Sống khép kín đôi khi là biểu hiện của một đứa trẻ hướng nội nhưng cũng có thể cảnh báo vấn đề nghiêm trọng hơn, ví dụ như chứng lo âu xã hội.

Đằng sau sự khép kín của trẻ có các nguyên nhân khác nhau và không phải nguyên nhân nào cũng đáng lo. Ảnh minh họa: nationalsocialanxietycenter.com
Đằng sau sự khép kín của trẻ có các nguyên nhân khác nhau và không phải nguyên nhân nào cũng đáng lo. Ảnh minh họa: nationalsocialanxietycenter.com

Một đứa trẻ được coi là khép kín khi có ít bạn, không thường xuyên ra ngoài, ngại tham gia các hoạt động tập thể, thích ở một mình, dành nhiều thời gian cho các sở thích cá nhân (như chơi game, lướt mạng xã hội, đọc sách/truyện). Trong nhận định của nhiều bố mẹ, trẻ khép kín, đặc biệt nếu đang độ tuổi vị thành niên, là một điều bất thường. Tuy nhiên, đằng sau sự khép kín này có các nguyên nhân khác nhau và không phải nguyên nhân nào cũng đáng lo ngại.

Đầu tiên, một đứa trẻ khép kín có thể do đang bị thu hút bởi một hoạt động/thú vui nào đó. Độ tuổi vị thành niên là lúc trẻ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “tôi là ai” và cố gắng định hình bản sắc của mình. Để định hình bản sắc, trẻ cần tìm ra một mối quan tâm nào đó cho bản thân. Chưa kể, thời điểm này, não bộ của trẻ chưa hoàn thiện. Cụ thể, hệ thống phần thưởng thúc đẩy các hành vi thỏa mãn nhu cầu phát triển trước phần não kiểm soát, khiến trẻ dễ chìm đắm vào những hoạt động đem tới sự kích thích, hưng phấn cho trẻ mà quên đi các công việc, nhiệm vụ khác.

Tiếp theo, sự khép kín có thể đến từ đặc điểm nhân cách của trẻ. Một đứa trẻ hướng nội, tức là có xu hướng cảm thấy thoải mái hơn khi tập trung vào những suy nghĩ của bản thân, sẽ ít cởi mở giao tiếp hơn những đứa trẻ hướng ngoại. Đứa trẻ hướng nội có thể có đầy đủ kỹ năng xã hội, song việc tiếp xúc với nhiều người làm chúng không hứng thú hoặc mệt mỏi. Trẻ hướng nội “sạc” năng lượng bằng cách hướng vào bên trong và thường thích dành thời gian với một – hai người thân thiết.

Một nguyên nhân khác khiến trẻ khép kín là thiếu kỹ năng xã hội. Trẻ có thể không biết cách làm quen, nói chuyện với người khác nên chọn cách tránh né để không bị xấu hổ.

Với ba nguyên nhân trên, bố mẹ không cần quá lo lắng bởi nhìn chung, trẻ không gặp khó khăn nghiêm trọng mà chỉ cần một chút hỗ trợ. Ví dụ, trẻ đang bị thu hút bởi một hoạt động nào đó cần được hướng dẫn cách sắp xếp công việc và phân bổ thời gian hợp lý; trẻ hướng nội cần một khoảng thời gian “hồi sức” sau các cuộc giao lưu còn trẻ thiếu kỹ năng cần được người lớn làm mẫu.

Tuy nhiên, còn một nguyên nhân khiến trẻ khép kín đòi hỏi sự quan tâm từ bố mẹ, đó là nỗi sợ. Thực tế, nhiều đứa khép kín do đã trải qua một sự kiện gây sang chấn nào đó, ví dụ như đi lạc/bị lạc mất bố mẹ, người thân hoặc bị bạo lực học đường, từ đó sợ hãi giao tiếp. Một số biểu hiện của một đứa trẻ từng trải qua sự kiện gây sang chấn dẫn đến khép kín bao gồm sự thu mình đột ngột (dù trước đây thích ra ngoài và kết bạn), thay đổi về giấc ngủ và ăn uống (ngủ quá ít hoặc quá nhiều, ăn uống quá ít hoặc quá nhiều), thay đổi về cảm xúc (hay cáu giận hoặc buồn bã), mất kết nối với những sở thích trước kia, kết quả học tập giảm sút, cố gắng né tránh các tình huống đòi hỏi ra ngoài/giao tiếp với người khác và trở nên căng thẳng quá độ nếu phải tham gia các tình huống này.

Nỗi sợ kéo dài có thể trở thành rối loạn lo âu xã hội (Social Anxiety Disorder). Lúc này, trẻ sẽ né tránh các tiếp xúc đến mức gây ảnh hưởng đến cuộc sống. Ví dụ, trẻ kiên quyết từ chối thuyết trình trước lớp dù biết nếu không làm sẽ bị điểm kém hoặc trẻ không chịu ra siêu thị mua đồ ăn dù biết không đi sẽ bị đói.

Để giúp con cởi mở hơn, sự thấu hiểu từ bố mẹ là rất quan trọng. Khi thấy con có xu hướng khép kín, bố mẹ đừng vội phán xét, trách mắng con mà hãy tôn trọng cảm xúc của trẻ và dành thời gian hỏi chuyện, xem có thật trẻ không có bạn hoặc ngại ra ngoài giao tiếp không, nếu thực sự gặp khó khăn thì cụ thể điều gì gây trở ngại và liệu nguyên nhân nào ẩn đằng sau.

Bên cạnh đó, bố mẹ có thể hỗ trợ con bằng cách tập dượt, làm quen trước với các tình huống đòi hỏi trẻ phải ra ngoài giao tiếp. Ví dụ, nếu trẻ phải tham gia một buổi tụ họp đại gia đình, hãy giới thiệu trước cho con về các thành viên sẽ có mặt hôm đó. Hoặc nếu trẻ sắp phải thuyết trình trước lớp, hãy cùng tập nói với con.

Trong phần tập dượt, lập kế hoạch ứng phó là một điều cần thiết, đặc biệt với những trẻ có nỗi sợ giao tiếp hoặc rối loạn lo âu xã hội. Để làm điều này, bố mẹ hãy cùng trẻ xác định các dấu hiệu cảnh báo căng thẳng (ví dụ đỏ mặt, đổ mồ hôi tay, thở gấp) và cách xử lý căng thẳng (ví dụ gọi bố mẹ, báo cô giáo, hít thở sâu). Tốt nhất, khi đã xây dựng được kế hoạch ứng phó, bố mẹ nên gợi ý trẻ viết ra giấy và đọc lại hằng ngày để trẻ ghi nhớ.

Trường hợp trẻ không sẵn sàng chia sẻ với bố mẹ hoặc phụ huynh nhận thấy các dấu hiệu ngày càng trầm trọng, nên cân nhắc đưa trẻ đi tìm sự hỗ trợ chuyên nghiệp bởi những nỗi sợ không được giải quyết sẽ để lại hậu quả lâu dài.