Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ dự báo sẽ dẫn đến những tác động sâu rộng đối với bối cảnh công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên thế giới.

Trong nhà máy của TSMC. Ảnh: TSMC
Trong nhà máy của TSMC. Ảnh: TSMC

Chủ nghĩa bảo hộ trong phát triển bán dẫn

Theo phân tích của các chuyên gia trên CNBC hôm 7/11, dù từng có những phát ngôn chỉ trích Đạo luật CHIPS liên quan đến cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng nhiều khả năng ông Donald Trump sẽ giữ nguyên Đạo luật CHIPS - một chính sách quan trọng hỗ trợ ngành bán dẫn của Mỹ - và nếu có thay đổi thì cũng chỉ là những điều chỉnh trong việc phân bổ ngân sách. Như vậy, có lẽ cơ bản chính sách bán dẫn của Mỹ không thay đổi so với mục tiêu ban đầu, duy trì vị thế dẫn đầu thế giới về chất bán dẫn.

Đạo luật CHIPS đã đưa ra khoản đầu tư công lên tới hơn 50 tỷ USD cũng như nhiều ưu đãi để thu hút sản xuất chip trong nước, nghiên cứu và phát triển lực lượng lao động phục vụ ngành bán dẫn trong nước và ngăn chuyển giao công nghệ với Trung Quốc.

Cho đến nay, đạo luật này đã thu hút các ông lớn châu Á trong ngành sản xuất chip như Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) và Samsung xây dựng thêm nhà máy tại Mỹ. Hai công ty này đã được hỗ trợ lần lượt 6,6 tỷ USD và 6,4 tỷ USD. Nhà sản xuất hưởng lợi lớn nhất của Đạo luật CHIPS là ông lớn Intel của Mỹ, đã được nhận 8,5 tỷ USD tiền tài trợ.

An toàn thông tin


Một phân tích trên Forbes hôm 18/11 nhận định, Chính quyền Mỹ sẽ đảm nhận một danh mục an ninh mạng ngày càng mở rộng nhằm đối phó với các mối đe dọa kỹ thuật số kể từ khi Cơ quan An ninh mạng và Bảo vệ Cơ sở hạ tầng (CISA) được thành lập cách đây sáu năm dưới nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump. An ninh mạng là một trong số ít các lĩnh vực của Chính phủ Mỹ có sự hỗ trợ và hợp tác mạnh mẽ của hai đảng, và hoạt động của CISA có thể trở nên mạnh mẽ hơn.

Theo phân tích của các chuyên gia, năm lĩnh vực sẽ được CISA ưu tiên chú ý dưới chính quyền mới kể từ năm 2025 gồm 1) Bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ, 2) Ưu tiên hợp tác giữa các cơ quan chính phủ và hợp tác công tư, 3) Xây dựng các chiến lược quản lý rủi ro mạng của chính phủ, 4) Tập trung vào các công nghệ mới nổi và 5) Đảm bảo an ninh mạng cho các hệ thống không gian.

Nởi lỏng các quy định về trí tuệ nhân tạo và dữ liệu

Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới về tiến bộ công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI). Các chính sách mà ông Donald Trump đề xuất chưa có đề cập cụ thể nào về các kế hoạch triển khai hay cung cấp hỗ trợ dựa trên AI nhưng ông Trump không phải là người thích điều chỉnh các công ty AI, ông cho rằng các quy định về quản lý sẽ “cản trở đổi mới sáng tạo AI” và muốn để cho các công ty AI tự thiết lập các giới hạn.

Về dữ liệu cho AI, sáng kiến AI ký năm 2019 dưới nhiệm kỳ đầu của ông Trump chỉ đề cập đến quyền riêng tư theo nghĩa rộng, kêu gọi các công nghệ AI duy trì “quyền tự do dân sự, quyền riêng tư và các giá trị Mỹ” mà không đề cập đến các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư sẽ được thực thi như thế nào. Chính quyền Biden sau đó đã cố gắng đi xa hơn bằng một sắc lệnh hành pháp vào năm 2021, nhưng trên thực tế, Mỹ vẫn đang thiếu luật bảo mật dữ liệu toàn diện ở cấp liên bang. Nói chung, các công ty Mỹ vẫn có quyền tự do khá lớn với dữ liệu người dùng, mặc dù họ phải điều hướng khá phức tạp nếu hoạt động ở các bang có luật riêng của tiểu bang như California.

Dự đoán tác động từ các chủ nghĩa bảo hộ, thúc đẩy sản xuất công nghệ cao trong nước và hạn chế chuyển giao công nghệ tiên tiến như bán dẫn của Mỹ, tờ Reuters đã bình luận là ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc phải chuẩn bị cho bốn năm tới bằng cách tăng cường mua thiết bị sản xuất chip nước ngoài và tìm kiếm thêm nguồn nhân lực là nhân tài nước ngoài và hình thành các liên minh mới.

Trong nhiệm kỳ lần trước, Chính quyền Tổng thống Trump đã đưa một số công ty như Huawei, ZTE, SMIC vào danh sách đen hạn chế quyền tiếp cận phần cứng và phần mềm quan trọng của Mỹ. Trong nhiệm kỳ sau đó, Chính quyền Biden dựa vào các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, nhằm ngăn cản các công ty Trung Quốc tiếp cận các loại chip tiên tiến nhất do các công ty Mỹ sản xuất.

Các biện pháp hạn chế xuất khẩu chip nhiều khả năng vẫn là công cụ chính trong chiến lược AI của Mỹ với Trung Quốc và một số nước liên quan. Các công ty công nghệ Trung Quốc, vốn bị ảnh hưởng bởi thuế quan trong chính quyền Tổng thống Trump lần thứ nhất, đã dần mở rộng năng lực sản xuất của mình để giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Ngay tuần trước, Nikkei Asia đưa tin các công ty Trung Quốc đang gấp rút tích trữ các loại chip tiên tiến từ Hàn Quốc và các nguồn khác trước nhiệm kỳ của ông Donald Trump vào đầu năm sau.

Trước các xu hướng này, chưa rõ các chính sách KH&CN, công nghiệp dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ tác động như thế nào đến các nước như Việt Nam. Một bài bình luận trên tờ Reuters đề cập Việt Nam có thể hưởng lợi từ căng thẳng thương mại và chính sách Mỹ hạn chế các công ty công nghệ Trung Quốc nhưng cũng vẫn “nước đôi”.

Chủ nghĩa bảo hộ có thể đẩy nhanh dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các thị trường khác, và Việt Nam có khả năng vẫn là điểm đến của các công ty chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên cơ hội cụ thể như thế nào sẽ phụ thuộc vào phạm vi và mục tiêu cụ thể của những thay đổi chính sách cụ thể. Chẳng hạn, chưa rõ liệu Chính quyền của Tổng thống Trump có sẵn sàng cho phép chuyển giao các công nghệ tiên tiến như phần cứng AI/chip AI vào Việt Nam để hình thành các trung tâm dữ liệu mạnh hay không.

Nguồn: Reuters, Nikkei Asia,
CNBC, Forbes

Bài đăng KH&PT số 1320 (số 48/2024)