Từ việc bãi bỏ các chính sách về khí hậu đến việc lật ngược hướng dẫn về phát triển an toàn trí tuệ nhân tạo, những lời hứa Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống có thể ảnh hưởng đến các nhà khoa học và chính sách khoa học.

Tổng thống Trump ưu tiên các chính sách phát triển kinh tế, phủ nhận biến đổi khí hậu. Ảnh: Tổng thống Trump vào năm 2016, tay cầm biển “Trump digs coal” trước những người ủng hộ ông. Ảnh: Getty Image
Tổng thống Trump ưu tiên các chính sách phát triển kinh tế, phủ nhận biến đổi khí hậu. Ảnh: Tổng thống Trump vào năm 2016, tay cầm biển “Trump digs coal” trước những người ủng hộ ông. Ảnh: Getty Image

Theo bình luận của các nhà khoa học, qua nhiều bài báo trên Tạp chí Nature, việc thực hiện những lời hứa của ông sẽ không hoàn toàn dễ dàng.

Trí tuệ nhân tạo

Tổng thống Donald Trump, vốn người thân thiết với khối công nghiệp, đã hứa sẽ bãi bỏ sắc lệnh hành pháp toàn diện của Tổng thống tiền nhiệm Joe Biden về việc đưa ra hướng dẫn phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), một cách an toàn và có trách nhiệm. Tổng thống Trump đã cho rằng quy định này gây “cản trở đổi mới sáng tạo AI”. Nhưng ông sẽ thay đổi “sự cản trở” này như thế nào?

“Trọng tâm sẽ chuyển khỏi môi trường quản lý” và hướng tới các công ty công nghệ tự đưa ra quyết định tự nguyện về vấn đề an toàn. Đó là dự đoán của Suresh Venkatasubramanian, giám đốc Trung tâm Trách nhiệm Công nghệ, Tái sáng tạo và Thiết kế lại tại Đại học Brown ở Providence, Rhode Island về chính sách của ông Trumph, và ông “hoài nghi” rằng điều đó sẽ đủ để giải quyết các rủi ro liên quan đến AI đối với an toàn công cộng, các mối quan ngại về quyền riêng tư dữ liệu và việc sử dụng các thuật toán thiên kiến gây bất lợi cho một số nhóm trong xã hội.

Sắc lệnh của Tổng thống Biden nhấn mạnh đến yêu cầu đảm bảo các mô hình AI được đào tạo trên dữ liệu có nguồn gốc từ con người không đưa ra kết quả phân biệt đối xử. Venkatasubramanian cho biết trọng tâm đó có lẽ cũng sẽ không phải là ưu tiên hàng đầu của chính quyền mới.

Theo Roman Yampolskiy, một nhà khoa học máy tính và nhà nghiên cứu về an toàn AI tại Đại học Louisville ở Kentucky, “xóa bỏ các quy định xung quanh việc đào tạo các hệ thống AI tiên tiến là điều tồi tệ nhất có thể ảnh hưởng đến an toàn của người dân Mỹ và thế giới”.

Biến đổi khí hậu


Nhiều nỗ lực của Mỹ về khí hậu có khả năng sẽ bị đình trệ hoặc đi ngược lại xu hướng của chính quyền tiền nhiệm. Tổng thống Trump là người từ lâu phủ nhận những nguy cơ của biến đổi khí hậu trong khi ưu tiên những lợi ích kinh tế của việc thúc đẩy sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong nước. Mặc dù vậy, các chuyên gia chính sách năng lượng cho rằng cũng khó có thể ngăn chặn sự chuyển dịch dần dần của Mỹ sang năng lượng sạch.

Ví dụ, sẽ không dễ để hủy bỏ thành tựu khí hậu dưới thời của Tổng thống Biden, với Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) năm 2022, đem lại một loạt các khoản đầu tư liên bang, hiện ước tính hơn một nghìn tỷ đôla vào khí hậu và năng lượng sạch, dự kiến ​​sẽ kéo dài đến khoảng năm 2032. Việc bãi bỏ luật đó sẽ đòi hỏi một đạo luật của Quốc hội Mỹ. Nhưng ngay cả khi Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát cả hai viện quốc hội, các doanh nghiệp và nhà lãnh đạo ở các tiểu bang bảo thủ của Mỹ vốn đã được hưởng lợi từ các khoản đầu tư của IRA có thể sẽ không muốn cắt đứt dòng tiền liên bang, Joanna Lewis, người đứng đầu Chương trình Khoa học, Công nghệ và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Georgetown ở Washington DC, bình luận.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump có thể có tác động lớn hơn - và tiêu cực hơn - đến tiến trình khí hậu nếu ông có các quyết định làm giảm vài trò của các quy định về khí hậu áp dụng những lĩnh vực cụ thể như nhà máy điện và ô tô. Tương tự như vậy, lời hứa áp dụng thuế quan mới đối với hàng hóa từ các quốc gia như Trung Quốc và Mexico của ông thực sự có thể làm tăng chi phí cho các công nghệ năng lượng sạch, David Victor, một nhà khoa học chính trị tại Đại học California, San Diego cho biết.

Tổng thống cũng đã hứa sẽ - một lần nữa - rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris năm 2015, trong đó các quốc gia thành viên cam kết cùng nhau thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5–2 °C so với mức trước thời kỳ công nghiệp. Lần trước, trong nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ nhất của ông, vào 2020 nước Mỹ đã rời khỏi thỏa thuận lần trước và sau đó Tổng thống Biden đã tái gia nhập thỏa thuận ngay sau khi nhậm chức vài tháng sau đó.

Nhiều nhà nghiên cứu chính sách khí hậu cho biết việc Mỹ - quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới - không tham gia Thỏa thuận trên có thể làm giảm áp lực buộc Trung Quốc và các quốc gia khác phải thúc đẩy nỗ lực hạn chế khí thải khi thời gian đang không còn nhiều.

Hợp tác khoa học

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, chính quyền của ông đã cấm các nhà khoa học từ nhiều quốc gia mà họ cho là “liên quan tới khủng bố” nhập cảnh vào Mỹ và thực hiện một chương trình chống gián điệp có tên là Sáng kiến ​​Trung Quốc dẫn đến việc bắt giữ một số nhà khoa học gốc Hoa. Mặc dù chính quyền Biden đã hủy bỏ lệnh cấm đi lại và chấm dứt Sáng kiến ​​Trung Quốc, các nhà quản lý liên bang vẫn tiếp tục nỗ lực bảo vệ chống lại các nguy cơ nhằm vào các nghiên cứu của Mỹ.

Jennifer Steele, một nhà nghiên cứu chính sách giáo dục đại học, ở Washington DC, cho biết, chính quyền mới có thể sẽ siết chặt việc cấp thị thực cho các nhà nghiên cứu và sinh viên nước ngoài từ một số quốc gia. Caroline Wagner, chuyên gia về khoa học, công nghệ và các vấn đề quốc tế tại Đại học bang Ohio ở Columbus, cho biết các chính sách siết chặt này khiến các nhà nghiên cứu quốc tế và các nhà khoa học Mỹ khó gặp nhau hơn cũng sẽ khiến các hợp tác khoa học mới khó nảy sinh hơn. Vì các quan hệ đối tác như vậy được thúc đẩy thông qua tiếp xúc trực tiếp. Bà cho biết: “Các hoạt động hợp tác không bắt đầu bằng việc mọi người chỉ gửi email cho nhau”.

Nhưng cũng có thể có một điểm sáng về mặt hợp tác khoa học, ít nhất là đối với quan hệ đối tác Mỹ - Trung. Denis Simon, thành viên không thường trú tại Viện Quincy về Chính sách Nhà nước Có trách nhiệm, một nhóm nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Washington DC, cho rằng một hiệp ước quan trọng chi phối hợp tác khoa học Mỹ - Trung Quốc đã hết hạn trong năm qua có khả năng sẽ được chính quyền Biden ký kết trước lễ nhậm chức lần thứ hai của Trump vào tháng một tới đây. Mặc dù một thỏa thuận được gia hạn có thể sẽ bị hạn chế hơn do căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng sự tồn tại của nó sẽ cho thấy rằng “cả hai chính phủ đều chấp thuận” cho các hoạt động hợp tác, Simon cho biết.

Nguồn: Nature
doi: https://doi.org/10.1038/d41586-024-03667-w

Bài đăng KH&PT số 1318 (số 46/2024)