Được ấn hành nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố GS. NGND Phan Huy Lê, cuốn di cảo tập hợp 27 bài viết nỗ lực đánh giá lại nhiều vấn đề gây tranh cãi dai dẳng trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam.
GS. NGND Phan Huy Lê (1934-2018), một trong tứ trụ Lâm - Lê - Tấn - Vượng, là một nhân cách lớn và sự nghiệp lớn được xem như biểu tượng của giới sử học Việt Nam thời hiện đại. Sinh thời, những đóng góp của ông không đơn thuần là những công trình chuyên khảo, tham luận hội thảo hay các đề án, chương trình trọng điểm có ý nghĩa to lớn; mà còn có cả những nỗ lực đánh giá lại nhiều vấn đề gây tranh cãi dai dẳng trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố GS. NGND Phan Huy Lê, gia đình và các học trò của ông đã tập hợp một hệ thống các bài viết, nghiên cứu, trao đổi, thảo luận,... thành cuốn sách mang tựa đề Phan Huy Lê - Di cảo: Nhận thức lịch sử Việt Nam. Công trình gồm 27 bài viết về hầu hết những vấn đề được xem là “gai góc” trong tình hình nghiên cứu lịch sử Việt Nam.
Cuốn sách được chia làm hai phần chính.
Phần 1 - Tổng quan và Tư liệu gồm ba bài viết mang tính tổng hợp nguồn tư liệu và sáu bài viết trên cơ sở tư liệu cụ thể, qua đó góp phần định hướng nghiên cứu lịch sử Việt Nam tiếp cận sự thật khách quan khoa học.
Trước tiên, phải khẳng định GS Phan Huy Lê là một sử gia theo trường phái Sử học thực chứng, do đó, việc nghiên cứu, tra vấn, giám định các nguồn thông tin, để từ đó đúc kết ra những đánh giá khách quan, tiệm cận với thực tế lịch sử và đủ sức thuyết phục luôn được ông thực hiện nghiêm túc, chuẩn chỉ. Có thể nói rằng, trong việc tìm tòi và phát hiện những thông tin trong các nguồn lưu trữ; Giáo sư Lê đã thể hiện nghiêm cẩn vai trò không khác một “
sử thần” đang biên soạn lịch sử chính thống của đất nước.
Địa bạ - một nguồn tư liệu quý trong việc phác dựng lại toàn cảnh bức tranh xã hội Việt Nam thời tiền hiện đại, là một trong những nguồn tư liệu luôn được ông tập trung khảo cứu và viện dẫn. Trong bối cảnh của một xã hội
tam nông (nông dân-nông nghiệp-nông thôn) và
tứ dân (sĩ-nông-công-thương) truyền thống, địa bạ đã đại diện cho một lượng lớn các nguồn thông tin để từ đó giới sử học có thể nghiên cứu mở rộng về mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Bài viết
Tình hình nghiên cứu làng ở Việt Nam trong thế kỷ XX (tr.110-138) không chỉ tổng quan tình hình nghiên cứu vấn đề mà còn có cả những nhận định và phân tích có giá trị cao về mô hình
làng trong lịch sử Việt Nam. Nếu như
tam nông là bản chất của xã hội Việt Nam truyền thống, thì làng chính là đơn vị cộng đồng cơ bản nhất của một Việt Nam truyền thống. Giống như các học giả khác, ông tiếp cận mô hình làng trên cơ sở hình thành, chế độ ruộng đất (mà ở đây vai trò địa bạ là không thể phủ nhận) cho đến bộ máy quản lý (tính
tự trị hay
tự quản đều được thảo luận) và cả những biến đổi của nó.
Sự phát triển của lịch sử Việt Nam và tiến trình dân tộc-lãnh thổ Việt Nam cũng được ông đúc kết và đưa ra mô hình trên cơ sở của tính đa tuyến, toàn bộ và toàn diện. Thông thường, trước đây khi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, giới nghiên cứu trong nước và quốc tế thường đánh đồng lịch sử Việt Nam là lịch sử của người Việt (Kinh) thay vì bao hàm cả lịch sử của những dân tộc khác trên lãnh thổ. Hơn thế nữa, tiến trình dân tộc-lãnh thổ Việt Nam cũng chỉ đơn thuần được hiểu là Nam tiến, theo hướng Bắc-Nam khi các đạo quân và di dân người Việt thực hiện quá trình “
mang gươm đi mở cõi”.
Tuy nhiên, theo quan điểm của GS Phan Huy Lê, nghiên cứu lịch sử Việt Nam phải đặt trên tính đa tộc người của cộng đồng cư dân Việt Nam qua tiến trình lịch sử và sự thống nhất trong đa dạng. Lịch sử Việt Nam không chỉ đơn thuần là lịch sử của người Việt (Kinh) hay của bất cứ một tộc người nào mà phải là lịch sử của toàn bộ các cộng đồng cư dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Điều này có thể hiểu nếu coi lịch sử Việt Nam là một dòng chảy lớn, thì lịch sử của người Kinh, Chăm, v.v. là các dòng chảy phụ lưu. Theo thời gian, dòng chảy của người Kinh trở nên lớn mạnh và các dòng chảy khác đã nhập vào dòng chảy tổng hòa của lịch sử Việt Nam.
Tiến trình dân tộc-lãnh thổ của Việt Nam cũng không đơn thuần là quá trình gây sức ép của người Việt xuống phía Nam, mà còn cả những tương tác và trao đổi văn hóa-xã hội giữa một không gian Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Chắc chắn sự thắng thế của người Kinh về sức mạnh chính trị, quân sự là không thể phủ nhận trong tiến trình này; nhưng văn hoá của người Chăm, Khmer, Tày, Thái v.v. cũng ảnh hưởng không nhỏ đến văn hoá người Việt.
Cuối cùng, phần I cho độc giả thấy một biệt tài bẩm sinh và phẩm chất riêng hiếm có của GS Phan Huy Lê, đó là khả năng tổng kết và đề dẫn khoa học hay các phát biểu định hướng. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy qua các báo cáo đề dẫn của ông về vấn đề biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam hay Lịch sử vùng đất Nam Bộ.
Phần II - Nhân vật và Sự kiện, tập trung vào các vấn đề hình thành, phát triển của các nhà nước, triều đại, một số sự kiện còn cần tìm hiểu kỹ lưỡng và một số nhân vật lịch sử.
Nếu như Phần I tập trung vào những vấn đề chung, mang tính định hướng thì trong Phần II, nhóm biên tập chọn lọc những bài viết, tham luận quý giá, có hàm lượng khoa học cao và mang tính gợi mở cho những nghiên cứu về một số nhân vật, sự kiện và triều đại vẫn còn nhiều tranh luận trong lịch sử Việt Nam, trong đó đặc biệt phải kể đến triều Mạc (1527-1592), triều đại Tây Sơn (1778-1802) cho đến chế độ của các chúa và vua Nguyễn.
Vấn đề triều Mạc, có thể nói, cơ bản là cuộc tranh luận về tính chính thống hay không chính thống của vương triều này trong lịch sử Việt Nam. Nhưng vấn đề Tây Sơn và chế độ họ Nguyễn (cả chúa Nguyễn và triều Nguyễn) lại là một đề tài “
nhạy cảm”. Thông thường, một cách nhìn tương đối thiếu công tâm luôn được sử dụng cho hai triều đại này, giữa tốt và xấu, giữa trắng và đen, giữa vì độc lập dân tộc hay bán rẻ lợi ích dân tộc, khác nhau như hai mặt của đồng xu. Một Tây Sơn tốt đối lập với một nhà Nguyễn xấu. GS Phan Huy Lê là một trong những học giả đã sớm chỉ ra những vấn đề mới của triều Tây Sơn, bao gồm nhiều hạn chế mà trước đây giới nghiên cứu thường bỏ qua. Không chỉ vậy, bản thân “
tính thống nhất đất nước” của triều đại Tây Sơn cũng được thảo luận trong nhiều nghiên cứu của ông. Đồng thời, ông chỉ ra rằng sự thống nhất đất nước sau những thế kỷ phân rã và cát cứ không đơn thuần là công lao của riêng một triều đại nào, mà là nguyện vọng chung của dân chúng và xu thế phát triển tất yếu của đất nước Việt Nam.
Trong cuốn
Di cảo này, chúng tôi cũng quan tâm đến việc nhìn nhận và đánh giá của GS Phan Huy Lê về nhân vật Phan Thanh Giản, một đại thần đầy bi kịch về những năm cuối đời. Các sử gia miền Bắc sau năm 1945 thường đánh giá Phan Thanh Giản là một trong hai nhân vật “
mãi quốc, thí dân” khi đại diện triều đình ký hiệp ước Nhâm Tuất (1862) cắt ba tỉnh Đông Nam Kỳ cho người Pháp sau thảm bại tại Chí Hoà (1861). Nhưng liệu cách nhìn đó có thực sự công bằng theo nhãn quan và nhận thức lịch sử? (Chính sử và tư liệu triều Nguyễn mặc dù quy trách nhiệm cho Phan Thanh Giản nhưng gần như để ngỏ vấn đề). Không thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm của Phan Thanh Giản trong các sự kiện 1862-1867, nhưng cũng cần nhìn nhận một cách thực sự công tâm về vị đại thần này. GS Phan Huy Lê đã chỉ ra bi kịch của Phan Thanh Giản là bi kịch của một đại thần Nho học buổi suy vi. Từ một tam triều nguyên lão, nhất phẩm đại học sĩ, cố mệnh đại thần, hết mực trung trinh liêm khiết phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, để rồi cuối cùng phải dùng thuốc độc và cái chết để tỏ tấm lòng trung. Như GS Lê viết, phải có nhận định khách quan, công minh và thỏa đáng cho những đóng góp và hạn chế, thiếu sót của Phan Thanh Giản - một đại thần nặng lòng trung quân ái quốc nhưng lâm vào cảnh bế tắc, bi kịch lúc cuối đời.
Đúng như tiêu đề, những bài viết trong cuốn sách đã cung cấp nhiều nhận thức mới, quan trọng và toàn diện về nhiều vấn đề trong lịch sử Việt Nam. Với quan điểm của GS Phan Huy Lê, nhận thức lịch sử là một quá trình không hề bất biến, trái lại, đó còn là nỗ lực tiến dần đến chân lý, ngày càng tiệm cận sự thật lịch sử một cách khách quan và xác thực. Những nhận thức của ông về lịch sử Việt Nam khó thể tránh khỏi những tranh cãi hay hạn chế, nhưng đó trước hết đều là những quan điểm xác đáng, quý giá về những phương pháp nghiên cứu lịch sử mà một học giả chân chính sử dụng khi đánh giá về một sự kiện, vấn đề lịch sử.
Bài đăng số 1285 (số 13/2024) KH&PT