Đây là khoản đầu tư nối tiếp vòng gọi vốn trước đó vào tháng Ba, nâng tổng số vốn mà Kamereo từng gọi được từ trước tới nay lên mốc 10 triệu USD.
Cung ứng thực phẩm là ngành phức tạp, đòi hỏi quy trình quản lý gắt gao để bảo quản độ tươi ngon và an toàn trong suốt chuỗi cung ứng. Việc đảm bảo quy trình này diễn ra suôn sẻ luôn là một vấn đề nan giải vì có quá nhiều biến số xoay quanh chất lượng sản phẩm, độ đúng giờ, và cân đối chi phí vận hành.
Ra đời vào năm 2018 tại TPHCM,
Kamereo trước đây là nền tảng thương mại điện tử B2B dành cho nhà hàng, giúp họ quản lý đơn hàng cũng như thống kê chi tiêu dễ dàng hơn. Các doanh nghiệp F&B sử dụng nền tảng này để đặt hàng từ nhiều nông dân. Kamereo xử lý các cuộc đàm phán với nhà cung cấp, xử lý và quản lý đơn hàng. Công ty vận hành kho hàng riêng và mạng lưới giao hàng chặng cuối vì nó rẻ hơn so với làm việc với các nhà cung cấp bên thứ ba.
Sau này, Kamereo có thêm một mảng hoạt động khác, đó là trực tiếp trở thành nhà cung cấp thực phẩm với mục đích giải quyết những vấn đề trong chuỗi cung ứng không hiệu quả.
Kamereo bắt đầu bằng việc liên kết và thu thập nông sản tươi sạch từ các nông trại tại Đà Lạt, sau đó xây dựng kho hàng tổng tại Đà Lạt. Với sự tăng trưởng về quy mô, Kamereo mở rộng liên kết với các nông trại khu vực Củ Chi, Miền Tây và sở hữu cho riêng mình một nông trại đạt chuẩn VietGAP có diện tích lên đến 100.000m2.
Người sáng lập Kamereo là Taku Tanaka, từng đảm nhiệm cương vị giám đốc vận hành của chuỗi Pizza nổi tiếng 4P’s ở Việt Nam.
Như rất nhiều startup khác, Kamereo đã gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn Covid-19, khi các nhà hàng, quán ăn, trường học v.v phải đóng cửa phục vụ công tác chống dịch. Để sinh tồn, họ phải mở thêm mảng bán lẻ thực phẩm B2C - không phải lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.
Năm 2019, Kamereo có 120 tài khoản nhà cung cấp và gần 200 tài khoản đối tác đăng ký trên nền tảng. Hiện tại, theo tiết lộ của Taku tại hội nghị Food Forum 2024 vào tháng 10, họ đã có hơn 3.000 khách hàng hoạt động thường xuyên và tệp khách hàng của họ mở rộng ra các chuỗi siêu thị, trường học, bệnh viện, nhà máy và canteen…
Tuy nhiên, sau hơn 5 năm hoạt động ở Việt Nam, họ vẫn chưa thể mở rộng quy mô ra thị trường miền Bắc. Hiện công ty vẫn hoạt động chủ yếu ở thị trường TPHCM và Bình Dương. Nhưng Kamereo đã bắt đầu thuê kho bãi và tìm nhân sự để mở chi nhánh ở Hà Nội vào tháng tới.
Kamereo đã trải qua nhiều lần gọi vốn. Vì nhà đồng sáng lập là người Nhật nên startup này nhận được nhiều sự hậu thuẫn của các quỹ đầu tư lẫn các nhà đầu tư thiên thần đến từ quê hương kể từ khi thành lập đến nay.
Vào tháng 12/2018, chỉ sau nửa năm thành lập, họ đã nhận được 500.000 USD từ quỹ đầu tư Genesia Ventures (Nhật Bản) và quỹ đầu tư Velocity Ventures (Singapore) ở vòng hạt giống.
Vào tháng 7/2021, Kamereo tiếp tục huy động thành công 4,6 triệu USD ở vòng Series A từ Tập đoàn CPF (Singapore), quỹ Quest Ventures (Trung Quốc) và quỹ Genesia Ventures (Nhật Bản).
Đầu năm nay, vào tháng Ba, Kamereo huy động được khoảng 2,1 triệu USD ở vòng Pre-Series B do công ty Reazon Holdings (Nhật Bản) dẫn đầu, với sự tham gia của quỹ Quest Ventures (Trung Quốc) và cá nhân ông Thoru Yamamoto, giám đốc điều hành công ty cung ứng hải sản FOODISON (Nhật Bản).
Mới đây, vào giữa tháng 11, Kamereo tuyên bố hoàn tất vòng gọi vốn Series B trị giá 2,8 triệu USD từ tập đoàn Sumitomo Corporation của Nhật Bản.
Con số này nâng tổng số vốn mà Kamereo từng gọi được từ trước tới nay lên mốc 10 triệu USD.
Số vốn này sẽ được sử dụng để tuyển dụng, xây dựng hệ thống quản lý kho mới, và mở rộng ra Hà Nội.
Đăng số 1319 (số 47/2024) KH&PT