Ngày càng nhiều công ty sử dụng trí tuệ nhân tạo để giúp các nước Đông Nam Á như Thái Lan và Việt Nam hạn chế tác động của các thảm họa thiên tai.

Một người đàn ông đi qua khu chợ ngập nước ở ngoại ô Bangkok vào tháng 11 năm 2021. Các quốc gia châu Á đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi các mối nguy hiểm liên quan đến thời tiết. © Reuters
Một người đàn ông đi qua khu chợ ngập nước ở ngoại ô Bangkok vào tháng 11/2021. Ảnh: Reuters

Năm 2021, tại Thái Lan, trận lũ quét bất ngờ đã tàn phá nhà cửa và gây ra những thiệt hại nặng nề. Một nhà máy điện tử tại khu công nghiệp Bangpoo của nước này sau đó đã quyết định đăng ký dịch vụ dự báo thí điểm do Weathernews, công ty thời tiết lớn của Nhật Bản, phát triển. Dịch vụ ra mắt vào tháng 2 này, giúp các nhà máy ở các khu vực ngoài Bangkok theo dõi khả năng thay đổi thời tiết đột ngột trong khoảng thời gian ba giờ.

Cục Khí tượng Thái Lan thường chỉ cung cấp dự báo hằng ngày theo khu vực. Trong khi đó Weathernews sử dụng AI để thu thập và phân tích dữ liệu để dự báo tình hình thời tiết tại những cộng đồng hoặc vùng địa lý nhỏ theo thời gian thực. Nó cảnh báo khách hàng về các trận động đất và lũ lụt có thể xảy ra, từ đó họ có thể kịp thời dựng rào chắn hoặc di chuyển thiết bị để tránh thiệt hại.

Weathernews cũng phối hợp với chính quyền địa phương để lắp đặt radar của mình. Điều này dự kiến ​​sẽ giúp nâng cao độ chính xác cho các dự báo ở Thái Lan của công ty ngang bằng với ở Nhật Bản.

Công ty có kế hoạch ra mắt phiên bản dự báo hoàn thiện hơn ở Thái Lan vào đầu tháng 3 và ở Việt Nam vào tháng 6. Weathernews cho biết họ là công ty đầu tiên cung cấp dịch vụ như vậy ở châu Á.

Phần lớn khách hàng nước ngoài của công ty là các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần như nhà điều hành hãng hàng không và công ty vận chuyển. Công ty đang lên kế hoạch thu hút 500 khách hàng bao gồm các nhà sản xuất điện tử và thiết bị liên quan đến xe hơi, từ đó mở rộng tổng doanh thu hằng năm ở Thái Lan và Việt Nam lên 3 tỷ yên (22,6 triệu USD). Chủ tịch Chihito Kusabiraki chia sẻ rằng Weathernews mong muốn doanh thu từ nước ngoài sẽ chiếm 70% đến 80% tổng doanh thu, tăng khoảng 40% so với hiện nay.

f
Dữ liệu thời tiết Weathernews cung cấp cho hãng hàng không Thai Airways. Ảnh: Weathernews

Những tiến bộ có phần chậm chạp trong công tác quản lý, kết hợp với mật độ dân số dày đặc, đã khiến các quốc gia châu Á dễ bị thiệt hại nặng nề trước thiên tai. Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á, 76% số nạn nhân của các thảm họa thiên tai sống ở các nước châu Á đang phát triển. Các nước này cũng gánh chịu 25% thiệt hại về tài chính do thiên tai gây ra trên toàn cầu trong giai đoạn 2010-2020.

Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết các rủi ro liên quan đến thời tiết và nước đã gây ra thiệt hại 35,6 tỷ USD ở châu Á trong năm 2021. Philippines được xếp hạng là quốc gia dễ bị thiên tai nhất vào năm 2021 theo Chỉ số Rủi ro Thế giới hằng năm, do hiệp hội các nhóm viện trợ của Đức tổng hợp. Nhiều quốc gia châu Á khác cũng được xếp vào nhóm có rủi ro rất cao.

Một số công ty khởi nghiệp đang hoạt động trong các mảng liên quan đến thời tiết ở châu Á. Atmo có trụ sở tại California đã ký một thỏa thuận với chính quyền Indonesia để xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm lũ quét và lốc xoáy. Họ đồng thời cũng đang đàm phán với chính quyền các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.

Spectee có trụ sở tại Tokyo có kế hoạch sử dụng AI để phân tích ảnh và các bình luận trên mạng xã hội để định vị các thảm họa tự nhiên ở Philippines. Công ty đã bắt đầu khảo sát tính khả thi của ý tưởng vào năm ngoái và sẽ thành lập một đơn vị địa phương sau khi tìm được đối tác phù hợp. Spectee, được thành lập vào năm 2011, cung cấp các dịch vụ tương tự cho 700 khách hàng ở Nhật Bản, bao gồm các công ty và chính quyền thành phố.

“Các nước châu Á đang tụt hậu trong việc tạo ra các hệ thống cảnh báo thảm họa, vì vậy đây là cơ hội lớn cho các dịch vụ dựa trên đám mây”, Satoshi Negoro, giám đốc điều hành của Spectee, nói.

Công ty Ninecosmos của Trung Quốc - ra mắt vào năm 2018 - đã sử dụng AI để tư vấn cho các công ty vận tải hàng hóa như COSCO Shipping về các tuyến đường di chuyển tối ưu dựa trên điều kiện thời tiết. Công ty này còn phát triển một dịch vụ dự báo ô nhiễm không khí.

Mặc dù các dịch vụ kể trên đã phổ biến ở những nền kinh tế phát triển, nhưng chúng lại không phù hợp với túi tiền của các công ty và chính phủ ở các nước đang phát triển tại châu Á. Việc xây dựng các dịch vụ phù hợp với nhu cầu địa phương sẽ là chìa khóa thành công của các startup trong lĩnh vực này.

Nguồn: