Các nhà nghiên cứu Hà Lan đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng để đánh giá tính an toàn, tác dụng phụ và hiệu quả của việc tạo miễn dịch sốt rét thông qua vết muỗi đốt truyền ký sinh trùng sốt rét đã được biến đổi gen để giảm độc lực.
Hình minh họa. Nguồn: Pixabay/CC0 Public Domain
Trên toàn cầu, sốt rét vẫn là một thách thức y tế lớn, với hơn 200 triệu ca bệnh mỗi năm và gần nửa triệu ca tử vong, chủ yếu tại khu vực hạ Sahara thuộc châu Phi và một phần châu Á, Mỹ Latinh. Trong khi đó, nỗ lực xóa sổ sốt rét đang chững lại. Các vaccine sốt rét hiện tại chỉ cung cấp khả năng bảo vệ ngắn hạn ở mức vừa phải.
Trong bối cảnh đó, tạo miễn dịch bằng ký sinh trùng sốt rét P. falciparumđã được làm giảm độc lực nổi lên như một chiến lược thay thế tiềm năng.
Trong nghiên cứu được công bố trên New England Journal of Medicine, các nhà nghiên cứu Trung tâm Y tế Đại học Leiden và Trung tâm Y tế Đại học Radboud đã thực hiện thử nghiệm lâm sàng đối chứng mù đôi để đánh giá tính an toàn, tác dụng phụ, và hiệu quả của việc tạo miễn dịch qua vết muỗi đốt truyền ký sinh trùng P. falciparum đã được chỉnh sửa gen (GA2).
GA2 cho phép ký sinh trùng phát triển sâu hơn trong tế bào gan, giúp hệ miễn dịch tiếp xúc với nhiều loại kháng nguyên hơn. Sự phơi nhiễm kéo dài này được giả định sẽ tăng cường khả năng nhận biết và chống lại ký sinh trùng của hệ miễn dịch thông qua các phản ứng miễn dịch toàn diện hơn.
Trong thử nghiệm, người tham gia là những người trưởng thành, bao gồm cả nam và nữ, khỏe mạnh, chưa từng bị sốt rét trước đây được chọn ngẫu nhiên để nhận “tiêm chủng” qua các vết muỗi đốt truyền ký sinh trùng GA2, GA1 (một loại ký sinh trùng khác), hoặc nhận giả dược (bị đốt bởi muỗi không mang ký sinh trùng nào). Tổng cộng có tất cả 25 người tham gia, với 10 người nhận GA2, 10 người nhận GA1 và 5 người nhận giả dược.
Mỗi người trải qua ba lần “tiêm chủng” cách nhau 28 ngày, mỗi lần tiếp xúc với 50 con muỗi mang ký sinh trùng tương ứng hoặc muỗi không mang ký sinh trùng nào trong trường hợp giả dược. Ba tuần sau lần tiếp xúc cuối cùng, tất cả những người tham gia được phơi nhiễm có kiểm soát với năm vết muỗi đốt truyền ký sinh trùng sốt rét chưa giảm độc lực để đánh giá hiệu quả bảo vệ.
Kết quả cho thấy, GA2 đạt hiệu quả bảo vệ 89%, với 8/9 người trong nhóm này không bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét trong máu, so với 13% ở nhóm GA1. Nhóm nhận giả dược cho hiệu quả 0%. Thời gian trung bình để phát hiện ký sinh trùng sốt rét trong máu là 12 ngày với nhóm giả dược và 11 ngày với nhóm GA1.
Phân tích miễn dịch cho thấy những người nhận GA2 có nhiều tế bào T CD4+, tế bào đa chức năng đặc hiệu chống lại ký sinh trùng sốt rét, hơn so với nhóm GA1. Nghiên cứu kết luận rằng GA2 tạo ra hiệu quả miễn dịch tích cực và hiệu quả bảo vệ đáng kể chống lại nhiễm sốt rét, đủ để tiếp tục thử nghiệm ở các quần thể lớn hơn và đa dạng hơn.
Nguồn: