Tang lễ của người An Nam của Gustave Dumoutier (1850-1904) có ý nghĩa như một khung hình hiếm hoi giúp độc giả Việt Nam hiện đại bắt được chân dung của tang lễ truyền thống vào buổi giao thời, trước khi những kiến thức tâm linh được thực hành và trân trọng trong hàng trăm năm dần biến mất.
“Hiếu” không đơn thuần là một sự kiện quan trọng bậc nhất của đời người hay gia đình trong xã hội Việt Nam truyền thống. Chúng ta tìm thấy ở đó những động lực kết nối cộng đồng, làng xã, tôn giáo và cả các toan tính lợi ích, quyền lợi.
Ngay từ đầu thế kỷ XX, bên cạnh các khảo cứu của những học giả như Mai Viên Đoàn Triển hay Phan Kế Bính, còn có những nghiên cứu và khảo sát của các học giả Pháp là viên chức thời kỳ thuộc địa. Trong số đó, tiêu biểu nhất phải kể đến công trình Le Rituel funéraire des Annamites (1904) của Gustave Dumoutier, mới đây đã được chuyển ngữ và xuất bản bằng tiếng Việt dưới nhan đề Tang lễ của người An Nam.
Tên tuổi Gustave Dumoutier (1850-1904), người từng giữ chức Chánh sở Học chính Trung-Bắc kỳ, không xa lạ với độc giả Việt Nam. Ông đã dành công sức để tìm hiểu, biên soạn, công bố nhiều chuyên khảo về phong tục, truyền thuyết và các di tích của Bắc kỳ nói riêng, Việt Nam nói chung, bao gồm: Les Pagodes de Hanoi, étude d’archéologie et d’épigraphie annamites (Chùa chiền ở Hà Nội: Nghiên cứu kiến trúc và văn bia An Nam, 1887), Légendes historiques de l’Annam et du Tonkin (Huyền sử An Nam và Bắc Kỳ, 1887), Étude historique et archéologique sur Cô-Loa (Nghiên cứu khảo cổ và lịch sử Cổ Loa, 1893), Étude historique et archéologique sur Hoa-Lu (Nghiên cứu khảo cổ và lịch sử Hoa Lư, 1893), Étude sur un Portulan annamite du XVe siècle (Nghiên cứu bản đồ các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỷ XV, 1895), v.v. Không ít trong số đó đã được chuyển ngữ và xuất bản ở Việt Nam.
Trở lại với công trình Tang lễ của người An Nam, trước tiên phải khẳng định rằng đây là một khảo cứu công phu và toàn diện về tang chế của người Việt cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX - giai đoạn của những chuyển biến quan trọng hơn bao giờ hết trong lịch sử đất nước. Thời kỳ này, nền văn hiến truyền thống rơi vào khủng hoảng và lụi tàn trước những tư tưởng và thực hành mới mà chế độ thực dân mang đến. Dưới áp lực thời đại, những thực hành lễ nghi như tang ma trở thành bức tường thành phòng thủ, bảo vệ những gì còn sót lại của truyền thống. Cuốn sách do đó có ý nghĩa như một khung hình hiếm hoi giúp độc giả Việt Nam hiện đại bắt được chân dung của tang lễ truyền thống vào buổi giao thời, trước khi những kiến thức tâm linh được thực hành và trân trọng trong hơn ba thế kỷ (được xác lập trên quan điểm của Nho học từ thời kỳ Lê Sơ) dần biến mất.
Tang lễ của người An Nam được chia làm hai phần chính. Trong đó, ở phần dài nhất của chuyên khảo, có tiêu đề được lấy làm tên chung cho cuốn sách, Dumoutier ghi chép tỉ mỉ và bàn luận về toàn bộ các nghi thức phải tiến hành trước, trong và sau khi có người mất. Nhưng hơn hết, ông tập trung vào nghi thức chuẩn bị trước khi mai táng người chết - mà quan trọng nhất là việc khấn khứa, bùa chú cũng như lựa chọn hướng cất mồ mả theo phong thủy.
Cách tiếp cận của Dumoutier do đó khác với các học giả Việt Nam như Phan Kế Bính, vốn tìm cách mô hình hoá các bước và đặc trưng của một lễ tang trong xã hội Việt Nam truyền thống, từ vua chúa đến thường dân. Thay vào đó, Dumoutier, như nhiều học giả Pháp đương thời, thường chọn một vài ví dụ cụ thể để nghiên cứu rồi mới đưa ra quan điểm về mô thức tang lễ dưới góc nhìn của mình. Ở đây, ông lựa chọn trường hợp đám tang của một cự phú Hà Nội cùng lễ di quan của Phó vương Nguyễn Hữu Độ từ Hà Nội vào Huế…, trước khi hứng thú ghi chép lại từng bước quan trọng liên quan đến việc khấn khứa, chuẩn bị tang lễ - từ việc mời thầy cúng, tống chung (lễ đưa ma), kết hồn bạch, khâm liệm, thành phục (bước mà thân quyến bắt đầu mặc tang phục theo quy chế) cho đến trấn yểm bất đắc kỳ tử. Không chỉ dừng lại ở nghi lễ mai táng, Dumoutier khảo tả cả những nghi thức và nghĩa vụ thờ cúng, tưởng nhớ sau này. Ông đặc biệt mô tả rất kỹ lưỡng việc thờ cúng, bố trí gian thờ và quy cách lễ tạ, bái ân, cho đến kích thước, hình dáng và chất liệu của ban thờ và bài vị.Rõ ràng, với góc nhìn từ trên xuống, Gustave Dumoutier bao quát một bức tranh nhận thức về tang lễ của người An Nam, chủ yếu thuộc về tầng lớp khá giả và giàu có. Chỉ những gia đình có của ăn của để và chức tước mới có điều kiện thực hành nghi thức tang ma và thờ cúng một cách chuẩn chỉ nhất - trong đối lập với đại đa số dân nghèo trong xã hội - bởi bản thân việc thờ phụng và hương hỏa là một nghĩa vụ tốn kém, không phải cá nhân nào cũng có khả năng đảm trách.Nhìn rộng ra, phần I, Tang lễ của người An Nam, không chỉ mô tả và khảo cứu về tang lễ đơn thuần, mà còn là toàn bộ các nghĩa vụ của việc hiếu mà mỗi cá nhân, gia đình và dòng tộc phải thực hiện theo các điển phạm truyền thống.Nếu như phần I nói về những phần việc trên dương thế mà thân nhân của người mất phải thực hiện thì phần II, Linh hồn sau khi chết, bàn về thời điểm người mất phải sẵn sàng đón nhận những phán xét nơi âm thế.
Dumoutier mô tả ảnh hưởng của thuyết luân hồi đối với quan niệm sinh tử của người Việt, rằng cuộc sống đầu thai nơi kiếp sau sẽ phụ thuộc nhiều vào ân đức công tội nơi đời này. Đồng thời, linh hồn người mất sẽ phải nhận sự phán xét của Thập điện Diêm La để quyết định cuộc sống đầu thai của mình, thành người, súc vật hay đọa quỷ. Cuối cùng, tác giả luận bàn và trình bày về bản chất của linh hồn dựa trên quan điểm của Phật giáo.
Để củng cố cho các quan điểm của mình, Dumoutier đã dày công nghiên cứu, tham khảo và dẫn nhiều nguồn tư liệu gốc vốn được xem là căn bản cho việc tổ chức nghi thức tang lễ và thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam, bao gồm:
Thọ Mai gia lễ, Tam giáo chính độ thực lục,
Tam giáo chính độ tập yếu,
Thích Ca chính độ thực lục,
Hồi dương nhân quả lục,
Kinh Bách Duyên,
Phật Quang đại từ điển, v.v. Hơn nữa, Dumoutier còn dẫn cả các bộ sử chính thống của triều đình để làm căn cứ cho các quy định về tang lễ mà ông mô tả trong cuốn sách, bao gồm:
Hoàng Việt luật lệ,
Ngọc lịch chí bảo biên,
Công dư tiệp ký,
Khâm định Việt sử thông giám cương mục,
Đại Việt sử ký toàn thư,... cùng Văn bia Thân cấm khử tệ. Ở đây, phải nhắc đến vai trò của đội ngũ biên tập và hiệu đính bản dịch tiếng Việt của cuốn sách đã dày công tìm tòi và chú giải gần như mọi nguồn tác giả dẫn ra, giúp các nhà nghiên cứu cũng như độc giả có cơ duyên sẽ tiếp tục đào sâu tìm hiểu.
Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao phần minh họa trong cuốn sách, nhất là các bùa chú cổ vừa chi tiết vừa sống động - được tác giả giải thích rất tỉ mỉ (và có lẽ ông đã được những người Việt có hiểu biết giúp đỡ), nhiều trong số đó vẫn được sử dụng cho đến nay.
Có thể nói,
Tang lễ của người An Nam là một nghiên cứu xuất sắc, mang tầm bách khoa của một học giả người Pháp từ đầu thế kỷ XX. Nhiều nghi thức, tập tục trong tang lễ mà người Việt vẫn duy trì như liệm, an táng, cải táng, bùa chú,... đã được tác giả quan sát và giải thích từ cách đây hơn một thế kỷ. Gấp lại cuốn sách, chúng ta như hiểu hơn tinh thần sống gửi thác về của người Việt, rằng cái chết không phải luôn là điều đáng sợ. Trái lại, nó có thể là cánh cửa mở ra những hy vọng về luân hồi chuyển kiếp và đôi khi còn báo hiệu phúc phần của một cá nhân, gia đình và họ tộc.
Bài đăng số 1276 (số 4/2024) KH&PT