Việc gửi thông điệp sóng vô tuyến vào không gian nhằm liên lạc với ngoài hành tinh không chỉ là một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực khoa học, mà còn phản ánh các giá trị và nhận thức của con người về chính bản thân mình, trong đó bao gồm cả những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và sự đa dạng văn hóa.
Các nhà khoa học đã truyền đi Thông điệp Arecibo hướng đến Cụm sao cầu lớn trong chòm sao Hercules từ Đài quan sát Arecibo ở Puerto Rico vào ngày 16/11/1974. Đây là kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Thông điệp chứa một chuỗi các chữ số nhị phân 0 và 1, dùng để mã hóa các số từ 1 đến 10 và những thông tin cơ bản về con người, bao gồm cấu trúc DNA.
Thông điệp Arecibo diễn tả con người dưới dạng điểm ảnh (pixel), thể hiện chiều cao trung bình của một người đàn ông Mỹ (1,75 mét) và quy mô dân số thế giới vào thời điểm đó (4 tỷ người). Thông điệp kèm theo sơ đồ hệ Mặt trời, chỉ ra hành tinh đã gửi đi thông điệp – Trái đất.
Thông điệp Arecibo chủ yếu nhằm mục đích quảng bá khả năng vượt trội của Đài quan sát Arecibo sau khi nó vừa hoàn thành một đợt nâng cấp lớn. Nhà thiên văn Frank Drake, lúc đó là Giám đốc đài quan sát, chịu trách nhiệm giới thiệu cho công chúng về khả năng của chiếc kính viễn vọng mới.
Trong cuốn sách “Is Anyone Out There?” (Có ai ở ngoài kia không?) được xuất bản vào năm 1992, Drake cho biết ông đã dành nhiều thời gian suy nghĩ về cách thể hiện loài người trong thông điệp. Về mặt kỹ thuật, điều này rất khó thực hiện chỉ bằng cách sử dụng số 0 và 1. Toàn bộ thông điệp là một đoạn mã nhị phân có độ dài 1.679 bit, sắp xếp thành một mạng lưới 23×73 pixel.
Drake gặp khó khăn trong việc thể hiện hình ảnh của con người chỉ với rất ít pixel. Ban đầu, ông hy vọng có thể tạo ra hình ảnh trung lập giới tính. “Nhưng phiên bản đó trông giống khỉ hơn là người. Vì vậy, tôi đã chọn hình ảnh giống nam giới thay vì giống khỉ”, Drake chia sẻ trong cuốn sách Is Anyone Out There?
Cuối cùng, Đài quan sát Arecibo chỉ phát đi hình ảnh của một nửa nhân loại. Sau này, Drake thừa nhận rằng có thể ông đã cố gắng làm cho hình ảnh đó trông giống mình hơn trong vô thức – “như thể tôi đang tự đưa mình vào không gian theo phong cách giống trong phim Star Trek”, Drake viết.
Thông điệp Arecibo cho thấy các đặc điểm về nhân khẩu học (giới tính, tuổi tác, sắc tộc) của các nhà khoa học tham gia tìm kiếm tríthông minhngoàiTrái đất (SETI) có thể ảnh hưởng đến nội dung và tính chất của những thông điệp mà họ gửi đi. Cũng giống như lĩnh vực nghệ thuật, những thông điệp này mang đậm dấu ấn của người sáng tạo ra chúng, bao gồm định kiến và quan điểm cá nhân của họ.
Tuy nhiên, chúng ta không nên vội vàng kết luận cộng đồng các nhà khoa học SETI mới nổi vào những năm 1970 có thái độ phân biệt giới tính. Trên thực tế, Drake và những người tiên phong trong lĩnh vực SETI, bao gồm nhà thiên văn học nổi tiếng Carl Sagan, đều là những người tích cực ủng hộ quyền lợi của phụ nữ. Ông thậm chí đã tuyển dụng các nữ sinh viên tham gia vào dự án nghiên cứu của mình cùng với các nam sinh viên trong suốt mùa hè, mặc dù một số đồng nghiệp của ông cho rằng việc đầu tư vào sinh viên nữ là lãng phí nguồn lực vì cuối cùng họ sẽ kết hôn, trở thành mẹ và không đóng góp nhiều cho thiên văn học. Đây là niềm tin phổ biến trong giới khoa học vào giữa thế kỷ XX.
Ngoài Thông điệp Arecibo, trước đó Drake cũng gặp phải tình huống khó xử liên quan đến vấn đề giới tính khi thiết kế một thông điệp khác gửi đến các nền văn minh ngoài hành tinh. Cụ thể vào năm 1972, Drake, Sagan và cộng sự đã chế tạo hai tấm bảng nhôm mạ vàng để gắn trên tàu vũ trụ Pioneer 10 và Pioneer 11 của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Chúng chứa những ký hiệu giúp mô tảvị trí Trái đất trong dải Ngân hà, cũng như hình minh họa của hai người, bao gồm một người đàn ông và một phụ nữ đứng cạnh nhau – người đàn ông đang vẫy tay, trong khi người phụ nữ đứng bên cạnh để hai tay thả lỏng dọc theo cơ thể. Các tàu vũ trụ Pioneer đóng vai trò như những sứ giả, giúp truyền đạt thông điệp của con người tới các nền văn minh khác ngoài địa cầu.
Hình vẽ trên tấm bảng nhôm do Sagan và vợ ông, Linda Salzman Sagan, thiết kế. Hai vợ chồng muốn tạo ra một chân dung bao quát của nhân loại, đại diện cho tất cả mọi người trên Trái đất. Trong cuốn sách Cosmic Connection (1973), Sagan viết rằng họ đã cố gắng làm cho người đàn ông và phụ nữ trông có vẻ “liên chủng tộc” bằng cách sử dụng các đặc điểm mơ hồ như tóc gợn sóng, không có màu da rõ ràng và nét mặt đơn giản. Các hình vẽ được lấy cảm hứng từ nghệ thuật và tượng điêu khắc Hy Lạp thời cổ đại.
Mặc dù xuất phát từ một ý tưởng tốt đẹp, nhưng hình ảnh về con người trên tấm bảng nhôm bay vào vũ trụ đã gây ra sự phẫn nộ trên Trái đất. Các nhóm bảo vệ nữ quyền cảm thấy tức giận. Một trong những lý do quan trọng là người phụ nữ chỉ đứng bên cạnh người đàn ông một cách thụ động, trong khi người đàn ông chủ động vẫy tay chào các sinh vật ngoài hành tinh.
Trong cuốn sách của mình, Sagan biện minh cho việc bỏ qua chi tiết này dựa trên cơ sở “tượng điêu khắc Hy Lạp truyền thống thường không thể hiện nó”. Ngoài ra, ông muốn đảm bảo rằng NASA sẽ phê duyệt thông điệp để gắn lên tàu Pioneer. Ông lo ngại việc mô tả một đặc điểm cấm kỵ về mặt văn hóa có thể khiến NASA từ chối các tấm bảng, do không phù hợp với “hệ thống phân cấp khoa học–chính trị” của tổ chức này.
Sagan nhớ lại nhiều người cảm thấy phản cảm khi NASA gửi thứ mà họ cho là “thô tục” vào vũ trụ. Một số người thậm chí còn gửi thư cho biên tập viên của tờ Los Angeles Times, so sánh tấm bảng gắn trên tàu Pioneer với nội dung khiêu dâm, cũng như phàn nàn rằng NASA đã góp phần lan truyền sản phẩm thô tục này ra ngoài hệ Mặt trời. Hình ảnh khỏa thân trên tấm bảng đã bộc lộ rõ nhiều mâu thuẫn. Thay vì đạt được mục tiêu tạo ra một hình ảnh đại diện chung cho toàn nhân loại như gia đình Sagan mong muốn, nó lại gây ra tranh cãi, làm lộ rõ những xung đột về giá trị và quan điểm văn hóa ở Mỹ vào thời điểm đó.
Mặc dù các nhà khoa học như Drake và Sagan đã góp phần chống lại sự thiên vị về giới tính, nhưng họ cũng vô tình làm nó tiếp diễn, chẳng hạn như hình ảnh người đàn ông duy nhất trong Thông điệp Arecibo. Đây không phải là sự lên án đối với các nhà khoa học. Trên thực tế, con người không thể hoàn toàn thoát khỏi những định kiến văn hóa, đặc biệt là vấn đề bất bình đẳng giới. Ngay cả khi họ cố gắng tạo ra một thông điệp mang tính phổ quát, họ vẫn bộc lộ những hạn chế trong quan điểm và cách nhìn nhận của mình.
Nguồn: Nature.com
Bài đăng KH&PT số 1319 (số 47/2024)