Nghiên cứu mới của các nhà khoa học ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy xu hướng giảm lượng mưa có mối tương quan với tốc độ đô thị hóa.
Đô thị hóa giúp tập trung dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo ra nhiều việc làm mới… Nhưng đô thị hóa cũng đem đến nhiều thách thức, đặc biệt về vấn đề môi trường.
Một số nghiên cứu trước đây cho thấy, việc mở rộng các đô thị và chuyển đổi mục đích sử dụng đất dẫn đến thay đổi các đặc tính vật lý của bề mặt đô thị và ảnh hưởng đến lượng mưa tại vùng đó. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ chế tác động của quá trình đô thị hóa lên lượng mưa tại một vùng vẫn chưa được nghiên cứu.
Do đó, một nhóm các nhà khoa học ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã nghiên cứu nhằm xác định mối liên hệ giữa mức độ tăng trưởng dân số trong quá trình đô thị hóa với lượng mưa - khía cạnh chưa được nghiên cứu nhiều trên thế giới.
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu về dân cư từ năm 2008 đến năm 2018, dữ liệu đất đai từ 20 vùng của 11 tỉnh/thành phố (Bình Phước, Đắk Nông, Hà Giang, Hà Nội, Lâm Đồng, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thái Nguyên, và Vĩnh Phúc) theo Niên giám thống kê. Dữ liệu khí hậu của các vùng này được thu thập từ Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu. Các đô thị của 11 tỉnh/thành phố trong nghiên cứu bao phủ cả ba vùng Bắc - Trung - Nam.
Các vùng trong nghiên cứu. Ảnh: nghiên cứu được công bố
Nghiên cứu tiếp tục phân loại các vùng trong nghiên cứu thành các nhóm vùng nông thôn, đô thị nhỏ, đô thị vừa và đô thị lớn dựa trên dữ liệu dân cư năm 2018. Kết quả cho thấy, dân số ở các vùng đều tăng theo thời gian và dẫn đến những sự thay đổi trong sử dụng đất. Diện tích đất xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nhà ở… tăng nhanh khiến diện tích cây xanh và bề mặt nước như ao, hồ ngày càng thu hẹp. Tất cả những yếu tố này góp phần thay đổi nhiệt độ và lượng mưa. Cụ thể, lượng mưa ở các vùng nông thôn, đô thị nhỏ, đô thị vừa giảm lần lượt 27 mm, 6mm và 2mm/10 năm với mỗi lần tăng dân số 1.000 người.
Kết quả của nghiên cứu làm tăng thêm độ tin cậy cho quan điểm rằng đô thị hóa góp phần tác động đến xu hướng của lượng mưa.
Diễm Quỳnh