Ranh giới giữa đẹp và xấu tồn tại một cách khách quan và vĩnh viễn hay liên tục thay đổi trong lịch sử? Thẩm mỹ của con người có đang hủy diệt thiên nhiên? Làm thế nào để cảm thụ thiên nhiên bằng nhiều giác quan hơn, và nhiều góc nhìn hơn, kể cả góc nhìn của những sinh vật không phải là con người?
Đó là những câu hỏi mà TS Đặng Hoàng Giang đặt ra để thảo luận trong cuốn “Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường”. Bằng lối kể chuyện dễ hiểu, cùng các ví dụ gần gũi với sinh cảnh và đời sống ở Việt Nam, cuốn sách mang đến cho người đọc một bản dẫn nhập ngắn gọn và sống động về mỹ học sinh thái.
Khác với hầu hết các văn bản phi hư cấu hiện đại, cuốn sách mang hình thức của một cuộc đối thoại triết học giữa hai người bạn thân, là Tò Mò (nam, đa cảm, làm công việc bàn giấy) và Suy Ngẫm (nữ, đọc nhiều, quen thuộc với các chuyến đi rừng). Trên hành trình khám phá những sinh cảnh khác nhau ở Việt Nam – từ bãi cát thấp thoáng vỏ sò và san hô vỡ của vịnh Lan Hạ đến khoảng sân của một khu tập thể cũ văng vẳng tiếng ve – họ trò chuyện về cách cảm nhận những sinh vật và cảnh trí quanh mình, từ đó liên tục xét lại những ranh giới đẹp-xấu sẵn có. Sau khi dùng điện thoại di động để tham khảo các nghiên cứu khoa học, phim tài liệu, tác phẩm văn chương và nhiếp ảnh, họ trở lại chạm vào thiên nhiên bằng năm giác quan của mình, nhưng theo một cách khác đi. Kết hợp các lý thuyết và góc nhìn đa ngành với các bài tập cảm nhận thiên nhiên, cuốn sách hướng dẫn người đọc tương tác lại với thiên nhiên sau mỗi chương sách.
Trong chương thứ nhất – “Chúng ta đang thưởng thức thiên nhiên như thế nào và vì sao cần thay đổi” – cuốn sách nhìn lại cách con người tương tác với thiên nhiên trong suốt lịch sử thẩm mỹ của mình.
Lời kể bắt đầu từ một khung cảnh đương đại quen thuộc: hàng triệu người đi du lịch sinh thái không phải để cảm nhận thiên nhiên, mà chỉ để chụp ảnh selfie trên một vách núi nổi tiếng. Ngay khi đăng bức ảnh lên mạng xã hội, họ di chuyển địa điểm khác để checkin tiếp, thay vì nán lại để thưởng thức sự khác biệt về hơi ẩm, ánh sáng, khoáng vật, cây cối, hay côn trùng trên núi cao. Họ không trải nghiệm thiên nhiên, họ dùng thiên nhiên làm phông nền cho gương mặt mình; và họ cũng không trải nghiệm bản thân, khi chỉ copy nét mặt và dáng đứng trong một bức hình mình từng thấy trên mạng xã hội. Du khách không “đến với thiên nhiên”, họ chỉ đi mua sắm các thắng cảnh thông qua dịch vụ du lịch; và guồng quay tiêu thụ nông cạn ấy khiến họ không trải nghiệm được gì ngoài các tiện nghi của máy bay, khách sạn, cáp treo, cùng việc lặp lại những gì mình đã thấy trong một bộ phim hay một bức tranh. Du lịch sinh thái theo cách này thường góp phần phá hoại thiên nhiên, phần vì nó làm suy giảm năng lực cảm nhận thiên nhiên của con người, phần vì nó biến thiên nhiên thành một món hàng câm lặng để mua bán.
Số phận của thiên nhiên bị tước đi tiếng nói còn hiện lên rất rõ nơi các động vật được lai tạo để làm thú cưng. Bằng cách cho chó giao phối cận huyết để chọn lọc các thế hệ dị tật, con người đã tạo ra 300 giống chó khác nhau – từ chó Chihuahua nằm gọn trong lòng bàn tay đến chó St. Bernard to bằng một người lực lưỡng. Phương pháp bệnh hoạn này đã biến nhiều giống chó thành một kiểu tồn tại đau đớn trọn đời và xuyên thế hệ: do có mặt ngắn, mắt lồi, chân thấp, chó bull thường xuyên bị bệnh mắt, bệnh phổi, bệnh khớp, và không thể giao phối hay sinh đẻ nếu không có dao mổ của con người. Khi những phương pháp được xem là tội ác nếu áp dụng lên con người vẫn được dùng để tạo ra những động vật “đáng yêu”, người ta cần xét lại những tiêu chuẩn đang được dùng để phân loại các tạo vật của thiên nhiên thành đẹp và xấu.
Nhìn lại, có thể thấy các tiêu chuẩn này không cố định, mà thay đổi tùy theo thời đại và nền văn hóa. Chương sách tiếp tục mô tả sự ghẻ lạnh của con mắt thẩm mỹ phương Tây đối với thiên nhiên trong suốt thời Trung cổ, mối quan hệ giữa các bức tranh phong cảnh của thế kỷ 17 với các bộ lọc màu của các bức selfie trên Instagram, sự cô độc của các thi sĩ yêu thiên nhiên trong xã hội Trung Hoa xưa, và tâm thế của những người Việt Nam đánh đồng thiên nhiên đẹp với thiên nhiên bị con người cắt xén cho vuông vức… Trừ một vài ngoại lệ hiếm hoi như các nhà thơ haiku, họa sĩ thủy mặc hay văn nhân ở ẩn, hầu hết các truyền thống thẩm mỹ ở châu Âu và Á Đông không lắng nghe thiên nhiên, mà chỉ mượn các hình ảnh trong thiên nhiên để minh họa cho lời độc thoại của con người, hoặc xem thiên nhiên như tài nguyên nuôi sống con người. Khi văn hóa nhào nặn các giao tiếp giữa con người với thiên nhiên theo cách này, con người sẽ thường xuyên gây hại cho thiên nhiên, ngay cả khi họ tưởng rằng mình đang “hướng đến thiên nhiên” thông qua việc nuôi thú cưng hay du lịch sinh thái.
Khi tác động của con người gây ra nhiều thảm họa sinh thái khiến chính nhân loại phải chịu hậu quả, chúng ta cần từ bỏ ảo tưởng rằng con người là trung tâm của vũ trụ, hoặc con người đang chế ngự thiên nhiên. Thay vào đó, cần đặt các tạo vật phi nhân (nonhuman) vào vị trí ngang hàng với con người trong mạng lưới giao tiếp của hệ sinh thái. Trên tinh thần đó, chương 2 – “Làm giàu năng lực cảm thụ thiên nhiên” – đã đề xuất một quy trình gồm ba bước để giao tiếp, cảm nhận cái đẹp, và nhờ đó học hỏi từ các tạo vật khác trong thiên nhiên. Sau khi tập chạm, nghe, ngửi, nếm để cảm nhận thế giới bằng cả năm giác quan (thay vì chỉ thị giác, thứ đang bị các phương tiện truyền thông đúc khuôn và làm cho quá tải), Tò Mò và Suy Ngẫm dùng các phần mềm tra cứu để tìm hiểu đời sống của những sinh vật mà mình từng tiếp xúc. Nhờ kiến thức khoa học, họ mở rộng trường nhìn của mình về cả quá khứ, tương lai, bề rộng lẫn bề sâu, khi biết cách các sinh vật di cư, giao tiếp, săn mồi, cộng sinh, yêu đương… Từ đó, họ mượn câu chuyện của một sinh vật khác để suy ngẫm về đời mình, nhằm khám phá những cách sống và lựa chọn nằm bên kia giới hạn hiện có của bản thân, qua đó mở rộng kho kinh nghiệm chung của con người. Sau cùng, họ lặp lại bước một, dùng nhãn quan mới học được để cảm nhận lại thiên nhiên; từ đó tạo ra một vòng tuần hoàn mở của cảm nhận, tìm hiểu và suy tưởng, để giúp tầm nhìn của mình ngày càng rộng hơn thay vì thu hẹp lại trong định kiến.
Trong hành trình cảm nhận ở chương 2, các nhân vật đã trải nghiệm nhiều thực hành văn hóa đa dạng, từ các bài tập của phương pháp trị liệu “tắm rừng” (forest bathing) đến thi ca Á Đông, vốn xem thiên nhiên như nền tảng của thú vui phong nhã.
Bước sang chương 3 – “Thấy cái đẹp nơi trước kia ta không thấy” – họ vận dụng quy trình ba bước để tìm trong nhiên những kỳ quan mới mà thẩm mỹ truyền thống của con người chưa bao giờ nhận ra. Kỳ diệu thay, kỷ lục về thời gian bay lượn liên tục không nghỉ không thuộc về hải âu, đại bàng hay sếu, mà thuộc về một sinh vật nhỏ bé “xấu xí” mang tên chim choắt mỏ thẳng đuôi vằn (Limosa lapponica baueri). Kích thước chỉ bằng một con gà nhỏ, và thường cắm cúi kiếm ăn trên những bãi bùn ngập nước, loài chim này có thể bay trong mười ngày đêm liên tục mà không đậu xuống, để vượt 13.000 km của Thái Bình Dương khi di cư. Kỷ lục thực tế này buộc chúng ta phải xét lại những phép ẩn dụ đã cấu trúc văn hóa và ngôn ngữ của mình, như phép so sánh tầm nhìn của chim đại bàng và chim sẻ trong Nam Hoa Kinh: trái với giả định của người xưa, tầm bay xa nhất lại thuộc về một loài chim nhỏ cần mẫn kiếm ăn như chim sẻ.
Trong mắt loài chim choắt, những bãi bùn phẳng lặng mà chúng bay liên tục suốt mười ngày đêm để tìm đến liệu có phải là một kỳ quan không? Nếu có, thì sự giàu có nào của thế giới sinh vật nơi đầm lầy đã làm nên vẻ đẹp đó? Khi đặt những câu hỏi như vậy và cung cấp vài gợi ý, cuốn sách đưa độc giả bước vào cái nhìn của các sinh vật khác và các nhà khoa học, để nhận ra vẻ đẹp trong những cảnh sắc mà trước đây mình tưởng là “tầm thường”, và từ đó biết tôn trọng mọi mảnh ghép của thiên nhiên – đúng như được nêu trong tựa đề cuốn sách.
Dù là một sách dẫn nhập hấp dẫn và thuyết phục, tác phẩm mới nhất của TS. Đặng Hoàng Giang cũng mang vài đặc điểm làm cho độc giả khó tính chưa thật thỏa mãn. Là một cây bút chuyên viết thể loại phi hư cấu, tác giả đã gặp khó khăn trong việc viết thoại sao cho tự nhiên, nhất là ở nửa đầu cuốn sách. Sách cũng mắc một vài sơ suất nhỏ – như ghi sai công thức hóa học – mà nhà xuất bản đã ghi nhận để chỉnh sửa khi tái bản. Bất kể những vấn đề này, “Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường” vẫn có thể cung cấp một cái nhìn mới, và mở ra nhiều suy tư cho độc giả tại Việt Nam – một trong những quốc gia có thể phải chịu nhiều hậu quả nhất từ biến đổi khí hậu.
Bài đăng KH&PT số 1320 (số 48/2024)