Trong cuốn sách mới nhất của mình, Peter Frankopan chỉ ra, bất chấp công nghệ phát triển đến mức độ tinh vi nào đi nữa thì vị trí bấp bênh của nhân loại trước các thảm họa tự nhiên vẫn không đổi.

Tác giả Peter Frankopan (1971) hiện là giáo sư lịch sử toàn cầu tại ĐH Worcester, Oxford. Nguồn: INT
Tác giả Peter Frankopan (1971) hiện là giáo sư lịch sử toàn cầu tại ĐH Worcester, Oxford. Nguồn: INT

Peter Frankopan có lẽ không còn là một cái tên xa lạ với độc giả Việt Nam qua hàng loạt cuốn sách: Cuộc thập tự chinh thứ nhất - tiếng gọi từ phương Đông (The First Crusade: The Call from the East, 2012); Những con đường tơ lụa: Một lịch sử mới về thế giới (The Silk Roads: A New History of the World, 2015); Con đường tơ lụa mới - Hiện tại và tương lai của thế giới (The New Silk Roads: The Present and Future of the World, 2018). Gần đây, công trình mới nhất của ông, Trái đất chuyển mình: Một lịch sử chưa kể về nhân loại (The Earth Transformed: An Untold History, 2023) cũng đã được xuất bản tại Việt Nam, đem đến cơ hội không thể bỏ qua đối với những độc giả muốn tiếp cận những nghiên cứu mới về lịch sử nhân loại và tương tác giữa nhân loại với môi trường sống.

Một điều chắc chắn rằng, nghiên cứu lịch sử sinh thái nói chung, hay nghiên cứu mối quan hệ-tương tác giữa nhân loại và môi trường tự nhiên nói riêng đang gần như trở thành một khuynh hướng nghiên cứu quan trọng hiện nay. Biến đổi khí hậu và nhu cầu phát triển bền vững dường như đã thúc đẩy khuynh hướng này. Các nhà nghiên cứu mong muốn tìm hiểu về quá khứ, nhằm chỉ ra những thế hệ đi trước đã thích ứng như thế nào trước những biến động của môi trường và khí hậu. Điển hình như Jared Diamond - tác giả nổi tiếng với bộ ba: Súng, Vi trùng và Thép; Sụp đổ; và Thế giới cho đến ngày hôm qua - đã cho thấy định mệnh của các xã hội loài người gắn chặt với môi trường tự nhiên; do đó bất cứ sự khai thác quá đà hay không tuân theo quy luật tự nhiên nào đều đồng nghĩa với sự lụi tàn và sụp đổ của những xã hội văn minh nhất. Hay tính quy định của địa lý đối với các xã hội và sự phát triển của nền văn minh, như Robert Kaplan với Sự minh định của địa lý. Trái ngược với cách tiếp cận theo một số ví dụ cụ thể của Diamond hay Kaplan; Frankopan trình bày cuốn sách của mình theo hình thức phổ biến của ông, “một lịch sử trường kỳ” hay đại sử.

Tuy nhiên, bản thân Peter Frankopan cũng chia sẻ một câu hỏi tương tự như Jared Diamond. Nếu như Diamond mở đầu cuốn sách bằng câu hỏi của những thổ dân New Guinea về sức mạnh của người da trắng, thì đến Frankopan, ông tự hỏi “vì sao chúng ta dường như đi đến bờ vực nơi tương lai của loài chúng ta - cũng như tương lai của một phần lớn động thực vật - đang bị đe dọa” (tr. 8).

Như đã nói, nghiên cứu của Peter Frankopan hướng đến việc phác họa lại lịch sử nhân loại trên cơ sở những tương tác của con người với thế giới tự nhiên từ buổi bình minh đến nay; để từ đó đánh giá lại quá trình khai thác, cải tạo tự nhiên của loài người. Đây quả thực là một tham vọng lớn, nhất là khi ông cố gắng “hòa nhập lịch sử nhân loại với cả lịch sử tự nhiên” trong hàng thiên niên kỷ. Nó cũng có nghĩa là, tác giả muốn xác minh vai trò của thiên nhiên trong việc định hình lịch sử và trở thành một trong những đại diện quan trọng của lịch sử văn minh nhân loại. Để đạt được mục tiêu nghiên cứu đó, Frankopan đưa ra ba nhiệm vụ trọng tâm mà cuốn sách cần giải quyết:

(1) Đưa khí hậu vào câu chuyện của quá khứ như một chủ đề cơ sở, mang tính cốt yếu nhưng thường xuyên bị bỏ qua trong lịch sử toàn cầu.

(2) Trình bày câu chuyện về tác động của con người với thế giới tự nhiên qua nhiều thiên niên kỷ và xem xét cách thức chúng ta khai thác, nhào nặn và uốn nắn môi trường theo ý chí của mình, cả tốt lẫn xấu.

(3) Mở rộng tầm nhìn về lịch sử, nghiên cứu cả những không gian từng ít được quan tâm bởi chủ nghĩa dĩ Âu vi trungĐông phương luận.

Nhìn chung, cuốn sách dày 916 trang với 24 chương (chưa kể hơn 200 trang chú thích được tác giả đăng tải lên mạng để độc giả dễ tra cứu) đã hoàn thành những nhiệm vụ trọng tâm mà tác giả đặt ra. Trừ hai chương đầu tính từ buổi sơ khai của Trái đất cho đến những dấu vết đầu tiên của những xã hội nông nghiệp, 22 chương sau đó đưa người đọc đi qua 14.000 năm lịch sử nhân loại khá chi tiết. Ít hay nhiều, hầu hết mọi khu vực trên thế giới, mọi chế độ hay nhà nước từng tồn tại trong lịch sử đều được tác giả đề cập. Chúng ta lướt qua các loài vượn nhân hình từng tồn tại với Homo Sapien, để đến các nền văn minh cổ xưa tại Cận Đông và Ấn Độ; sự trỗi dậy của các đế chế La Mã, Trung Hoa, cho đến những đế chế hậu Mông Cổ như Mughal, Ottoman hay Safavid; các chế độ tiền Colombo ở Tân Thế giới cho đến những đế chế thực dân và cuối cùng là thời đại hiện nay. Những nhà nước tại Đông Nam Á như Đại Việt hay Angkor cũng được đề cập. Có thể nói, cuốn sách là một công trình đồ sộ về dung lượng thông tin.

Các đế chế, các nền văn minh trong lịch sử nhân loại - theo Frankopan - trỗi dậy và sụp đổ bởi nhiều tác động qua lại giữa con người và tự nhiên. Hiển nhiên, khí hậu không hoàn toàn là yếu tố tác động cốt lõi nhưng chúng đóng vai trò quan trọng trong quá trình gây áp lực lên những hệ thống xã hội mà từ đó những thể chế đã hình thành hay biến mất.

Trên thực tế, sự thích ứng của con người đối với môi trường sống cũng tạo ra áp lực cho chính xã hội. Mất mùa, động đất, lũ lụt, hạn hán, v.v. gần như được xem là chiếc đinh cuối cùng đóng lên quan tài của một thể chế - một biện minh mà tư tưởng chính trị Trung Hoa truyền thống coi đó là sự đánh mất thiên mệnh của một triều đại vốn đã bị kéo căng bởi các áp lực dân số, kinh tế, khả năng tập quyền cao độ và bộ máy quan chức suy thoái. Tất nhiên, các nhà nước - dù yếu kém đến đâu - cũng không ngồi im để phó mặc số phận mình cho thiên nhiên. Các nỗ lực cải tạo môi trường, chung sống với tình thế, cho đến cứu trợ nạn dân,... đều được tiến hành cho đến khi hệ thống không còn đủ khả năng duy trì nữa. Và sau đó, một triều đại sụp đổ để một triều đại khác trỗi dậy - một vòng tuần hoàn tiếp tục. Môi trường hay sinh thái chỉ đơn giản làm chậm hoặc thúc đẩy quá trình đó.

Cuốn sách của Peter Frankopan đúc kết những bài học mà nhân loại không được phép lãng quên. Nguồn: Omega+
Cuốn sách của Peter Frankopan đúc kết những bài học mà nhân loại không được phép lãng quên. Nguồn: Omega+

Một giá trị khác của Trái đất chuyển mình chính là Peter Frankopan đã ít nhiều đúc kết những bài học mà nhân loại không được phép lãng quên. Cuốn sách đã thể hiện rất tốt về tầm quan trọng của các kiểu khí hậu, môi trường và thời tiết đối với tiến trình lịch sử nhân loại. Chắc chắn, trong suốt chiều dài lịch sử, nhân loại - đặc biệt đời sống xã hội tiền công nghiệp - luôn nhạy cảm trước các biến động của thời cuộc thiên nhiên. Điều này càng trở nên rõ nét trong các xã hội nguyên thủy, du mục, săn bắt, hái lượm. Ngay cả tại các xã hội nông nghiệp, thiên nhiên luôn đóng một vai trò quan trọng trong sự hưng thịnh hay lụi tàn của các cộng đồng dân cư. Thiên nhiên quá ưu đãi hay hào phóng chỉ dẫn đến con người phát triển như một đứa trẻ không gặp bất cứ thách thức nào đáng kể để trưởng thành. Tuy nhiên, thiên nhiên quá khắc nghiệt so với khả năng chịu đựng của đa số nhân loại sẽ khiến cho không một cộng đồng dân cư đáng kể nào phát triển được. Nhưng ngay cả trong những môi trường thuận lợi nhất cho sự phát triển của các xã hội loài người, khai thác quá mức tự nhiên sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chính họ. Đây chính là bài học mà Peter Frankopan hay các học giả đi trước đã đúc kết.

Không chỉ vậy, cuốn sách của Frankopan cho thấy bất chấp công nghệ phát triển đến mức độ tinh vi nào đi nữa thì vị trí bấp bênh của nhân loại trước các thảm họa tự nhiên vẫn không đổi. Tác giả thậm chí còn cảnh báo, chỉ cần một thảm họa tự nhiên lớn - mà có thể đã bị lãng quên trong trí nhớ ngắn hạn của con người - cũng đủ biến nhân loại thành đối tượng tiếp theo khủng long bước vào tro bụi. Frankopan không ngần ngại cho rằng nhân loại sẽ tự đưa mình đến sự tuyệt chủng. Thời tiết khắc nghiệt chỉ góp một phần nhỏ; còn sự khai thác, cải tạo và bóc lột tự nhiên quá mức mới là đại họa cho nhân loại. Sự lụi tàn của các thành phố Maya trong thời Cổ điển là minh chứng rõ nét.

Ngay cả khi công nghệ hiện đại có thể cứu vãn nhân loại thì điều đó cũng đi kèm với hệ luỵ đắt giá. Từ buổi hồng hoang, mỗi bước phát triển của công nghệ kỹ thuật đều mang đến những thảm họa môi trường và sinh thái tiếp theo ngay sau đó. Nền nông nghiệp đã giúp con người sống sót qua những thiếu thốn của một xã hội công xã nguyên thủy và nền kinh tế săn bắt hái lượm cách đây 10.000 năm. Kết quả, nhân loại trải qua các giai đoạn suy dinh dưỡng, sự thiếu hụt chất đạm động vật, các đợt dịch bệnh, thiên tai, cho đến chiến tranh gia tăng để tranh giành không gian sinh tồn trong các xã hội tiền công nghiệp. Quá trình công nghiệp hóa đưa xã hội đến thời kỳ đầy đủ hơn, nhưng kéo theo ô nhiễm môi trường, đầu độc bầu khí quyển cho đến gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Cách mạng Xanh đã cứu hàng triệu người khỏi nạn đói nhưng lại gây trở ngại cho Trái đất và khiến nông dân bị bần cùng hóa. v.v. Kết quả, cuộc tranh giành giữa mục tiêu phát triển và duy trì sự bền vững sinh thái luôn là câu hỏi trăn trở của giới chính khách. Cuốn sách của Frankopan đã cho thấy một thực tế đầy mỉa mai và mâu thuẫn như vậy.

Tất nhiên, bất cứ cuốn sách nào đều có những vấn đề cần trao đổi và cả những hạn chế không thể tránh khỏi - nhất là với một cuốn sách có dung lượng đồ sộ như Trái đất chuyển mình.

Đầu tiên, Peter Frankopan đưa ra luận điểm cơ bản là môi trường, khí hậu ảnh hưởng quan trọng đến lịch sử nhân loại. Thay vì trình bày và đánh giá các lập luận khác nhau hay phân tích các trường hợp cụ thể, tác giả trên thực tế trình bày lại toàn bộ lịch sử nhân loại rồi liên hệ với môi trường, khí hậu khi có liên quan. Chắc chắn, Frankopan có khả năng tổng hợp thông tin và kiến thức xuất sắc nhưng vô hình trung, đó lại là hạn chế đầu tiên của cuốn sách. Một lượng lớn thông tin có thể khiến độc giả choáng ngợp, nhưng độ rộng này đồng nghĩa với việc thiếu đi chiều sâu nội dung, phân tích sâu sắc lẫn lập luận thuyết phục, xác đáng.

Thứ hai, dường như Trái đất chuyển mình cũng không thoát được hạn chế trong Những con đường tơ lụa: Một lịch sử mới về thế giới, khi tác giả cố gắng đi chệch so với hướng nghiên cứu chính của mình quá xa. Chúng ta có thể nhớ lại rằng, Peter Frankopan là một chuyên gia về lịch sử Byzantine-Đông La Mã; và nỗ lực kéo dài các cuốn sách của ông sau năm 1500 cho thấy những hạn chế về chuyên môn của ông. Kết quả, thay vì đưa ra một số ví dụ có thể chứng minh cho quan điểm của mình, tác giả diễn tả hàng loạt các sự kiện như một chuỗi dài bất tận. Từ chương XX trở đi, cuốn sách dường như chỉ là một bản kê lan man về mọi vấn đề nhân loại với lịch sử sinh thái, cùng nhiều nhận định thiếu chuyên nghiệp và tiểu tiết.

Không thể phủ nhận cuốn sách của Peter Frankopan là một nỗ lực nhằm cung cấp cái nhìn tổng quát về lịch sử nhân loại và những tương tác của nhân loại với môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, phải chăng tác giả đã đặt ra tham vọng quá lớn trong cuốn sách? Xét về dung lượng nội dung, chắc chắn Trái đất chuyển mình đã vượt tầm một cuốn sách khoa học thường thức nhưng lại thiếu đi tầm vóc của một chuyên khảo thực sự. Khối lượng kiến thức đồ sộ mà tác giả cung cấp cũng là một cản trở rất lớn cho những độc giả phổ thông kỳ vọng một trải nghiệm đọc sách dễ chịu.