Trong bài báo khoa học được công bố trên tạp chí Physical Review Letters vào ngày 25/11, một nhóm nghiên cứu quốc tế đã phát hiện các tia vũ trụ mạnh nhất từng ghi nhận, đạt mức năng lượng lên tới 40 teraelectronvolt (TeV), gấp 40.000 lần năng lượng ánh sáng khả kiến.
Các nhà khoa học đã sử dụng Kính thiên văn HESS tại Namibia để theo dõi tia vũ trụ, bao gồm các electron và phản hạt của chúng – positron. Tia vũ trụ có thể phát sinh từ một vụ nổ siêu tân tinh, sao neutron quay nhanh hoặc các nguồn khác chưa được biết đến.
Thông thường, tia vũ trụ sẽ mất dần năng lượng khi di chuyển trong không gian do tương tác với ánh sáng và từ trường. “Tuy nhiên, nguồn phát tia vũ trụ mới có mức năng lượng khá cao, vì vậy nó phải nằm gần chúng ta, cách xa tối đa vài nghìn năm ánh sáng – một khoảng cách rất nhỏ so với đường kính dải Ngân hà (100.000 năm ánh sáng)”, Kathrin Egberts, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học Potsdam (Đức), nhận định.
Phát hiện này cung cấp dữ liệu quan trọng để khám phá các nguồn phát năng lượng cao ở gần hệ Mặt trời, giúp nhân loại tiến gần hơn đến mục tiêu khám phá nguồn gốc và bản chất của tia vũ trụ.
Nguồn: Livescience.com
Tin đăng KH&PT số 1320 (số 48/2024)
Quốc Hùng và nhóm tác giả lược dịch