Kem chống nắng đầu tiên được sử dụng phổ biến do Benjamin Green sản xuất vào năm 1944 vào thời điểm cao trào của Thế chiến Thứ II, khi những người lính đóng quân ở Thái Bình Dương bị cháy da khi phơi mình dưới cái nắng gay gắt. Sản phẩm này không có quá nhiều hiệu quả, nó giống như một lớp chặn vật lý bức xạ tia UV. Loại kem này màu đỏ và dinh dính giống như sáp dầu khoáng. Doanh số sản phẩm bùng nổ khi Coppertone – thương hiệu chăm sóc da chống nắng đầu tiên của Mỹ – mua lại bằng sáng chế và tiếp thị sản phẩm này.
Kem chống nắng hiệu quả đầu tiên có thể do nhà hóa học Franz Greiter phát triển vào năm 1946. Sản phẩm mang tên Gletscher Créme và nó trở thành nền tảng cho Công ty Piz Buin, hiện nay công ty này vẫn là nhà tiếp thị các sản phẩm kem chống nắng. Vào năm 1956, tiến sĩ Rudolf Schulze đã đưa ra khái niệm SPF (viết tắt của Sun Protection Factor), đây là chỉ số đo lường khả năng bảo vệ da khỏi tia UV. Chỉ số càng cao thì tia UV đi qua càng ít. Và sản phẩm của Greiter được đánh giá SPF 2, tức là nó không có quá nhiều tác dụng.
Vào đầu những năm 1980, Úc là nước đầu tiên, sau đó là hầu hết các quốc gia khác, đã chấp nhận định nghĩa SPF là “tỷ lệ năng lượng tia UV cần thiết để gây ra lượng ban đỏ tối thiểu trên da được bảo vệ so với da không được bảo vệ” và là tiêu chuẩn để thử nghiệm các công thức kem chống nắng.
Sau Thế chiến IIMột nghiên cứu trên tạp chí
Consumer Report từ cuối những năm 1940 cho thấy trong 61 sản phẩm chống nắng, chỉ có 5 loại có khả năng bảo vệ xuất sắc, 13 loại bảo vệ tốt, còn 31 loại không hề bảo vệ người dùng. Điều thú vị là ở thời đó, sản phẩm được đánh giá là “tốt” khi nó bảo vệ được người dùng ít nhất 2 tiếng đồng hồ, theo người sáng lập Hiệp hội các nhà hóa học mỹ phẩm Maison G. de Navarre. Trong một bài báo khác trích dẫn từ cùng tạp chí, nhà hóa học mỹ phẩm I.R. Hollenberg viết vào năm 1955: “Nguyên tắc cơ bản trong công thức chống nắng là phát triển một sản phẩm mà khi thoa lên da thì nó sẽ tạo thành lớp màng liên tục, chống nước và mồ hôi, hấp thụ các tia UV gây cháy nắng, đồng thời vẫn cho các tia làm rám nắng có bước sóng cao hơn chiếu tới bề mặt da”. Ta có thể thấy lúc này các nhà khoa học chưa có sự phân biệt giữa bức xạ UVB và UVA.
Lối suy nghĩ này bắt đầu dần thay đổi vào những năm 1960. Vào năm 1965, nhà khoa học J. Graham Smith và G. Rolland Finlayson cho biết: “Những thay đổi thường được cho là do lão hóa ở da người (Da trắng) chủ yếu là do tác động của tổn thương da kéo dài và liên tục do ánh nắng Mặt trời”. Một năm sau, một bài báo khác cho biết “kem chống nắng chỉ nên sàng lọc tia bức xạ gây ban đỏ (tia UVB 280 - 315 nm) tới mức bảo vệ da không bị ánh sáng tổn thương, đồng thời không được loại trừ hấp thụ tia bức xạ có tác dụng điều trị và làm rám nắng (tia UVA 315 - 400 nm)!”.
Khoảng năm 1967, các nhà bào chế cố gắng phát triển kem chống nắng chống nước. Đến năm 1976, axit para-aminobenzoic (PABA) và các dẫn xuất là các bộ lọc tia UV được sử dụng nhiều nhất. Vào những năm 1980, người ta thấy rõ chúng có khả năng gây nhạy cảm và có thể chứa hàm lượng nitrosamine (có thể gây ung thư). Vì vậy, PABA và các este của nó gần như bị loại bỏ.
Vào cuối thế kỷ XX, SPF của kem chống nắng đã chuyển sang các giá trị từ 15 đến 30, ngay cả khi một số sản phẩm vẫn ở mức thấp. Thông thường, chúng chỉ được bào chế với vài bộ lọc tia UV, phổ biến nhất là octylmethoxicinnamate bảo vệ da trước tia UVB và avobenzone cho tia UVA. Vì avobenzone không hoàn toàn ổn định với ánh sáng, nên thông thường octyltriazone được thêm vào để tăng độ ổn định với ánh sáng. Lúc này, công nghệ kem chống nắng trở nên tiên tiến hơn, các công ty cho ra mắt sản phẩm dưới dạng xịt và dạng gel.
Quan tâm tới tia UVATiếp xúc với ánh nắng có thể gây hậu quả cấp và mãn tính cho da. UVA (320–400 nm) chiếm tới 95% bức xạ, có thể xuyên qua lớp biểu bì và gây tổn thương ADN gián tiếp, tổn thương da và gây lão hóa. UVB (290–320 nm) gây độc tế bào và đột biến nhiều hơn, tổn thương trực tiếp ADN. Nhưng 95% bức xạ được lọc qua tầng bình lưu. Khi tiếp xúc với lượng bức xạ UV dư thừa, các tế bào có thể trực tiếp chết đi do hoại tử, hoặc nếu DNA bị tổn thương thì có sự tăng sinh tế bào không kiểm soát và các bệnh ung thư sẽ diễn ra.
Vào đầu thế kỷ XXI, người ta thấy rõ bức xạ UVA đóng vai trò quan trọng trong quá trình lão hóa do ánh sáng và ung thư da, do đó, việc phát triển các loại kem chống nắng có khả năng bảo vệ đồng đều trong toàn bộ phạm vi tia UV là điều cần thiết. Các loại kem chống nắng cổ điển vào thời điểm đó ưu tiên bảo vệ da trước tia UVB.
Nguồn: