Nút thắt khi làm tác phẩm phái sinh
Nếu một doanh nghiệp thuê người lao động viết một phần mềm, liệu sau khi kết thúc hợp đồng, chấm dứt quan hệ lao động, doanh nghiệp có quyền tùy ý sửa chữa phần mềm đó hay không? Nhiều người có thể thấy câu hỏi này hơi “ngớ ngẩn”, vì câu trả lời đương nhiên phải là “có”. Tuy nhiên, ít ai biết rằng trước khi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi mới nhất có hiệu lực vào năm 2022, điều tưởng chừng hiển nhiên này lại không dễ thực hiện.
Bởi theo quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, chương trình máy tính được bảo hộ theo quyền tác giả. Với những tác phẩm có cùng chủ sở hữu và tác giả - chẳng hạn một người tự viết một phần mềm của riêng mình, sẽ chẳng có vướng mắc về quyền tác giả. Nhưng với các trường hợp chủ sở hữu tác phẩm và tác giả là hai đối tượng khác nhau, tiêu biểu là phần mềm - thường do một doanh nghiệp thuê nhiều người lao động thực hiện, câu chuyện bản quyền sẽ phức tạp hơn nhiều.
Cụ thể, khi doanh nghiệp đặt hàng, thuê người lao động viết một chương trình phần mềm, doanh nghiệp sẽ là chủ sở hữu phần mềm đó, nắm các quyền tài sản. Tác giả sẽ có các quyền nhân thân vĩnh viễn như đứng tên, đặt tên, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm - “không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.
Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của tác giả, song cũng dẫn đến vướng mắc lớn trong việc cải tiến, chỉnh sửa tác phẩm, đặc biệt là đối với chương trình máy tính - vốn thường xuyên phải cập nhật, nâng cấp. Các công ty thường thuê kỹ sư viết phần mềm, nếu không có thỏa thuận trước, doanh nghiệp khó có thể nâng cấp hay chỉnh sửa phần mềm nếu không có sự đồng ý của tác giả (các kỹ sư phần mềm).
Do vậy, việc tháo gỡ rào cản này trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã nhận được sự hoan nghênh của nhiều người. Theo nội dung mới được bổ sung, tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả đối với chương trình máy tính có quyền thỏa thuận bằng văn bản với nhau về việc sửa chữa, nâng cấp chương trình máy tính. Thực ra điều khoản này đã có trong các nghị định trước đây. Việc nâng quy định trên thành luật là “điều rất hợp lý và đáp ứng nhu cầu thực tiễn”, luật sư Lê Quang Vinh, Giám đốc Công ty Sở hữu trí tuệ Bross & Partners, nhận xét.
Tuy nhiên, ngoài chương trình máy tính, các đối tượng khác của quyền tác giả vẫn chưa được “cởi trói”. “Tôi nghĩ quan điểm này rất hợp lý nhưng tại sao không mở rộng sang các đối tượng khác cũng rất hay tranh chấp”, luật sư Lê Quang Vinh bày tỏ trong hội thảo về sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2021. “Nhiều trường hợp tác giả đã hết sạch quyền tài sản rồi nhưng vẫn có thể sử dụng quyền nhân thân để ngăn cản chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện điều đó”.
Hiện nay, nếu muốn sửa chữa tác phẩm, hay làm tác phẩm phái sinh (ví dụ như tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể…), chủ sở hữu tác phẩm phải được tác giả chấp thuận. Và tất nhiên, điều này không được gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Tuy nhiên, việc “có/không gây phương hại” là một ranh giới khá mơ hồ, do vậy, quy định này sẽ dễ dàng trở thành “vũ khí” để tác giả chống lại chủ sở hữu tác phẩm khi hai bên có mâu thuẫn.
Trong thực tế, không ít trường hợp tranh chấp quyền tác giả ở Việt Nam xoay quanh chủ đề này. Từ vụ kiện có độ dài kỷ lục hơn 12 năm về bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt” cho đến các tác phẩm sân khấu như vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” giữa Công ty Tuần Châu Hà Nội và đạo diễn Việt Tú. Trong vụ “Thần đồng Đất Việt”, một trong những yêu cầu trong đơn khởi kiện của họa sĩ Lê Linh là buộc Công ty Phan Thị chấm dứt việc tự tạo ra và sử dụng các biến thể của bốn hình tượng nhân vật trên các tập tiếp theo của “Thần đồng Đất Việt” và các ấn phẩm khác. Cuối cùng, phần thắng thuộc về họa sĩ Lê Linh, bởi tòa cho rằng việc Công ty Phan Thị thay đổi hình thức thể hiện gốc của bốn nhân vật trong bộ truyện để phù hợp với cốt truyện, bối cảnh và nội dung của từng tập truyện từ tập 79 trở đi cũng như với bộ truyện tranh Thần đồng Đất Việt khoa học và Thần đồng Đất Việt mỹ thuật là hoạt động làm tác phẩm phái sinh có sửa chữa bản gốc nhưng không có thỏa thuận với họa sĩ Lê Linh.
Cẩn trọng khi giao kết hợp đồng
Những tranh chấp xoay quanh quyền tác giả của người đặt hàng - chủ sở hữu tác phẩm với người làm thuê - tác giả, thực chất bắt nguồn từ xung đột nội sinh giữa quyền tài sản và quyền nhân thân. Quy định về bảo hộ quyền tác giả ở Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ hệ thống pháp luật châu Âu lục địa, coi tác giả là trung tâm và bảo hộ cả quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả, khác với hệ thống pháp luật Anh - Mỹ, tập trung bảo vệ quyền lợi kinh tế của chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, việc bảo hộ quá chặt chẽ quyền nhân thân không cho phép chuyển giao có thể ảnh hưởng đến việc chỉnh sửa, cải tiến tác phẩm, không có lợi về mặt kinh tế. “Nếu bất kỳ trường hợp nào làm tác phẩm phái sinh đều phải xin phép thì sẽ cản trở việc sáng tạo cũng như tiếp cận và sử dụng tác phẩm của công chúng”, PGS.TS Vũ Thị Hải Yến, Phó Trưởng khoa Pháp luật dân sự, trường Đại học Luật Hà Nội, nhận xét trong một hội thảo vào năm 2019.
Sự mâu thuẫn này không chỉ dẫn đến nhiều vụ tranh chấp ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, nhiều quốc gia cũng phải đối mặt với những trường hợp “dở khóc dở cười”. Đơn cử như vụ kiện về quyền tác giả liên quan đến tác phẩm 60 con ngỗng ở Canada. Năm 1979, trung tâm thương mại Eaton Centre ở Canada đã thuê nhà điêu khắc Snow để tạo ra tác phẩm lắp đặt có tên “Flight Stop” gồm 60 con ngỗng đang bay. Năm 1982, Eaton Centre trang trí 60 dải ruy băng màu đỏ quàng lên cổ của 60 con ngỗng mà không hỏi ý kiến của Snow, dẫn đến việc Snow khiếu nại, cho rằng điều này “làm mất đi sự hài hòa trong sáng tác tự nhiên của mình,làm thay đổi tính chất và mục đích cơ bản của tác phẩm, và cuối cùng ảnh hưởng đến danh tiếng nghệ thuật của mình”. Sau đó, phần thắng thuộc về Snow, và Eaton Centre buộc phải gỡ các dải ruy băng.
Để giải quyết xung đột giữa quyền tài sản và quyền nhân thân, một số quốc gia đã xóa luôn quyền nhân thân của tác giả. Chẳng hạn như Mỹ đưa ra cơ chế “works made for hire” (tác phẩm được thuê làm). Theo đó, nếu là “tác phẩm được thuê làm” thì chỉ người sử dụng lao động (có thể là cá nhân hoặc tổ chức) mới được xem là tác giả dù việc sáng tạo ra tác phẩm đó chỉ do người lao động thực hiện. “Hiểu một các đơn giản hơn theo luật bản quyền của Mỹ, nếu bạn đang làm thuê cho một cá nhân hoặc tổ chức bằng hợp đồng lao động thì mọi thứ sáng tạo trí tuệ mà bạn tạo ra, nếu thuộc phạm vi công việc của hợp đồng lao động, như bài viết, bản nhạc, bản ghi hình, ghi âm, bức tranh, bài báo, hoặc các sáng tạo trí tuệ khác đều tự động thuộc quyền sở hữu của ông bà chủ của bạn chứ không thuộc về bạn ngay từ thời điểm bạn tạo ra nó”, luật sư Lê Quang Vinh giải thích trong một bài viết trên trang web của Công ty Sở hữu trí tuệ Bross & Partners.
Tuy nhiên, ở Việt Nam không có quy định về “tác phẩm được thuê làm”. Hiện nay, quyền nêu tên và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm ở Việt Nam vẫn không thể chuyển giao. Như vậy, chủ đầu tư/người sử dụng lao động/bên nhận chuyển nhượng quyền tác giả luôn có rủi ro bị kiện xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, khi tác giả lạm dụng quyền nhân thân khởi kiện họ với lý do làm tác phẩm phái sinh có sửa chữa bản gốc.
Việc cẩn trọng khi kết giao hợp đồng là yếu tố cần thiết góp phần hạn chế nguy cơ tranh chấp giữa tác giả và chủ sở hữu tác phẩm. “Nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi ký kết hợp đồng thầu khoán với cá nhân, tổ chức về việc sáng tác một tác phẩm nào đó thường ngộ nhận rằng vì pháp luật quy định tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm thì họ có quyền thụ hưởng toàn bộ bản quyền đối với tác phẩm đó do họ là chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm đó. Điều này dẫn tới các doanh nghiệp này tin rằng bất kỳ một cá nhân nào đó thuộc doanh nghiệp của mình đều có thể đứng tên làm tác giả thay vì tác giả đích thực”, luật sư Lê Quang Vinh nhận xét. “Ngộ nhận về cái gọi là ‘tác phẩm được thuê làm’ có thể dẫn tới nhiều rủi ro pháp lý. Một trong những rủi ro pháp lý đáng quan ngại nhất là khả năng tác giả đích thực có thể khởi kiện xâm phạm quyền nhân thân, chẳng hạn như xâm phạm quyền đặt tên tác phẩm hoặc xâm phạm quyền nêu tên vì việc không nêu tên tác giả thật đối với tác phẩm là trái với quy định của pháp luật Việt Nam”.