Loài thằn lằn mới này được tìm thấy trong lớp lá ở một khu rừng núi đá vôi thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông, Hòa Bình.
Khi ánh tà dương vừa khuất ở một vùng núi đá tại Việt Nam, một sinh vật lạ đang ẩn mình dưới những chiếc lá. Có lẽ nó đang kiếm ăn, cũng có thể đây là nơi trú ẩn của nó. Một nhóm các nhà khoa học quyết định đến gần, và họ phát hiện ra loài động vật có vảy này là một sinh vật mới.
Nghiên cứu “A new skink of the genus Scincella Mittleman, 1950 (Squamata: Scincidae) from Hoa Binh Province, northern Vietnam” được công bố vào tháng này trên tạp chí
Zootaxa, theo đó các nhà nghiên cứu gồm GS.TS. Nguyễn Quảng Trường, TS Phạm Thế Cường (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam); TS. Lê Đức Minh (ĐH Quốc gia Hà Nội) cùng các nhà khoa học trong nước và quốc tế khác đã đi thực địa tại khu bảo tồn thiên nhiên ở tỉnh Hòa Bình vào năm 2014 và 2023 để khảo sát quần thể động vật hoang dã địa phương.
Nghiên cứu thuật lại, trong khi tìm kiếm trong khu rừng, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số loài thằn sọc không khớp với bất kỳ ghi chép nào đã biết. Họ nhìn kỹ hơn và nhận ra rằng họ đã phát hiện một loài mới và đặt tên cho chúng là
Scincella ouboteri, hay còn gọi là thằn lằn vảy nhẵn Ouboter, theo tên của Paul E. Ouboter, một chuyên gia về bò sát đã có những nghiên cứu chi tiết về giống thằn lằn cổ
Scincella ở châu Á.
Loài thằn lằn này có kích thước “trung bình”, đạt chiều dài khoảng 4,8 inch (tương đương 12 cm). Ở mí mắt dưới của chúng, có lớp vảy giống như một “tấm kính cửa sổ mờ đục”.
Ảnh chụp cho thấy loài mới có màu “đồng” với sọc đen chạy dọc lưng. Hai bên cơ thể có màu đỏ cam. Bên dưới bụng có màu kem xám.
Cho đến nay, thằn lằn vảy nhẵn Ouboter chỉ được ghi nhận tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông, tỉnh Hòa Bình, nghiên cứu nhận định.
Phân tích DNA chỉ ra loài mới này có ít nhất 8% sự khác biệt di truyền so với các loài thằn lằn cổ Scincella khác.
Hoàng Nhi