Thiếu nữ vô danh của sông Seine
Trong những năm 1880, người dân đã kéo ra khỏi sông Seine thi thể một thiếu nữ và đưa tới nhà xác. Theo tập tục vào thời điểm ấy, thi thể này được trưng bày trước công chúng với hy vọng sẽ có ai đó nhận ra danh tính của nàng. Hơn một chục thi thể vô danh được đặt trong phòng lạnh, có một cửa sổ lớn bằng kính để khách bộ hành hiếu kì có thể ghé nhìn xem. Không một cửa sổ nào ở Paris thu hút nhiều người quan sát hơn chỗ này.
Khi một nhà bệnh học thực hiện quy trình khám nghiệm tử thi định kỳ cho cô gái trẻ, ông xác định cô mới chỉ 16 tuổi. Trên cơ thể không xuất hiện dấu vết bị bạo hành, nên có thể suy đoán rằng cô gái đã nhảy sông tự vẫn. Sau đó, ông dùng thạch cao đắp lên khuôn mặt nàng để làm mặt nạ người chết. Điều này không hề thường diễn ra, và có lẽ người bác sĩ đã làm vậy với hy vọng trong tương lai, thiếu nữ xấu số sẽ có ngày được xác định danh tính. Bất kể lý do là gì, biểu cảm thanh thản trên gương mặt nàng đã trở thành vĩnh cửu và được phổ biến ra đại chúng.
Chiếc mặt nạ được sao chép và mua đi bán lại. Nó truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật và câu chuyện. Văn hào người Pháp Albert Camus gọi đây là “Nàng Mona Lisa trầm mình” – mặc dù hầu hết mọi người biết tới nàng với cái tên
L’Inconnue de la Seine- Thiếu nữ vô danh của sông Seine.
Hồi sức tim phổi ra đời khi nào?Tua nhanh thời gian tới những năm 1950, vào thời điểm đó bác sĩ người Mỹ James Elam vừa giới thiệu với bác sĩ người Áo gốc Séc Peter Safar một kỹ thuật hồi sức mới đầy hứa hẹn có tên là “thông khí miệng đối miệng” tại một hội nghị tại thành phố Kansas.
Cả hai bác sĩ dành vài năm tiếp theo để cải thiện phương pháp mà Elam đề xuất. Cuối cùng, họ cho thêm vào phương pháp cấp cứu này những bước như ép lồng ngực và nghiêng đầu bệnh nhân ra đằng sau để tăng dòng không khí. Song có một vấn đề mà các bác sĩ không thể giải quyết được: việc ép lồng ngực cực kỳ mạnh, nó thường dẫn tới gẫy xương sườn khi thực hiện đúng cách, và bởi vậy bước này cực kì khó thực hành.
Giải pháp cho vấn đề này đến từ phía bên kia Đại Tây Dương.
Khi nhà sản xuất đồ chơi người Na Uy Asmund Lærdal biết được khó khăn của việc thực hành hồi sức tim phổi qua Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ, ông đã nhận ra đây là một cơ hội có một không hai. Một hình nộm có kích thước người thật sẽ giúp cho các sinh viên thoát khỏi cơn đau khi thực hành kỹ thuật này với nhau – và trước đây Lærdal đã tạo ra các mô hình thương binh bằng nhựa cho quân y trong Lực lượng Phòng vệ Dân sự Na Uy. Chính vì thế, việc làm ra hình nhân giống người thật để thực hành kỹ thuật cấp cứu chẳng hề khó với ông.
Tìm khuôn mặt cho hình nộm hồi sức tim phổiLærdal đã giao nhiệm vụ này cho Bjørn Lind, một bác sĩ gây mê địa phương cũng quan tâm tới kỹ thuật cứu mạng. Họ ngay lập tức cho ra kết luận rằng hình nộm này nhất định phải là phụ nữ — vì thời đó hầu hết bác sĩ là nam giới, và hẳn việc khóa môi với một “phụ nữ” sẽ thoải mái hơn cho họ. Thế nhưng, việc “chọn mặt gửi vàng” không hề là điều dễ dàng.
Đáp án cho nan đề xuất hiện trong một lần Lærdal viếng thăm họ hàng. Ông phát hiện bản sao từ chiếc mặt nạ người chết L’Inconnue de la Seine trên bức tường và quyết định chọn đây sẽ là khuôn mặt cho hình nhân thực hành cấp cứu.
Phiên bản đầu tiên của Resusci Anne do nhà điêu khắc người Na Uy gốc Đan Mạch Emma Matthiasen thực hiện. Nó đã trình làng tại Hội nghị chuyên đề quốc tế đầu tiên về hồi sức ở Stavanger, Na Uy, vào năm 1960. Resusci Anne được làm bằng nhựa mềm, đôi môi hơi hé mở để mô phỏng quá trình hà hơi thổi ngạt và phần ngực có thể đàn hồi để thực hiện động tác ép lồng ngực. Elam và Safar cũng tham gia hội nghị ở Stavanger và họ đã hợp tác cùng Lærdal để hoàn thiện thêm thiết kế.
Resusci Anne ra đời đã bẻ lái con đường sự nghiệp của Lærdal. Từ nhà sản xuất đồ chơi, ông đã chuyển hướng công ty sang sản xuất thiết bị y tế với cái tên Lærdal Medical. Công ty này ước tính trên khắp thế giới có khoảng 300 triệu người đã học kỹ thuật hồi sức tim phổi với sự trợ giúp của Resusci Anne. Kỹ thuật này có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba tỷ lệ sống sót khi bệnh nhân ngừng tim. Nhờ nó, mỗi năm có hàng nghìn sinh mệnh được cứu sống.
Có một giai thoại thú vị là ông hoàng nhạc pop Michael Jackson đã thêm điệp khúc “Annie are you okay?” (Annie cô ổn chứ?) vào trong bản hit đình đám “Smooth Criminal” sau khi đi học hồi sức tim phổi. Đây là câu hỏi được sử dụng trong quá trình đào tạo, do học viên cần kiểm tra xem bệnh nhân còn phản ứng hay không.
Resusci Anne có thay đổi theo thời gian không?Trong các phiên bản hình nhân sau này, người hướng dẫn có thể mở ra gấp lại và bơm phồng cơ thể bằng bơm chân trước khi sử dụng, có thể đánh giá việc hồi sức tim phổi có thành công hay không thông qua các đồng hồ đo tích hợp, giúp đo áp suất trong “lá phổi” bằng nhựa. Thậm chí, người hướng dẫn có thể mô phỏng nhịp tim bằng cách bóp bóng cao su gắn với cổ hình nộm.
Ngày nay, hình nộm tiên tiến do Công ty Lærdal Medical sản xuất thậm chí có thể chấm điểm hiệu suất hồi sức tim phổi nhờ thuật toán được thiết kế với sự cộng tác của Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ. Ngoài ra còn có nhiều mẫu hình nhân thực hành mang hình dáng trẻ sơ sinh, trẻ em và nhiều phiên bản khác.
Nguồn: livescience.com, discovermagazine.com