Các nhà nghiên cứu cho biết, về lâu dài, đứng nhiều hơn không cải thiện sức khỏe tim mạch và còn có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tuần hoàn như giãn tĩnh mạch và huyết khối tĩnh mạch sâu.

Vài năm trở lại đây, những người muốn bù đắp tác hại của việc ngồi cả ngày trước máy tính, TV hoặc vô lăng đặt kỳ vọng vào giải pháp đứng làm việc. Các bàn làm việc đứng trở thành lựa chọn phổ biến trong giới nhân viên văn phòng. Trong các ngành khác như bán lẻ, người lao động có thể chọn đứng làm việc thay vì ngồi.

Nhưng nghiên cứu mới đây của Đại học Sydney trên tạp chí International Journal of Epidemiology cho thấy đứng nhiều không bù đắp được lối sống ít vận động và có thể gây ra nguy cơ cho sức khỏe của hệ tuần hoàn.

Đứng làm việc không mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như nhiều người vẫn tin tưởng. Nguồn: hoaphatmiennam.vn

Theo đó, nghiên cứu chỉ ra, về lâu dài, đứng nhiều hơn so với ngồi không giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và còn có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến đứng nhiều như giãn tĩnh mạch và huyết khối tĩnh mạch sâu. Cụ thể, đứng trên 2 giờ mỗi ngày thì nguy cơ mắc các bệnh tuần hoàn do tư thế tăng trung bình 11% sau mỗi 30 phút. Tuy nhiên đứng nhiều không liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch (bệnh tim mạch vành, đột quỵ và suy tim).

Đồng thời, nghiên cứu phát hiện ngồi trên 10 tiếng một ngày làm tăng cả nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và các bệnh tuần hoàn do tư thế. Cụ thể, nếu ngồi trên 10 giờ/ngày, nguy cơ mắc các bệnh tuần hoàn do tư thế và các bệnh tim mạch tăng trung bình lần lượt là 26% và 15% với mỗi giờ sau đó.

Mặc dù không phát hiện lợi ích sức khỏe nào từ việc đứng nhiều hơn, song các nhà nghiên cứu cảnh báo chúng ta không nên ngồi một chỗ trong thời gian dài, khuyến nghị những người thường xuyên ít vận động hoặc tự thấy mình ngồi quá lâu nên lên lịch vận động cho cả ngày. Chẳng hạn, họ có thể nghỉ giải lao nhiều hơn để đi bộ lòng vòng, lên xuống cầu thang, rời xa bàn làm việc và vận động vào giờ nghỉ trưa, hoặc dừng nghỉ thường xuyên khi lái xe đường dài...

Trước đó, TS Matthew Ahmadi, tác giả chính của nghiên cứu, đã công bố một nghiên cứu khác cho thấy sáu phút tập mạnh hoặc 30 phút vận động từ vừa phải đến mạnh mỗi ngày có thể giúp làm giảm nguy cơ bệnh tim ngay cả ở những người ngồi một chỗ lâu hơn 11 tiếng mỗi ngày.

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu về tình trạng tim mạch và bệnh về tuần hoàn do Biobank thu thập từ 83.013 người lớn ở Anh trong bảy đến tám năm bằng thiết bị đeo tay tương tự đồng hồ thông minh. Nghiên cứu không thu thập dữ liệu về việc sử dụng bàn làm việc đứng; thay vào đó, nó đo lường tác động của việc đứng nhiều hơn đối với tim mạch và hệ tuần hoàn.

Nguồn:


Đăng số 1315( số43/2024) KH&PT