Ông Nguyễn Thanh Mỹ là một niềm tự hào không chỉ của dân Trà Vinh quê ông, mà còn là của rất đông người dân đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các bạn trẻ khởi nghiệp.

Tự hào, không chỉ vì cái “Silicon Valley ở cù lao Trà Vinh” mà ông gây dựng ra, hay những bằng sáng chế mà ông có, hay công ty nông nghiệp công nghệ cao Rynan đang giúp nông dân. Đơn giản, là vì cách ông sống là điển hình nhất của dân miền Tây: sống rất có tình.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ

1. Tôi ngồi cạnh ông Mỹ ở hội thảo “Liên kết khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long để phát triển bền vững” do tỉnh Bến Tre tổ chức trong khuôn khổ diễn đàn Mekong Connect hồi đầu tháng 11 vừa rồi. Ông tới sớm hơn giờ bắt đầu chương trình, như một cách ứng xử tôn trọng với ban tổ chức. Ông ngồi, khều khều tôi, mở cái ứng dụng mang tên Rynan trên điện thoại mình ra, chỉ cho tôi coi những thứ mà ứng dụng này đang cung cấp cho nông dân: thời tiết, giá nông sản, hiện trạng sâu bệnh ở các trạm quan trắc, và nhiều thứ khác nữa. Có cái ông phải tự tổ chức thu thập thông tin bằng hệ thống các máy đo của mình đặt rải rác khắp nơi, có cái ông chỉ yêu cầu đội ngũ kỹ sư của mình lấy từ các nguồn khác nhau về… “Thiệt ra thông tin bây giờ đâu có thiếu, và mình thu thập thì đâu có khó, nhưng với bà con thì hơi khó, nên mình ráng lấy về cho đủ, tổ chức lại cho khoa học, như một trung tâm thông tin nông nghiệp để giúp bà con ra quyết định…”. Ông cười, hiền lành. Câu chuyện của cái ứng dụng này, làm tôi nhớ lại bao nhiêu lần ông bảo: “Cha mẹ ai trên đời này cũng để lại gia tài nhiều ngàn tỷ cho con cái, chỉ là con cái chúng ta có chịu đào ra mà sử dụng, mà làm vốn liếng cho đời mình không thôi”. Cái gia tài nhiều tỷ này, với ông, là cái đầu biết nghĩ, cái tay biết làm, cái chân biết đi và cái miệng biết hỏi. Tất nhiên, ông nói vậy thôi, vì biết là không phải ai cũng đủ may mắn như mình để đi một hành trình dài từ một cậu bé bán kem ở vùng quê nghèo nhất đồng bằng đến một nhà khoa học và một doanh nhân. Nên ông chưa bao giờ từ chối những cuộc trao đổi, những buổi tư vấn, và luôn là người “khó tính nhưng tốt bụng nhất” khi trao đổi về công việc, về dự án, về ý tưởng khởi nghiệp. Ông luôn dốc hết những gì mình nghĩ, mình tin, mình có để giúp những người trẻ hơn đi trên con đường hiện đại hóa nông nghiệp của quê mình…

Ứng dụng công nghệ điều khiển hệ thống canh tác lúa ngập – khô xen kẽ thông qua điện toán đám mây do RYNAN nghiên cứu

2. Hồi mới về, nhiều người nói ông Mỹ bị điên khi bày tỏ mong muốn biến cái cù lao nhỏ quê mình thành một cái… Silicon Valley. Người ta nói, một cái cù lao đẹp vầy ở giữa miền Tây, thì dùng để làm một khu du lịch sinh thái là hay lắm rồi. Vậy là ông lụi cụi làm, không chỉ xây ra một khu nhà máy công nghệ hàng đầu thế giới, sản xuất những sản phẩm mang nhiều giá trị gia tăng cho ngành in ấn với nhiều bằng sáng chế phía sau, mà còn xây ra một hệ sinh thái để nuôi dưỡng và thúc đẩy những con người mới ở đồng bằng sông Cửu Long. Đó là chuyện của Mỹ Lan group, có lẽ xong việc rồi, giờ ông làm khởi nghiệp lại từ đầu với công ty Rynan. Ông nói, có phần chua xót: “Có tin không, giờ nông dân là lực lượng lao động đang dần tuyệt chủng rồi: vừa ít dần, vừa già dần, vừa yếu dần nữa… Thanh niên trai tráng giờ lo đi làm chuyện khác hết trơn. Vậy lực lượng lao động vừa thiếu vừa yếu như vầy, thì lấy gì để tiếp tục gia tăng sản lượng, năng suất hay chất lượng, chỉ có một cách là áp dụng công nghệ vào thôi. Chúng ta luôn tự hào là người Việt có bàn tay khéo và cần cù lao động. Đã tới lúc chúng ta tự hào chúng ta có những nông dân có cái đầu thông minh, nhiều hiểu biết và dùng công nghệ để làm thay mình hầu hết công việc đi…”. Người ta lại nói ông khùng, vì nông dân tiền đâu mà ứng dụng công nghệ, chữ đâu mà xài ứng dụng này ứng dụng kia. Ông đâu có cãi, chỉ cười cười, và lại lụi cụi làm, với một niềm tin thiệt là lớn. Và ông không cô độc trên hành trình công nghệ hóa nông nghiệp, khi mà nhiều quỹ đầu tư tài chính, lẫn quỹ đầu tư xã hội trên thế giới đều đã chung tay với ông…

Người ta nói ông khùng, vì nông dân tiền đâu mà ứng dụng công nghệ, chữ đâu mà xài ứng dụng này ứng dụng kia. Ông đâu có cãi, chỉ cười cười, và lại lụi cụi làm, với một niềm tin thiệt là lớn trên hành trình góp phần vào công nghệ hóa nông nghiệp.

3. Buổi tối chuẩn bị Mekong Connect, thấy mấy bạn nhân viên của ông Mỹ đếm đếm người rồi mang cơm đến tặng cho ban tổ chức. Cơm của Mỹ Lan group tự nấu, không phải đi mua. Rõ ràng, cách quan tâm tới người khác này là một thứ văn hóa đã thấm rất sâu vào những người đồng đội của ông Thanh Mỹ. Tôi nhớ có mấy lần, ngồi tán dóc với mấy bạn nhân viên của Mỹ Lan, mới hay cái gắn kết với họ và công ty này, là cái tình gia đình, và môi trường để ai cũng tự trưởng thành và phát triển hết năng lực của bản thân mình. Có chuyện này, không biết buồn hay vui nữa, nhưng nhiều nhân viên nữ của Mỹ Lan đã quyết định… ly hôn sau một thời gian làm việc. Đơn giản là vì họ đã chuyển hóa thành con người khác, và không chấp nhận cách sống của những ông chồng rượu chè suốt ngày và đánh đập vợ con. Tôi nói, ông Mỹ còn phải làm luôn công tác thay đổi mấy anh chồng luôn chứ, đâu có sống khép kín ở cái cù lao riêng của mình được. Ông cười, không nói gì, nhưng có lẽ đó là thứ mà ông cũng đang tính toán…

4. Có một chuyện cuối, hơi riêng tư, nhưng khắc họa rất đúng chân dung của ông Mỹ: chuyện vợ ông bị ung thư. Là một người nặng tình, ông buồn thấy rõ. Là một người kiên cường, ông cùng vợ chống chọi một cách mạnh mẽ nhất với căn bệnh. Và là một nhà khoa học, ông nghiên cứu và tìm đến những tiến bộ mới nhất của y học. Hành trình dài, và gian nan, và nhọc nhằn này, cuối cùng thành công. Hôm gặp ông ở Sài Gòn, hỏi thăm “cô sao rồi chú”, ông nắm tay tôi rất chặt, mắt đỏ lên, và kể rất nhiều về cách mà y học hiện đại đã trả về cho ông người vợ, một phần quan trọng nhất của cuộc đời ông.