăng trưởng xuất khẩu cao của Việt Nam nhờ vào số lượng chứ chưa phải chất lượng hàng xuất khẩu. Ảnh từ Báo cáo.

Báo cáo đánh giá xuất khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào các hoạt động sử dụng nhiều lao động (thâm dụng lao động), không đòi hỏi cao về kỹ năng.

Thực tế này được phản ảnh qua giá trị gia tăng trong xuất khẩu tương đối thấp tính trên đầu người, đạt hơn 1.400 USD vào năm 2020 (tính theo giá năm 2015), tăng so với 117 USD trên đầu người 15 năm trước đó. Tỷ lệ này ngang với Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng thấp hơn các nền kinh tế định hướng xuất khẩu được so sánh trong Báo cáo như Thái Lan hoặc Malaysia.

Các lĩnh vực xuất khẩu đã tạo ra gần 5 triệu việc làm trong 15 năm qua, nhưng gần 85% trong số đó là việc làm kỹ năng thấp - như thợ thủ công, công nhân vận hành máy và lao động nông nghiệp. Báo cáo dẫn số liệu thống kê, năm 2021, các việc làm kỹ năng thấp chiếm 9,4 triệu trong số 11,2 triệu việc làm ở các lĩnh vực xuất khẩu. Trong khi đó, những vị trí đòi hỏi kỹ năng cao như kỹ sư điện, kỹ thuật viên chuyên ngành, nhân viên lập trình, hoặc quản lý còn ít ỏi, chiếm chưa đến 6%, thuộc dạng thấp nhất trong số các quốc gia so sánh, và chưa bằng một nửa so với Thái Lan (12,8%).

Các ngành nghề việc làm trong xuất khẩu, Việt Nam và các quốc gia so sánh, năm 2018. Ảnh từ Báo cáo.
Các ngành nghề việc làm trong xuất khẩu, Việt Nam và các quốc gia so sánh, năm 2018. Ảnh từ Báo cáo.

Hơn nữa, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào các hoạt động sản xuất, và điều này hầu như không thay đổi kể từ năm 2000.

Ngay cả trong các phân đoạn xuất khẩu công nghệ cao như thiết bị điện và quang học, 3/4 việc làm ở Việt Nam vẫn liên quan đến sản xuất, trong khi các quốc gia khác cho biết họ đã nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong nước trong hàng xuất khẩu. Ví dụ, Hàn Quốc có tỷ lệ việc làm về sản xuất cân đối hơn trong lĩnh vực này, chỉ khoảng 1/4 việc làm là trong hoạt động sản xuất.

Báo cáo nhận định, thách thức chính của ngành xuất khẩu Việt Nam lúc này vẫn là chuyển dịch việc làm sang các hoạt động giá trị cao hơn như dịch vụ hỗ trợ và quản lý. Tuy nhiên, mục tiêu này không dễ thực hiện khi nguồn cung lao động có kỹ năng còn hạn chế. Hiện tại, chỉ khoảng 5% lực lượng lao động trong các lĩnh vực xuất khẩu được cho là có kỹ năng cao, và chỉ 10% dân số có bằng cử nhân, thấp hơn tất cả các quốc gia so sánh, trừ Indonesia.

Để có được cơ cấu lực lượng lao động tương thích cho quốc gia thu nhập trung bình cao từ năm 2022, trong đó 15,3% có bằng đại học trở lên cho giai đoạn 2030-2035, Việt Nam phải tăng số lượng lao động có trình độ cao đẳng, đại học tham gia thị trường lao động cao hơn dự báo hiện nay từ mức 200.000 lên 430.000 mỗi năm.


Nguồn: