Nicholas Ostler đã trình bày toàn bộ diễn trình lịch sử văn minh nhân loại bằng cách tiếp cận quá trình bành trướng của các nhóm ngôn ngữ cơ bản và có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất.

Thông thường, khi nhắc đến đế chế và lịch sử của các đế chế, các tác giả đều tiếp cận chủ yếu trên các khía cạnh chính trị, quá trình hình thành phát triển cũng như suy sụp của chính thể đó. Cách tiếp cận truyền thống này đã được Nicholas Ostler thay thế trong công trình của mình, Empires of the Word: A Language History of the World (2005).

Các đế chế trong lịch sử không chỉ đơn giản là một thực thể chính trị, mà còn là biểu trưng của trí tuệ ngôn ngữ. Đây dường như là một cách tiếp cận thú vị, cung cấp nhiều thông tin quý giá hơn việc chỉ tập trung vào các quân vương và đội quân chinh phạt. Nicholas Ostler coi ngôn ngữ là sợi dây ràng buộc con người và hình thành nên tâm trí và xã hội. Để từ đó, khi xem xét sự thăng trầm của các đế chế, cuốn sách cho thấy dòng chảy và sức mạnh của ngôn ngữ, diễn ngôn bên cạnh dòng chảy chính trị hay dân tộc. Bản dịch tiếng Việt mới đây (2023) của cuốn sách, với tựa đề Các đế chế ngôn từ - lịch sử dưới góc nhìn ngôn ngữ, do đó là cơ hội để độc giả Việt Nam tiếp cận các nghiên cứu lịch sử từ nhiều khía cạnh khác nhau.

Nguồn: INT
Nguồn: INT

Mặc dù cuốn sách có tựa đề Empires of the Word: A Language History of the World, nhưng trên thực tế, Nicholas Ostler đã trình bày toàn bộ diễn trình lịch sử văn minh nhân loại bằng cách tiếp cận quá trình bành trướng của các nhóm ngôn ngữ cơ bản và có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất.

Chắc chắn, đây là một nỗ lực lớn của tác giả khi cố gắng cô đọng hàng nghìn năm lịch sử văn minh trong một cuốn sách chưa đầy 700 trang. Tác giả không trình bày dàn trải mọi ngôn ngữ trên thế giới bởi điều này là không thể - khi có tới hàng nghìn ngôn ngữ khác nhau đã và đang tồn tại. Thay vào đó, ông tập trung vào 20 ngôn ngữ hàng đầu được sử dụng phổ biến đến ngày nay, như một danh sách thành công bền vững nhất của các ngôn ngữ. Cách này chúng tôi đánh giá là sự lựa chọn hợp lý và vừa sức, phù hợp với phạm vi và dung lượng của cuốn sách.

Nếu như các nghiên cứu ngôn ngữ học truyền thống thường tiếp cận qua nghiên cứu cấu trúc và sự tiến hóa của các ngôn ngữ thì Ostler tập trung hoàn toàn vào lịch sử của chúng - nghĩa là tìm hiểu quá trình hình thành, phổ biến và suy tàn của chúng như một quy luật lịch sử tất yếu. Với tác giả, lịch sử của một ngôn ngữ cũng chính là lịch sử của các nền văn hóa và văn minh khai sinh ra cũng như sử dụng nó. Đó là nguyên nhân vì sao ông tập trung vào những ngôn ngữ đã từng hoặc vẫn nắm giữ sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn cầu, bao gồm các ngôn ngữ cổ Lưỡng Hà, Ba Tư, Ả Rập, Ai Cập cho đến ngôn ngữ Hán, Phạn, Hy Lạp, Latin và tiếng Anh.

Để củng cố góc nhìn ngôn ngữ đóng một vai trò trung tâm trong lịch sử nhân loại, Ostler cấu trúc cuốn sách thành các chương theo tiến trình tịnh tiến của lịch sử. Thoạt nhìn, tưởng chừng như các chương của Empires of the Word được chia theo quan điểm khu vực học vì tác giả gói những nhóm ngôn ngữ khác nhau theo vị trí địa lý: Chúng ta nói về các ngôn ngữ chung của khu vực Tây Á, Đông Bắc Phi, Trung Hoa, Ấn Độ cho đến sự phát triển của ngôn ngữ Hy Lạp-La Mã; trước khi các đoàn tàu buồm vượt đại dương mang theo các ngôn ngữ châu Âu đến Tân Thế giới và ngược lại. Nhưng trên thực tế, các chương được cấu trúc theo trình tự phát triển văn minh nhân loại. Phần I được sử dụng như lý thuyết luận về ngôn ngữ và diễn giải cách làm thế nào để có thể xác định đâu là một ngôn ngữ quốc tế. Bắt đầu từ Phần II, III và IV, đó là cấu trúc theo lịch sử văn minh nhân loại từ thuở bình minh đến trước năm 1500, sau năm 1500 và cuối cùng là giai đoạn hiện nay.

Kết thúc cuốn sách, Ostler đánh giá và đưa ra một số dự đoán về sự phát triển của nhiều ngôn ngữ trong tương lai. Nhìn chung, quan điểm của tác giả dành cho chúng đều khá nghiệt ngã. Ngay cả những ngôn ngữ đang được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới như tiếng Hán và tiếng Anh, ông cũng đưa ra lời cảnh báo rằng điều này rất có thể sẽ bị đảo ngược, đó chỉ là vấn đề về thời gian và phụ thuộc vào khả năng duy trì các lợi thế khi sử dụng những ngôn ngữ này, cũng như khả năng tiếp nhận và kế thừa bởi một dân số áp đảo.

Xuyên suốt cuốn sách, Nicholas Ostler luôn nhấn mạnh thật sai lầm khi cho rằng việc các đế chế được thiết lập luôn song hành với các gánh nặng về phổ biến ngôn ngữ của thế lực thống trị. Trên thực tế, nhiều thế lực chinh phục đã nhanh chóng tiếp thu ngôn ngữ của kẻ bị chinh phục, dẫn đến tình trạng đảo ngược ngôn ngữ chỉ sau vài thế hệ. Các đạo quân chinh phạt dù có thể thúc đẩy việc truyền bá ngôn ngữ của kẻ thống trị và xâm lược, nhưng điều quan trọng giúp một ngôn ngữ có thể được tiếp nhận lâu dài lại ở khía cạnh đời thường hơn. Một ngoại ngữ hay ngôn ngữ thường chỉ tồn tại khi có một cộng đồng sử dụng nó thường xuyên. Trong đó, vai trò của gia đình, nhất là phụ nữ được đặc biệt đề cao vì họ có trách nhiệm giáo dục con cái bằng ngôn ngữ của mình.

Tác giả cũng chỉ ra không có một “mô hình” duy nhất nào lý giải sự trỗi dậy và suy tàn của những ngôn ngữ lớn. Trái lại, có rất nhiều nỗ lực khái quát hóa và mô hình hóa được đưa ra như cách giải thích cho tính đa dạng và biến động của lịch sử ngôn ngữ. Các ngôn ngữ của người Ai Cập, Lưỡng Hà và thậm chí là Maya đã hình thành và phát triển theo diễn trình lịch sử, để rồi lụi tàn và trở thành tử ngữ khi không còn được các thế lực đời sau tiếp nhận và sử dụng. Trong khi đó, ở trường hợp tiếng Hán, Ba Tư hay Ả Rập, trình độ phát triển văn minh đã khiến cho những ngôn ngữ này luôn duy trì và ảnh hưởng đến cả những thế lực chinh phục được chúng. Chả mấy chốc, những thế lực đã từng khống chế Trung Nguyên hay Tây Á dần quên đi ngôn ngữ của chính mình, để rồi tiếp thu và bảo vệ ngôn ngữ của những kẻ mà họ đã chinh phục. Thậm chí, trong một số trường hợp, một tử ngữ có thể được hồi sinh và trở thành ngôn ngữ chính ở một quốc gia hiện đại như tiếng Hebrew của Israel.

Cuốn sách của Ostler cho thấy rằng tri thức đọc viết (literacy) và lưu trữ thông tin văn bản là một vũ khí văn hóa mạnh mẽ bởi nó cho phép một nền văn hóa có được ý thức về chính mình xuyên không gian và thời gian. Một nền văn minh có chữ viết có thể giúp tiếp nhận nhiều thông tin và kiến thức hơn những gì mà một bộ óc có thể tiếp nhận, và lưu trữ chúng ngay cả khi tâm trí mất đi. Trên hết, nó giúp thống nhất, tổ chức và quản lý xã hội dễ dàng và ưu việt hơn những xã hội không có tri thức đọc viết. Những ghi chép trên các tấm đất sét của người Sumer và Akkad là những minh chứng rõ ràng nhất: Bất chấp thiên tai, binh hỏa tao loạn suốt lịch sử của vùng Tây Á, ngay cả khi nền văn minh khai sinh ra chúng sụp đổ và biến mất khỏi dòng chảy lịch sử, thì chúng vẫn được bảo tồn đến hiện nay, ngay cả khi các thư viện bảo quản chúng bị đốt phá và cướp bóc.

Ostler cũng đưa ra bốn lý do chính lý giải vì sao mà ngay cả khi các đế chế thực dân hiện đại thoái trào, sụp đổ và rút lui khỏi hệ thống thuộc địa nó từng xác lập, thì những ngôn ngữ của các đế quốc cũ vẫn tiếp tục được duy trì tại các quốc gia độc lập. Đầu tiên, tác giả cho rằng đó là dựa vào việc sử dụng tiếng bồi (creole) pha trộn bởi một cộng đồng nhất định, được sinh ra do sự tiếp xúc của hai hay nhiều ngôn ngữ khác của những cá thể trong cộng đồng ấy. Thứ hai, trong một số trường hợp, là sự hoài niệm và tiếp nối những ưu điểm đã được thiết lập trong thời kỳ thực dân - như có thể quan sát thấy ở các nước châu Phi cận Sahara nơi tiếng Pháp vẫn được sử dụng. Thứ ba, là tính thống nhất, khi các nước đế quốc kết hợp ngôn ngữ chính yếu tại thuộc địa để đồng hóa nhiều nhóm nhập cư khác nhau, như trường hợp ở Malaysia. (Trong quá trình cai trị thuộc địa ở Mã Lai, thực dân Anh từ thế kỷ XIX đã quyết định dùng tiếng Melayu làm ngôn ngữ chung cho các hoạt động hành chính và giáo dục cho toàn bộ các dân tộc bản địa cũng như nhập cư vào thuộc địa này, như người Hoa hay người Tamil). Cuối cùng, tính phổ quát hay toàn cầu của ngôn ngữ đó khi được nhiều quốc gia sử dụng - chúng ta có thể quan sát ở hệ thống các nước châu Mỹ Latinh (từng nằm dưới sự cai trị của đế chế Tây Ban Nha) hay các quốc gia từng là một phần của đế chế Anh.

Mặc dù chứa đựng nhiều thông tin chi tiết, cuốn sách của Ostler vẫn khá dễ đọc. Không chỉ vậy, tác giả cố gắng đi không đi theo tiếp cận dĩ Âu vi trung (dù thực tế ông không thành công lắm), cho thấy tinh thần cầu thị và khách quan của ông.