Tại Quận 12 (TPHCM), việc triển khai phần mềm ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám để quản lý thông tin nhà ở, tài nguyên môi trường và trật tự đô thị đã giúp phát hiện các trường hợp xây dựng trái phép với độ chính xác 99%.

Tại sự kiện kết nối ý tưởng với chủ đề "Phần mềm quản lý thông tin nhà ở và trật tự đô thị xây dựng" do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TPHCM (CESTI) tổ chức ngày 20/11, ông Nguyễn Hữu Nhật, Giám đốc Công ty công nghệ iGeo, cho biết, với mật độ dân số đông, thành phần dân cư đa dạng, công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn Quận 12 gặp nhiều khó khăn. Việc phát hiện công trình xây dựng không phép do đội ngũ cán bộ, công chức địa chính xây dựng quận, phường và thanh tra xây dựng đi tuần tra, kiểm tra. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này của Quận còn tương đối mỏng.

Bên cạnh đó, do mật độ xây dựng dày đặc, công trình sát nhau nên ảnh vệ tinh với độ phân giải trong khoảng 30 - 35 cm không đáp ứng yêu cầu quản lý trật tự xây dựng. Trước thực tế đó, theo đề xuất của UBND Quận 12, nhóm nghiên cứu của iGeo đã triển khai dự án ứng dụng công nghệ hệ thống thông tin địa lý GIS, máy bay không người lái UAV, và trí tuệ nhân tạo phục vụ công tác quản lý, giám sát trật tự xây dựng đô thị.

n
Phát hiện công trình xây dựng có biến động nhờ công nghệ GIS. Ảnh: NNC

Cụ thể, nhóm đã sử dụng UAV chụp toàn Quận 12 với độ phân giải cao để xây dựng bản đồ không ảnh, xây dựng cơ sở dữ liệu GIS. Ngoài ra, dữ liệu GIS còn được xây dựng từ các nền dữ liệu về địa hình, thửa đất, công trình xây dựng, quy hoạch, số nhà... do các cơ quan chức năng địa phương cung cấp. Theo nhóm nghiên cứu, trước đây, chủ công trình xây dựng có thể che giấu công trình xây dựng trái phép bằng cách che bạt, quây tôn, nhưng giờ đây, công nghệ GIS có thể giúp phát hiện hành vi này.

Dữ liệu được cập nhật lên phần mềm quản mã nguồn mở, với các chức năng như quản lý dữ liệu bản đồ, xác định tình trạng biến động công trình xây dựng, phân quyền, thống kê, báo cáo, tìm kiếm thông tin,… Phần mềm cho phép tìm kiếm vị trí công trình xây dựng, thửa đất; xác định tình trạng công trình biến động (kể cả khi độ cao công trình chỉ thay đổi 0,5m); cập nhật dữ liệu về tình trạng sạt lở, lấn chiếm kênh rạch/vỉa hè; cập nhật thông tin giấy phép xây dựng, quản lý cây xanh,…

Trong hai năm triển khai tại Quận 12, phần mềm cho độ chính xác 99% trong việc phát hiện các trường hợp xây dựng trái phép. Sắp tới, Quận sẽ hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép xây dựng trên nền tảng GIS, thay vì thực hiện thủ công. Đồng thời, Quận còn phát triển mở rộng ứng dụng như phân tích thống kê không gian, khoanh vùng và phân cấp mức độ xây dựng trái phép, theo dõi biến động theo lịch sử,…

X
Xây dựng kho dữ liệu số nhà

Cũng theo đặt hàng của UBND Quận 12, Giám đốc Công ty Cổ phần UTC2 thuộc Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM đã thực hiện điều chỉnh số nhà trên địa bàn Quận. Theo TS Ngô Châu Phương, thành viên nhóm nghiên cứu, việc đánh số nhà tại Quận 12 chưa phù hợp do sự không đồng bộ giữa các đơn vị công an, điện, nước… Mỗi đơn vị cấp số nhà theo một quy tắc khác nhau, dẫn tới trên một tuyến đường có nhiều kiểu số nhà.

Nhóm thực hiện tạo kho số nhà dựa trên quy định tách thửa tối đa được bao nhiêu mét trên mặt tiền. Đối với nhà mặt tiền rộng, nhóm tạo trước hai-ba số nhà, tùy thửa tách. Đối với đường chưa có tên, lấy theo quy hoạch khu vực để giảm số sẹc (ngách). Kho dữ liệu số nhà này đã giúp rút ngắn thời gian cấp số nhà do có thể cấp tự động, cán bộ phường/xã không phải xuống tận nơi xem nhà được chia tách như thế nào.

Ông Võ Ngọc Hải, Phó Giám đốc CESTI, cho biết, Trung tâm có thể hỗ trợ, kết nối các nhà cung cấp và cơ quan quản lý có nhu cầu để chuyển giao các phần mềm, công nghệ GIS phục vụ ứng dụng thực tế.

Bài đăng KH&PT số 1320 (số 48/2024)