Đường bờ biển nhiệt đới của Đông Nam Á là nơi tập trung những hệ sinh thái biển quan trọng với mức độ đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực dễ bị tổn thương nhất, khi các rạn san hô, rừng ngập mặn và thảm cỏ biển đang phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng từ hoạt động của con người.

Cảng thuyền Cù Lao Chàm, Việt Nam, được sử dụng để đưa khách du lịch ra khơi tham gia các môn thể thao dưới nước như chèo thuyền kayak và bơi lội, cũng như lặn biển và lặn ống thở giữa các rạn san hô nhiệt đới. Ảnh: Trần Đức Hậu
Cảng thuyền Cù Lao Chàm, Việt Nam, được sử dụng để đưa khách du lịch ra khơi tham gia các môn thể thao dưới nước như chèo thuyền kayak và bơi lội, cũng như lặn biển và lặn ống thở giữa các rạn san hô nhiệt đới. Ảnh: Trần Đức Hậu

Để làm rõ những mối đe dọa này, một nhóm nghiên cứu quốc tế đến từ Anh, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Philippines đã tiến hành một đánh giá chi tiết đầu tiên về các hoạt động diễn ra tại môi trường ven biển và biển sâu, cũng như tác động của chúng đối với hệ sinh thái. Các kết quả nghiên cứu đã được công bố trong bài báo “Assessing impact risk to tropical marine ecosystems from human activities with a Southeast Asian example” trên tạp chí Journal of Applied Ecology.

Nghiên cứu tập trung vào các địa điểm điển hình tại Việt Nam, Indonesia, Philippines và Malaysia, bao gồm các khu bảo tồn biển trong Khu dự trữ sinh quyển và Sinh quyển (MAB) của UNESCO và một công viên biển quốc gia.

Yếu tố nào lớn nhất?


Các hệ sinh thái biển nguyên vẹn cung cấp các dịch vụ thiết yếu như nguồn dinh dưỡng, sinh kế, sức khỏe và niềm hạnh phúc cho người dân ở rất nhiều quốc gia. Tuy nhiên, để đạt được những lợi ích này, con người đã thực hiện nhiều hoạt động gây áp lực lên các hệ sinh thái, dẫn đến hư hại, suy thoái môi trường sống và làm giảm khả năng cung cấp dịch vụ tối ưu của chúng. Hệ quả là sự mất mát đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, chuỗi tác động từ những hoạt động này vẫn chưa được hiểu rõ, đặc biệt là đối với các hệ sinh thái biển nhiệt đới.

Để tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học đã lần đầu tiên xác định các chuỗi tác động liên kết giữa các hoạt động và áp lực mà chúng gây ra tại năm môi trường sống ven biển và biển nhiệt đới, thông qua nghiên cứu ứng dụng tại bốn địa điểm điển hình ở Đông Nam Á. Dựa trên việc thu thập ý kiến từ các chuyên gia và các bằng chứng hiện có, “chúng tôi đã đánh giá từng chuỗi tác động dựa trên mức độ áp lực, tần suất, tính dai dẳng, cũng như khả năng chống chịu và khả năng phục hồi của từng môi trường sống. Việc gán điểm rủi ro cho mỗi chuỗi tác động đã giúp xác định các hoạt động và áp lực gây ra rủi ro cao nhất, cũng như những môi trường sống đang chịu đe dọa lớn nhất”, nhóm nghiên cứu viết trong bài báo mới công bố.

Trong số 26 hoạt động được nghiên cứu, kết quả cho thấy các kỹ thuật đánh bắt cá và hoạt động du lịch, giải trí là những mối đe dọa lớn nhất đối với hệ sinh thái. Các hình thức đánh bắt cá như lưới kéo, lưới rê và lưới vây đã gây áp lực vật lý nghiêm trọng, dẫn đến mài mòn, bồi lắng và làm mất hoàn toàn môi trường sống. Cùng lúc đó, các hoạt động du lịch lại góp phần tạo ra nhiều áp lực khác nhau, bao gồm việc gia tăng chất thải hữu cơ, rác thải và ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, điều này ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sống của các rạn san hô.

Mặc dù đánh bắt cá và du lịch có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của khu vực, các nhà nghiên cứu hy vọng rằng việc làm nổi bật các tác động tiêu cực của chúng ở từng địa điểm cụ thể sẽ thúc đẩy việc áp dụng các phương pháp bền vững hơn trong tương lai.

TS. Fiona Culhane, người thực hiện nghiên cứu trong Chương trình sau tiến sĩ tại Đại học Plymouth (Anh) và hiện là nhà nghiên cứu tại Viện Hàng hải Ireland, chia sẻ trên bản tin của trường: “Những địa điểm này mang ý nghĩa toàn cầu vì sở hữu sự đa dạng sinh học biển vượt trội, nhưng đồng thời cũng phải chịu áp lực lớn từ các hoạt động của con người. Công trình này, với sự hợp tác của cộng đồng địa phương và các nhà khoa học trong nước, đã chỉ ra rằng mỗi địa điểm đối mặt với các rủi ro khác nhau tùy thuộc vào mức độ hoạt động của con người trên biển.”

Việc hiểu rõ hơn về cách các hoạt động của con người ảnh hưởng đến môi trường sống dưới biển và các dịch vụ mà hệ sinh thái này mang lại sẽ giúp các nhà quản lý và các bên liên quan tại địa phương đưa ra các quyết định sáng suốt hơn.

Melanie Austen, giáo sư về Đại dương và Xã hội tại Đại học Plymouth và là người đứng đầu chương trình Cộng đồng Xanh, cho biết: “Nghiên cứu này là một ví dụ tiêu biểu cho sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu từ Nam bán cầu và Bắc bán cầu. Mục tiêu của chương trình là cung cấp thông tin và phân tích cần thiết để hỗ trợ các cộng đồng ven biển tồn tại và phát triển trong bối cảnh nguồn tài nguyên biển tự nhiên bị giới hạn.”

Bản đồ áp lực hoạt động


Ngoài đánh bắt cá và du lịch, nghiên cứu còn xem xét tác động của các hoạt động như xử lý chất thải, khai thác cát, nuôi trồng thủy sản, phát triển cơ sở hạ tầng ven biển và thám hiểm khảo cổ.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã lập bản đồ để đánh giá liệu từng hoạt động có gây ra các tác động như ô nhiễm ánh sáng, tiếng ồn, nước, cũng như gây thiệt hại vật chất đến bờ biển, đáy biển và môi trường sống hay không, đồng thời xác định mức độ ảnh hưởng của chúng.

Kết quả cho thấy có sự khác biệt rõ rệt giữa các quốc gia trong các hoạt động gây áp lực lớn nhất. Tại Việt Nam, rủi ro cao nhất đến từ hoạt động lưới kéo cụ thể là lưới vây. Trong khi đó, tại Malaysia, hoạt động nuôi cá là nguyên nhân chính, còn ở Philippines, các hoạt động sử dụng chậu, bẫy và rào chắn lại tạo ra tác động lớn nhất.

Bên cạnh đó, cũng có sự khác biệt giữa các loại môi trường sống. Cụ thể, hoạt động đánh bắt bằng lưới kéo và nổ mìn gây ra rủi ro lớn nhất đối với các rạn san hô. Đối với rừng ngập mặn, nuôi tôm là yếu tố gây áp lực lớn nhất, trong khi hoạt động đánh bắt bằng lưới kéo và du lịch lại tạo ra mối đe dọa lớn nhất cho thảm cỏ biển.

Nhóm nghiên cứu nhận định, những phát hiện từ nghiên cứu này đã thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về việc quản lý không gian nơi diễn ra các hoạt động kinh tế và tác động của chúng đến các hệ sinh thái ven biển quan trọng.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, bằng cách xác định mối liên hệ giữa các hoạt động này và môi trường sống bị ảnh hưởng, chúng ta có thể đưa ra các quyết định quản lý không gian biển hiệu quả hơn, nhằm bảo đảm tính bền vững và khả năng phục hồi của các hệ thống xã hội - sinh thái cũng như hoạt động kinh tế liên quan.

TS. Radisti Praptiwi, nhà nghiên cứu tại Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia Indonesia, chia sẻ: “Đây là một nghiên cứu quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh các khu vực thiếu dữ liệu như Indonesia.” Bà cũng nhấn mạnh: “Việc hiểu rõ các chuỗi tác động liên kết giữa các hoạt động và áp lực lên môi trường biển không chỉ giúp xác định các loại hoạt động và môi trường sống cần được ưu tiên quản lý, mà còn làm sáng tỏ những lĩnh vực cần nghiên cứu sâu hơn để hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng.”

Do đó, nhóm nghiên cứu đưa ra đề xuất: cách tiếp cận dựa trên rủi ro theo bối cảnh có thể hỗ trợ ưu tiên giải quyết các vấn đề bền vững tại những khu vực thiếu dữ liệu. Cách tiếp cận này yêu cầu sử dụng kết hợp kiến thức từ chuyên gia địa phương với kiến thức khoa học mở rộng. Bên cạnh đó, việc đánh giá rủi ro liên ngành và dựa trên hệ sinh thái có thể giúp các nhà quản lý cân nhắc những đánh đổi trong việc quản lý tài nguyên biển, đồng thời xác định các ưu tiên một cách minh bạch. “Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hành chính, ngành nghề và các bên liên quan tại địa phương để đạt được nhiều mục tiêu bền vững”, nhóm nghiên cứu viết.

Ngoài ra, khi xem xét các áp lực vật lý từ các hoạt động đánh bắt cá, cùng với ô nhiễm do du lịch, các nhà khoa học cho rằng, muốn quản lý hiệu quả sẽ cần một cách tiếp cận phân vùng đa mục đích. “Giải pháp này không chỉ tập trung vào các tác động tại điểm hoạt động mà còn tích hợp với những hoạt động phối hợp khu vực để xử lý các yếu tố áp lực phân tán, chẳng hạn như ô nhiễm hoặc xáo trộn trầm tích xảy ra ở khoảng cách xa nguồn ban đầu”.

Nguồn tài liệu
https://besjournals.onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/1365-2664.14812
https://www.plymouth.ac.uk

Bài đăng KH&PT số 1320 (số 48/2024)