Trái ngược với những nỗi lo phổ biến rằng sản lượng lương thực toàn cầu đã chững lại trong các thập niên gần đây, một nghiên cứu toàn diện phát hiện con số này vẫn tăng trưởng đều từ những năm 1960.
Sáu thập kỷ qua, phần lớn sự tăng trưởng trong sản lượng lương thực bắt nguồn từ những tiến bộ công nghệ, bao gồm việc phát triển và sử dụng rộng rãi các giống cây trồng tốt hơn. Nhưng một số nghiên cứu cho thấy sản lượng lương thực đã chững lại, làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng thiếu lương thực trong tương lai, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi có tốc độ tăng trưởng dân số cao nhất.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã phát triển các phép đo chuẩn hóa. Họ sử dụng một chỉ số toàn diện dựa trên lượng calorie về sản lượng và năng suất của 144 loại cây trồng chiếm 98% diện tích đất nông nghiệp và sản lượng lương thực toàn cầu. Kết quả cho thấy, xét về tổng thể, tăng trưởng năng suất toàn cầu – một chỉ số quan trọng về năng suất nông nghiệp – đã không hề chậm lại trong hơn sáu thập niên qua. Sự tăng trưởng ổn định này tương đương với mức tăng khoảng 33kg lúa mì/hec-ta/năm.
Nghiên cứu mới phát hiện sản lượng lương thực toàn cầu vẫn tăng đều kể từ những năm 1960. Nguồn:Kai Pilger, Unsplash, CC0
Những phép đo trong nghiên cứu cho phép các nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách so sánh năng suất nông nghiệp giữa các quốc gia và khu vực khác nhau.
Mặc dù những phát hiện từ nghiên cứu mới làm cho chúng ta yên tâm về nguồn cung lương thực toàn cầu, nhưng các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng sản xuất lương thực bền vững và khả năng chi trả cho lương thực sẽ tiếp tục là thách thức đối với an ninh lương thực toàn cầu. Họ nhấn mạnh, những lo ngại này hết sức xác đáng khi thế giới đang đương đầu với tình trạng biến đổi khí hậu và nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng do dân số và thu nhập tăng.
Nghiên cứu của tác giả John Baffes từ Ngân hàng Thế giới, và Xiaoli Etienne từ Đại học Idaho (Mỹ) đã được công bố trên tạp chí truy cập mở PLOS ONE.
Nguồn:
Phương Anh