"Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong", đó là câu nói từ hàng trăm đời nay của cha ông. Là một nước chịu tác động mạnh của thiên nhiên và biến đổi khí hậu, Việt Nam đang nỗ lực thích nghi và chuyển đổi dần theo hướng tiếp cận tôn trọng quy luật tự nhiên, chủ động sống chung với khó khăn thay vì can thiệp thô bạo như trước kia.

Cánh đồng lúa khô nứt nẻ do hạn hán tại xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre | Nguồn: Báo ảnh Việt Nam
Cánh đồng lúa khô nứt nẻ do hạn hán tại xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre | Nguồn: Báo ảnh Việt Nam

Ngày càng khó lường

Trong đợt hạn mặn kỷ lục năm 2015-2016, Chính phủ đã phải gửi các công hàm yêu cầu các quốc gia thượng nguồn như Trung Quốc, Lào xả nước hồ chứa thủy điện để cải thiện phần nào tình hình; xoay sở các khoản vay vốn lớn từ Ngân hàng Thế giới để đầu tư nâng cao khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu; đồng thời kêu gọi tài trợ từ các quỹ phát triển quốc tế như USAID. Tuy vậy, Việt Nam nhận ra rằng chính mình phải ‘tự lực cánh sinh’ trong viễn cảnh tương lai đầy chấp chới ấy.

Trong đợt hạn mặn năm ấy, cả nước đã mất 1 triệu tấn lúa, hơn 500.000 hộ gia đình lâm vào tình trạng thiếu nước ngọt. Tổng thiệt hại ước tính sơ bộ lên tới trên 15.000 tỷ đồng, tức khoảng 0,32% GDP cùng năm. Đó cũng là năm lần đầu tiên ngành nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng âm trong 6 tháng liên tiếp. Kinh tế khó khăn đẩy người dân vào thế di cư bị động. Chỉ riêng hai tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng đã có hơn 40.000 người bỏ quê đi làm ăn xa trong điều kiện túng quẫn.

Một năm sau đợt hạn mặn kỉ lục, nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu được ban hành, hay còn gọi là nghị quyết “thuận thiên”. Văn bản đánh dấu 2 tư duy mang tính bước ngoặt đối với khu vực, một là tôn trọng và thích ứng theo quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; hai là quy hoạch tích hợp tổng thể toàn ĐBSCL.

Từ đó đến nay, ĐBSCL đã gia cố hơn 580km bờ bao để ngăn cách vùng nhiễm mặn với vùng ngọt, đắp 207 đập ngăn lũ; chủ động xả lũ bảo vệ trên 141.000 ha đồng ruộng. Hơn 20 dự án phòng, chống hạn mặn khác ở khu vực cũng sẽ được nhà nước bố trí trrên 5.100 tỷ kinh phí để thực hiện trong năm nay.

Nhờ có việc dự báo sớm từ giữa năm 2019 mà dù xâm nhập mặn năm 2019-2020 đã cao hơn đợt năm 2015-2016 nhưng mức độ thiệt hại được khống chế và giảm thiểu đáng kể. Trên 90% diện tích lúa đông xuân ở ĐBSCL đã tránh hạn và né mặn thành công do gieo cấy sớm, đồng thời ít hơn 80% số hộ gia đình bị ảnh hưởng vì thiếu nước sinh hoạt so với thời kì năm 2016.

Tuy vậy, không thể phủ nhận thiên tai đang có xu hướng ngày càng khốc liệt hơn. Xâm nhập mặn năm nay đến sớm 1 tháng và vào sâu hơn 3-7km so với năm trước. Trong những đợt cao điểm đầu tiên vào tháng 2/2020, Bến Tre - một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã công bố thiệt hạn gần 2.000 tỷ đồng. Nhiều tỉnh thành người dân vẫn thiếu nước sinh hoạt và phải mua nước “sạch” với giá từ 120.000 – 300.000đ/mét khối, đắt gấp hàng chục lần giá nước trung bình. Nhiều tỉnh nước sản xuất vẫn thiếu hụt đến tận tháng 5/2020.

Tình trạng hạn mặn kéo dài không xa lạ với người dân ĐBSCL, nhưng có lẽ nó sẽ sớm trở thành một phần trong cuộc sống của họ. Và cuộc sống đó sẽ ngày càng trở nên khó lường hơn bởi tốc độ thay đổi nhanh chóng của tất cả tác nhân xung quanh – từ nguồn nước của sông Mekong dùng chung với các quốc gia xung quanh Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan ngày càng cạn kiệt, cho đến tình trạng nước biển dân cao vì biến đổi khí hậu gây xói lở đất, và quan trọng hơn cả là hậu quả của sự phát triển nội tại về nông nghiệp, công nghiệp và hạ tầng dân cư thiếu bền vững khiến nhu cầu khai thác nước ngầm tăng nhanh làm nền đất dễ sụt lún. Một số dự báo khoa học quốc tế chỉ ra rằng đến năm 2050, một phần không nhỏ diện tích ĐBSCL có thể bị xóa sổ.

Trong buổi họp báo đầu tháng 2 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đưa ra cảnh báo: “Xâm nhập mặn được dự báo là không còn theo quy luật lặp lại như trước đây … mùa khô năm nay chắc chắn sẽ không phải kỷ lục, vì kỷ lục sẽ ở tương lai”

Cần một cơ sở dữ liệu chung

Nghị quyết “thuận thiên” khuyến khích cách tiếp cận thích nghi với hiểm họa tự nhiên và chuyển đổi dần dần, tránh những can thiệp thô bạo để phải trả giá đắt. Tuy nhiên sau hơn 2 năm thực hiện, nhiều địa phương gặp lúng túng ở khâu tích hợp tổng thể. Nói cách khác, các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách phải đứng trước bài toán lớn “liên kết vùng”.

Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu từng cảnh báo, ĐBSCL hiện có nhiều quy hoạch, cả cấp vùng và cấp địa phương về sản xuất, xây dựng, sử dụng đất, chống ngập... nhưng có điểm yếu là chúng không gắn kết đồng bộ với nhau, bị chồng kéo và ít phát huy hiệu quả, thậm chí gây ra hậu quả ngoài tính toán. Bài học từ hệ thống đê bao Ô Môn - Xà No cách đây hàng chục năm cho thấy sự phân mảng trong quy hoạch, khi công trình trải dài trên địa bàn 3 tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ để bảo vệ hơn 43.000 ha lúa, nhưng lại đẩy ngập mặn sang TP. Cần Thơ, ảnh hưởng đến sinh hoạt của cư dân nơi đây.

Việc xây dựng một loạt công trình can thiệp như hệ thống đê bao, cống đập và hồ trữ nước cũng đã khiến không gian sông ngòi ở ĐBSCL bị thu hẹp. Trên thực tế, nếu không được tính toán hợp lý, các hệ thống này sẽ trở thành những kênh tù đọng nước ô nhiễm từ các khu công nghiệp và sản xuất kinh doanh dọc bờ sông Tiền, sông Hậu, đẩy sự bất lợi xuống các địa phương cùng sử dụng chung dòng nước.

Người dân huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre mua nước sạch với giá 120.000đ/ mét khối nước. | Nguồn: Báo ảnh Việt Nam
Người dân huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre mua nước sạch với giá cả trăm nghìn đồng một mét khối nước. | Nguồn: Báo ảnh Việt Nam

Việc thiết kế không có quy hoạch tổng thể cũng làm giảm khả năng hấp thụ lũ, khiến mỗi khi triều cường nước trên sông thiếu chỗ chứa tràn vào các khu đô thị gây ngập. Đợt ngập lênh láng vào tháng 8 âm lịch năm 2018 tại TP. Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Hậu Giang... là minh chứng rõ nét. Gần chục năm trở lại, dường như người dân miền ĐBSCL đã quen với điệp khúc ‘đến hẹn lại ngập’.

Do đó, “điều quan trọng hơn, là cần tiếp cận tổng thể ĐBSCL trong thực hiện chiến lược này [NQ 120]. Hành động của của một địa phương có thể ảnh hưởng tới địa phương khác, hành động của một ngành đơn lẻ có thể ảnh hưởng đến các ngành khác, và hành động hôm nay của chúng ta có thể gây tác động dài hạn đến tương lai… ĐBSCL cần tránh cách làm cục bộ theo địa phương theo kiểu đau đâu trị đấy ngắn hạn, mà phải phục hồi ‘sức khỏe’ của cả hệ thống kinh tế, xã hội, môi trường”, trao đổi về vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, ThS. Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, nhấn mạnh.

Mà điểm mấu chốt để có cái nhìn chung, theo các chuyên gia, chính là một cơ sở dữ liệu chung. Hiện nay, ĐBSCL đang trong giai đoạn xây dựng quy hoạch tổng thể vùng về biến đổi khí hậu nhưng trước hết khu vực này cần phải hoàn thiện các bộ cơ sở dữ liệu tổng thể liên quan. Từ đó các bên liên quan và chính quyền địa phương mới có đủ cơ sở khoa học để ngồi vào bàn thảo luận.

Dùng khoa học-công nghệ để thích nghi

Mặc dù xây dựng công trình là cần thiết nhưng kinh nghiệm quốc tế và trong nước chỉ ra rằng, để sống chung với thiên tai cần triển khai những giải pháp phi công trình khác. Điều này bao gồm các thực hành tiết kiệm nước, chuyển đổi cơ cấu và mô hình sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ để thích nghi và tăng sức chống chọi.

Thật ra, người dân vùng sông nước ĐBSCL không xa lạ gì với khái niệm biến đổi khí hậu, cũng như diễn biến bất thường của thiên nhiên. Họ hiểu rằng cần thích nghi với tự nhiên để sống. Trồng lúa không còn là sinh kế duy nhất của người dân. Từ vài năm nay, nhiều hộ gia đình ở Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang đã áp dụng mô hình “tôm-lúa” – sử dụng các giống lúa chịu mặn của các viện trường nghiên cứu, xen kẽ với thả tôm sú, tôm thẻ trên cùng thửa nước, nuôi trồng hữu cơ theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Điều này đã đem lại hàng trăm tỷ đồng thu nhập mỗi năm cho các hộ gia đình.

Các mô hình tương tự “lúa-cá”, “lúa-sen-du lịch” cũng được triển khai ở nhiều huyện và đang tăng quy mô. Điều quan trọng, nhiều hộ đã chuyển từ việc nuôi trồng lấy năng suất sang nuôi trồng tạo giá trị, làm ít hơn nhưng có chất lượng hơn để bán giá gấp đôi gấp ba, đồng thời dấn thân vào các chuỗi giá trị một cách hiệu quả hơn.

Hệ thống tưới phun nước tự động trên vườn cây ăn trái tại xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ | Ảnh: Cantho Online
Hệ thống tưới phun nước tự động trên vườn cây ăn trái tại xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ | Ảnh: Cantho Online

Một số trang trại đã chủ động lắp đặt các hệ thống tưới nước tự động, tưới phun sương, tưới nhỏ giọt để giảm lãng phí nước trong mùa khô. Chẳng hạn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ đã triển khai mô hình thí điểm lắp đặt hệ thống tưới phun sương cho vùng trồng hành tím ở thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Hệ thống có cấu tạo đơn giản gồm ống nhựa PE, béc tưới và mô tơ điện. Chi phí đầu tư cho hệ thống tưới phun sương này khoảng 2,5 triệu đồng và người dân có thể tự lắp đặt được. Hệ thống đang được triển khai rộng rãi tại các xã lân cận.

Tương tự, việc chọn tạo các giống cây trồng vật nuôi chịu mặn cũng đang được áp dụng tại ĐBSCL. Nhờ nỗ lực phục tráng giống thanh long để trồng trên giá thể cây mắm chịu mặn, mà gia đình Mai trang ở Cà Mau đã có thể thoát nghèo, và họ đang nỗ lực kêu gọi tài trợ để nhân rộng từng hecta mô hình này trên nhiều địa bàn rừng ngập mặn tại miền Tây. Rất nhiều các nỗ lực thích nghi trong sản xuất như vậy đã được triển khai ở những khu vực ngày càng ngập mặn.

Các viện trường miền Nam cũng tham gia sâu sắc hơn trong cuộc chiến thích nghi với biến đổi khí hậu. Nhiều công trình nghiên cứu về đất, nước, cùng một loạt sản phẩm về hệ thống cảnh báo hạn mặn, quy trình quản lý nước, giống cây trồng vật nuôi thích nghi với nước ngot, nước lợ và nước mặn; chế phẩm sinh học xử lý ô nhiễm nước, công nghệ truy xuất nguồn gốc … đã được đưa vào ứng dụng và nhận được phản hồi tích cực.

Tuy vậy, quy mô ứng dụng của các nghiên cứu này bị hạn chế do mối liên kết giữa viện trường- doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả. Trong khi đó, bài học từ các nước có nền nông nghiệp thích nghi với thiên nhiên khắc nghiệt như Israel, Dubai, Hà Lan chỉ ra rằng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup), đặc biệt là những doanh nghiệp nắm giữ giá trị lõi về nghiên cứu phát triển trong ngành công nghệ sinh học, tự động hóa, AI.. đóng vai trò quan trọng trong việc tăng tốc quá trình chuyển đổi và thích nghi này. Đây là mảng mà hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang rất thiếu và sẽ cần đẩy mạnh hơn trong tương lai.