Đổi mới sáng tạo được coi là một năng lực khó nắm bắt và nâng cao nhưng Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) và Trường Đại học Kinh tế Tài Chính (UEF) đã tìm cách giải quyết thách thức này thông qua môn học "Thiết kế Dự án"


Sinh viên giới thiệu dự án sáng tạo của mình khi kết thúc học phần. Ảnh: NVCC

Học kỳ này, gần 2.000 sinh viên thuộc khối ngành kinh tế, kỹ thuật, dịch vụ của Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) đã công bố các poster dự án về chủ đề “Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”. Trong số đó có những dự án nổi bật như “Agrirent - ứng dụng cho thuê máy móc theo mùa”, cho phép nông dân thuê các thiết bị công nghệ cao theo vụ mùa, nhờ đó tiết kiệm chi phí đáng kể; “Smartlivestock Tracker” giúp theo dõi tình trạng sức khỏe của gia súc, gia cầm thông qua cảm biến nhiệt độ để người chăn nuôi phòng bệnh kịp thời; hay “Giàn phao chống lũ cho cây” với các module tự động nâng chậu cây cảnh khi nước dâng cao.

Tương tự, hơn 1.200 sinh viên thuộc nhiều khối ngành khác nhau của Trường Đại học Kinh tế Tài chính (UEF) cũng trình làng các poster dự án về chủ đề “Du lịch thông minh cho TPHCM” với nhiều giải pháp thú vị, từ “ghế ngồi nghỉ chân thông minh” cho phố đi bộ Nguyễn Huệ tích hợp pin Mặt trời, đèn tảo Aloxy lọc không khí, ổ cắm điện và màn hình cảm ứng thông tin du lịch đến “bộ đồ chơi boardgame” lấy cảm hứng từ sự kiện lịch sử Bến Nhà Rồng.

Đó không đơn thuần là những ý tưởng trên giấy do những nhóm sinh viên ngồi nhà bịa ra, mà đằng sau là các số liệu tính toán kỹ lưỡng, phân tích lợi ích-chi phí, so sánh sự trùng lặp với các mô hình kinh doanh đã có, tham khảo ý kiến chuyên gia v.v để đúc rút những insight phù hợp – hệt cách làm của những nhà khởi nghiệp thực thụ. Một số dự án thậm chí đã sẵn sàng triển khai trên thực tế.

Những dự án tâm huyết và chỉn chu này là kết quả từ một môn học “đặc sản” của HUTECH và UEF - học phần Thiết kế Dự án 2 (Project Design 2). Đây là học phần dành cho sinh viên năm hai và năm ba, giúp các em tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng trong việc “Đánh giá lựa chọn khả năng thương mại hóa giải pháp”. Trước đó, sinh viên, thường là năm nhất, đã được học học phần Thiết kế Dự án 1 nhưng mới dừng ở mức “Phát hiện vấn đề” và “Đề xuất ý tưởng giải pháp”.

Tiếp theo, lên năm bốn, sinh viên sẽ được học học phần Thiết kế Dự án 3, nơi các dự án giống như một đồ án, khóa luận tốt nghiệp, đòi hỏi đầu tư chuyên môn sâu để tạo ra sản phẩm mẫu liên quan – ví dụ như các loại máy móc, ứng dụng hay quy trình có khả năng thử nghiệm thực tiễn. Học phần này giải quyết chặng cuối của quá trình thiết kế sáng tạo, đó là “Cụ thể hóa giải pháp” đã được đề ra ở học phần 1 và 2.

Sinh viên giới thiệu dự án sáng tạo của mình khi kết thúc học phần. Ảnh: NVCC
Sinh viên giới thiệu dự án sáng tạo của mình khi kết thúc học phần. Ảnh: NVCC

“Lộ trình thiết kế sáng tạo này đã được tích hợp vào trong lộ trình học tập của tất cả sinh viên HUTECH và UEF từ vài năm nay và trở thành môn học bắt buộc”, theo Th.S Nguyễn Xuân Hưng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Thiết kế Dự án UEF, đồng thời là Viện trưởng Viện Công nghệ Việt-Nhật HUTECH, người đã phát triển môn Thiết kế Dự án vào chương trình học ở hai trường tư thục trong cùng hệ thống giáo dục.

Thầy Hưng hào hứng kể về sự biến chuyển trong tư duy của các bạn trẻ sau mỗi học phần. Ở học phần 1, sinh viên có xu hướng đưa ra các chủ đề liên quan đến cuộc sống của bản thân và tìm cách làm cho cuộc sống đó thoải mái hơn. Ví dụ, các em đưa ra giải pháp game nhập vai hướng nghiệp dành cho sinh viên stress trong học tập do chọn sai ngành hay ứng dụng phân biệt thực phẩm tốt cho sức khỏe.

Nhưng sang đến học phần 2 và 3, các em đã nghĩ đến những vấn đề có tính xã hội rộng hơn. Khi giải quyết vấn đề cho bên thứ hai hoặc thứ ba không phải là mình, các em phải tham gia vào một cộng đồng, tìm cách hiểu cộng đồng đó, và đánh giá vấn đề từ nhiều góc độ hơn.

Trong học phần 2 này, các em sẽ áp dụng mô hình đổi mới sáng tạo của Viện Nghiên cứu Quốc tế Stanford là NABC (Need-Approach-Benefits/Cost-Competition) để phát triển một dự án sáng tạo và đánh giá mức độ thương mại của dự án trước khi ra thị trường.

Trên hành trình này, sinh viên phải học cách làm việc nhóm và trau dồi những kỹ năng liên quan. Thông thường, mỗi nhóm thực hiện dự án trong học phần Thiết kế Dự án gồm sáu-bảy sinh viên. Các em thay phiên nhau vào các vị trí nhóm trưởng, thư ký, giám sát… 50% điểm của học phần đến từ hoạt động cá nhân và 50% từ hoạt động làm việc nhóm. Mỗi học phần được triển khai trong một học kỳ với khoảng 45 tiết, trước khi sinh viên triển lãm poster/sản phẩm của mình tại một sự kiện chung toàn trường.

Ở HUTECH và UEF, các dự án sáng tạo của sinh viên chưa bao giờ bị xem là “viển vông”. Thầy Hưng tin rằng, mặc dù các dự án này có tính thương mại yếu hơn so với các dự án khởi nghiệp thực tế, nhưng việc học thông qua dự án sẽ đem lại cho các em những tác động dài hạn về tư duy thiết kế và các dự án khởi nghiệp sau này “sẽ là hệ quả của các học phần đó hết”.

Hành trình đáp đền tiếp nối

Thầy Hưng cho biết, chương trình Thiết kế dự án mà HUTECH và UEF đang giảng dạy được chuyển giao miễn phí từ chương trình gốc của Trường Đại học Công nghệ Kanazawa, Nhật Bản - nơi anh từng công tác một thời gian dài trước khi trở về Việt Nam, và hiện vẫn giữ cương vị giáo sư thỉnh giảng trong các giờ học online chung tại môn Thiết kế Dự án và Đổi mới sáng tạo giữa sinh viên Việt Nam và Nhật Bản.

Chương trình được thử nghiệm ở Việt Nam lần đầu vào năm 2015 cho sinh viên Viện Công nghệ Việt-Nhật HUTECH. Thoạt đầu, việc áp dụng nguyên mẫu “phiên bản Nhật” có chút khó khăn vì văn hóa-giáo dục giữa hai nước không hoàn toàn đồng nhất. Chẳng hạn, sinh viên Nhật Bản có tính tuân thủ quy trình cao; trong khi sinh viên Việt Nam có xu hướng tiếp cận nhanh, có thể bỏ qua một số bước để tới gần kết quả, nên thường nghĩ ngay đến giải pháp từ lúc đặt vấn đề.

“Tuy nhiên, nếu nhanh quá thì dễ trở thành hời hợt,” thầy Hưng lưu ý, “Do vậy, chìa khóa là làm sao tìm được điểm cân bằng khớp với người học của mình, rèn cho họ không chỉ sự năng động, sáng tạo mà cả tính cần cù, kiên nhẫn nữa.”

Anh bắt đầu nghiên cứu, triển khai các học phần Thiết kế Dự án “phiên bản Việt” đã được điều chỉnh so với bản gốc tại HUTECH và UEF từ năm 2019. “Đối với một trường đại học, rào cản lớn nhất khi đưa môn học mới vào là lãnh đạo có muốn làm không. Nếu lãnh đạo ủng hộ thì coi như đi được hơn nửa chặng đường rồi,” thầy Hưng nhấn mạnh. “Trước đây, có giảng viên trường khác cũng muốn dạy về khởi nghiệp, về đổi mới sáng tạo nhưng không làm được vì lãnh đạo của họ nghi ngờ môn này chẳng khác gì mấy môn kỹ năng mềm đã có. Còn ở chỗ chúng tôi, ngược lại, lãnh đạo nhà trường cảm thấy tất cả các kỹ năng mềm đều có thể được hình thành trong quá trình làm dự án, làm việc với người khác, nên đã quyết định đưa môn thiết kế dự án thay thế một số môn kỹ năng và trở thành học phần bắt buộc cho tất cả sinh viên.”

Được sự ủng hộ mạnh mẽ của lãnh đạo hai trường, các học phần Thiết kế Dự án đã được triển khai thuận lợi và mở rộng đội ngũ giảng viên chuyên trách. Hiện tại, HUTECH có khoảng 60-70 giảng viên có thể đứng lớp cho môn học này, còn ở UEF là khoảng 40 người - đủ để đáp ứng nhu cầu đào tạo hàng nghìn sinh viên mỗi năm.

Thầy Hưng cho biết anh và Trường Đại học Công nghệ Kanazawa (Nhật Bản) sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hệ thống môn học Thiết kế Dự án với các giảng viên và trường đại học quan tâm triển khai môn học này ở Việt nam bởi hai bên đều cảm thấy tự hào khi có thể “góp phần lan tỏa triết lý học tập sáng tạo qua các thế hệ sinh viên”.


Bài đăng KH&PT số 1320 (số 48/2024)