Với hơn 150 hoạt động được tổ chức trong ba ngày 26 đến 28/11, TECHFEST 2024 được kỳ vọng thúc đẩy các startup tham gia giải quyết những thách thức của xã hội và hướng tới một tương lai bền vững.

Công ty Cổ phần Nghiên cứu kỹ thuật cơ khí chính xác, thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, giới thiệu về cánh tay robot mini dùng cho công nghiệp sản xuất bán dẫn điện, điện tử và ngành bán dẫn.
Công ty Cổ phần Nghiên cứu kỹ thuật cơ khí chính xác, thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, giới thiệu về cánh tay robot mini dùng cho công nghiệp sản xuất bán dẫn điện, điện tử và ngành bán dẫn. Ảnh: Ngô Hà

Thắt chặt kết nối

Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2015, Ngày hội khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (TECHFEST) đã được tổ chức tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Ninh và giờ đây là Hải Phòng. Các sự kiện TECHFEST thu hút hàng nghìn người tham gia, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp, công ty, tập đoàn công nghệ và các nhà đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước. Đây là năm đầu tiên Hải Phòng đăng cai TECHFEST quốc gia, nhưng là lần thứ bảy tổ chức các ngày hội khởi nghiệp tương tự như mô hình này.

Qua 150 hoạt động lớn nhỏ thông điệp về một hệ sinh thái khởi nghiệp vững chắc và phát triển ở Việt Nam được lồng ghép trong từng cuộc trao đổi, gặp gỡ các nhà đầu tư và đối tác quốc tế, như Hàn Quốc, Australia, Singapore, Mỹ v.v, tại TECHFEST cùng chung nhận định, Việt Nam hiện đã có những startup công nghệ thực sự nổi bật cùng với những cơ hội đầu tư, hợp tác với các nước. Họ cũng giới thiệu nhiều startup nổi bật của quốc gia mình tới giới thiệu ở các gian hàng và trên những sân khấu lớn của TECHFEST nhằm giúp các startup này “kết nối với đối tác Việt Nam” để cùng nhau giải quyết những vấn đề trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, nông nghiệp, công nghiệp v.v bằng công nghệ phù hợp.

Nhìn chung, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đã quy tụ đầy đủ sự tham gia của các bên liên quan. Gần một phần ba các startup công nghệ cao của Việt Nam hiện diện tại TECHFEST cho biết quan hệ hợp tác giữa viện, trường và các startup, họ đóng vai trò quan trọng trong việc biến các ý tưởng thành những giải pháp thực tế. Nhờ đó, họ có thể từng bước hoàn thiện công nghệ, bắt tay vào marketing, tiếp cận khách hàng.

Công ty VTG giới thiệu Robot hình người có khả năng biểu đạt cảm xúc, có tiềm năng phục vụ cho  các ngành giáo dục, y tế, du lịch, dịch vụ nhà hàng khách sạn v.v.
Công ty VTG giới thiệu Robot hình người có khả năng biểu đạt cảm xúc, có tiềm năng phục vụ cho các ngành giáo dục, y tế, du lịch, dịch vụ nhà hàng khách sạn v.v. Ảnh: Ngô Hà

Cũng như mọi năm, cuộc thi khởi nghiệp là điểm nhấn của TECHFEST. Kể từ lần đầu tổ chức đến nay, các startup tham gia TECHFEST đã có chuyển biến, từ chỗ tràn ngập các dự án “shallow tech” - dự án dựa trên công nghệ sẵn có và thường làm nhiệm vụ kết nối các bên liên quan, ví dụ như nền tảng, ứng dụng – bắt đầu xuất hiện một số các dự án “deep tech” với công nghệ sâu và tiên tiến.

Bà Kimmy Đặng, Giám đốc Quỹ ITI Fund, nhận định, do chất lượng của các dự án năm nay ngày càng được cải thiện nên việc lựa chọn Top 5 từ hơn 500 dự án gửi về trở nên vô cùng khó khăn.Phần nhiều các dự án đã thể hiện được năng lực triển khai và làm rõ được giá trị cốt lõi của sản phẩm cũng như tác động với xã hội. Theo góc nhìn của bà, xu hướng nổi bật của các startup Việt dự thi năm nay là ứng dụng các mô hình AI trong đa dạng lĩnh vực.

Tăng trưởng bền vững và xanh hơn

Xu hướng công nghệ xanh, tăng trưởng xanh đang được thảo luận ở nhiều diễn đàn cấp cao trong nước và quốc tế trong những năm gần đây cũng là các chủ đề thảo luận bàn tròn và trong các cuộc kết nối đầu tư của TECHFEST năm nay.

Tại diễn đàn tăng trưởng kép “chuyển đổi số, chuyển đổi xanh”, ông Ngô Thanh Hiền, Giám đốc công nghệ của IBM Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam mà họ tiếp cận đang ngày càng quan tâm tới các giải pháp dữ liệu để có được báo cáo ESG - tức báo cáo về tác động môi trường (phát thải, tiêu thụ năng lượng, sử dụng tài nguyên, quản lý rác thải v.v), xã hội (chính sách cho người lao động, tạo việc làm tại địa phương, chất lượng sản phẩm cho khách hàng, bảo mật dữ liệu, v.v) và quản trị (đạo đức kinh doanh và cạnh tranh, minh bạch về thuế và kiểm toán nội bộ v.v) - mà doanh nghiệp triển khai trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh của mình.

Vecopin giới thiệu hệ thống trạm đổi và thuê pin sạc di động, có thể triển khai rộng rãi tại các nhà hàng, trường học, bệnh viện, bến xe và không gian công cộng khác. Ảnh: Ngô Hà
Công ty Vecopin giới thiệu hệ thống trạm đổi và thuê pin sạc di động, có thể triển khai rộng rãi tại các nhà hàng, trường học, bệnh viện, bến xe và không gian công cộng khác. Ảnh: Ngô Hà

“Trước đây khi nói về ESG, các doanh nghiệp chỉ nói về tuân thủ và chi phí thực hiện, nhưng giờ đây nó là tiền”, ông Hiền nói đến các khoản tiền mà doanh nghiệp cần phải mua thêm hoặc bán đi tín chỉ carbon trong vòng 30 năm tiếp theo để đạt các cam kết Net Zero, các khoản tiền mà họ tiết kiệm được khi triển khai các công nghệ mới hiệu quả hơn, hoặc các khoản tiền mà ngân hàng và quỹ đầu tư giờ đây sẵn sàng cấp ra cho những doanh nghiệp chứng minh được rằng mình là một tổ chức phát triển bền vững. Tài chính là động lực quan trọng để các doanh nghiệp và tập đoàn lớn tăng cường thực hiện các khuôn khổ ESG.

Các tập đoàn lớn cần những giải pháp xanh và các doanh nghiệp nhỏ hơn, đặc biệt là các startup cũng không nằm ngoài chuyển động này, nếu không muốn nói là nhanh nhạy định vị để theo kịp xu hướng.

Ở gian triển lãm, không khó để tìm thấy các doanh nghiệp độc đáo như vậy: C2T cung cấp trải nghiệm du lịch cộng đồng phát thải thấp ở Bến Tre, S2M sản xuất vật liệu da từ vỏ xoài để dùng cho các sản phẩm thời trang, gia dụng, Repeet tái chế chai nhựa PET thành các loại sợi dệt quần áo, Alterno cung cấp năng lượng nhiệt sấy khô từ nguồn điện tái tạo. v.v

Quán quân Cuộc thi Techfest năm nay là Yeast Era, một công ty sản xuất protein từ công nghệ lên men sinh khối. Đi theo xu hướng mới của các startup trên thế giới, Yeast Era đặt nhiều hy vọng cho giải pháp của mình, đó là một ngày nào đó sản phẩm của họ có thể đáp ứng phần nào nhu cầu protein từ động vật của một tệp khách hàng yêu môi trường, yêu sự bền vững hoặc có chế độ dinh dưỡng đặc biệt.

Nhiều chuyên gia đánh giá, tuy những startup công nghệ mới, công nghệ xanh như vậy chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong số các startup góp mặt vào TECHFEST nhưng đó thực sự là những điểm sáng và điểm nhấn.

Cần những hỗ trợ chính sách bền vững

Trong diễn đàn chính sách cấp cao về khởi nghiệp của TECHFEST, một số hy vọng đã đến khi có các cam kết về cải thiện hệ thống quy định pháp lý để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đúng với bản chất.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh nhận định, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang bước sang giai đoạn mở rộng và hội nhập với các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên thế giới, do đó hành lang pháp lý cũng sẽ được điều chỉnh để phát triển tương xứng với mô hình, tiềm lực, yêu cầu của giai đoạn mới. Giai đoạn này sẽ cần sự tham gia của các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp lớn với vai trò đầu tư hoặc sử dụng các kết quả của tổ chức khởi nghiệp. Vì vậy, sẽ có những chính sách phù hợp để khuyến khích hướng phát triển này.

huepress
Công ty HUEPRESS giới thiệu các giải pháp đèn thông minh có thể tùy chỉnh chế độ ánh sáng tổng hợp do người dùng thiết lập. Ảnh: Ngô Hà

Trong khi đó, các nhà quản lý địa phương – bao gồm các Sở KH&CN và chính quyền địa phương – cho rằng họ muốn thúc đẩy việc hợp tác giữa các địa phương với nhau và mở rộng ra cả quốc tế. Ví dụ, chủ nhà TECHFEST 2024 Hải Phòng là một trung tâm công nghiệp lớn và có nhu cầu áp dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo. Họ nhắm đến học hỏi kinh nghiệm của các địa phương Hàn Quốc, những nơi đã thành công trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp năng động thông qua hệ thống các trung tâm kinh tế sáng tạo và đổi mới cũng như hệ thống các công viên công nghệ.

Trong khi đó, một số Sở KH&CN mong được phân bổ nguồn lực phù hợp với lợi thế địa phương, tận dụng các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp địa phương để đảm bảo số lượng và chất lượng của từng dự án được triển khai. Dù cách tiếp cận có khác nhau, nhưng các địa phương đều nhất trí cần làm nhiều hơn để tăng cường các kết nối, thúc đẩy.

TECHFEST 2024 khép trong một số thông tin đem lại hy vọng. Startup Blink, công ty đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu uy tín, đã báo cáo thứ hạng 56 của Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu, tăng hai bậc so với năm ngoái.

Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu GII của Việt Nam cũng liên tục được cải thiện, từ vị trí 59 (năm 2016) lên vị trí thứ 44 (năm 2024).

Bài đăng KH&PT số 1320 (số 48/2024)