Mặc dù Bộ GD&ĐT đã xác định được phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 nhưng những lo lắng, băn khoăn về chất lượng kì thi và liền đó, là việc tuyển sinh đại học, vẫn chưa hoàn toàn nguôi giảm.


Nữ giám thị làm thủ tục điểm danh thí sinh tại một buổi thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2016. Ảnh: Vietnam+

Các kịch bản liên tục thay đổi

Nhìn lại những “kịch bản” tổ chức thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT thường xuyên tự tin cung cấp, chúng ta không khỏi giật mình vì mức độ “biến hóa” của nó.

Đầu tiên, vào giữa tháng 4, Bộ trình hai phương án thi THPT quốc gia dựa trên tình hình ứng phó dịch Covid-19. Theo đó, nếu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/6 thì vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cơ bản như năm 2019 nhưng xem xét giảm số môn và không đưa nội dung tinh giản vào đề. Phương án hai là nếu dịch bệnh phức tạp thì Bộ sẽ giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT.

Cùng với hai phương án này, trước đó, vào đầu tháng 4, Bộ cũng công bố bộ đề thi tham khảo 9 môn theo chương trình tinh giản để học sinh và các trường THPT lấy làm khung kiến thức ôn tập. Gần một triệu học sinh lớp 12 hay tin như “sét đánh bên tai”, vô cùng lo lắng vì trên thực tế, việc nghỉ học kéo dài và chất lượng học online, học trên truyền hình không thật sự đảm bảo để các em có thể “chiến đấu” nhiều bài thi bắt buộc và tự chọn (để xét tuyển đại học) như mọi năm.

Nhưng ngày 21/4, Bộ bất ngờ trình phương án lấy thi tốt nghiệp THPT để thay thế cho kỳ thi THPT quốc gia. Đồng thời, học sinh chỉ làm ba bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và một bài thi tự chọn (tổ hợp môn KHXH hoặc KHTN). Mỗi bài thi môn tổ hợp được tính chung một đầu điểm thay vì ba đầu điểm môn thành phần như kỳ thi THPT quốc gia. Việc giảm môn thi tưởng là tin lành đối với sĩ tử nhưng lại nảy sinh bất cập rất lớn ở cách tính một đầu điểm cho bài thi tổ hợp.

Trước đây, nhiều em coi việc làm bài môn tổ hợp là “chiến lược đầu tư” để xét vào đại học (trong tổ hợp môn KHTN chẳng hạn, chỉ cần ôn kĩ môn Lý, Hóa hoặc Sinh). Nhưng khi lấy một đầu điểm cho cả ba môn thành phần thì sở trường từng môn sẽ không còn ý nghĩa, trong khi phải cật lực ôn kiến thức của cả các môn bắt buộc và môn trong tổ hợp. Dường như “thấu cảm” nỗi ấm ức này, ngày 27/4, Bộ quyết định giữ nguyên ba đầu điểm của ba môn thành phần trong bài thi tổ hợp!

Các kịch bản chỉ thực sự bớt kịch tính khi Bộ báo cáo và được Chính phủ thông qua kế hoạch tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2020 tại phiên họp ngày 5/5. Với kế hoạch này, có ba thay đổi lớn so với kỳ thi THPT quốc gia 2019: Thứ nhất, rút ngắn thời gian thi trong hai ngày với bốn buổi thi; thứ hai, kết quả thi THPT dùng để xét tốt nghiệp và làm cơ sở cho xét tuyển ĐH-CĐ; thứ ba, việc tổ chức coi thi, chấm thi, phúc khảo do địa phương chịu trách nhiệm. Ngoài ra, thi tốt nghiệp THPT năm 2020 chỉ giới hạn kiến thức lớp 12 và diễn ra vào tháng 8.

Có thể nói, trong khoảng thời gian ngắn, cùng với nỗi lo phòng, chống đại dịch Covid-19 thì hàng ngàn gia đình, phụ huynh học sinh lớp 12 và hàng trăm trường THPT còn có chung nỗi lo về kì thi THPT. Chưa bao giờ, những “phép thử” tổ chức thi lại khiến học sinh hồi hộp, căng thẳng và mệt mỏi đến như vậy. Tựa như con lắc đơn, các em phải đi từ thái cực thở phào nhẹ nhõm này sang thái cực lo lắng khác sau mỗi tín hiệu từ Bộ GD&ĐT.

Vấn đề không chỉ vì đại dịch Covid-19 diễn ra đột ngột, bất thường khiến Bộ trở nên lúng túng điều chỉnh phương án tổ chức thi, mà thực ra, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 5 năm qua vốn đã tồn tại nhiều bất cập. Trong đó, theo quan sát và trải nghiệm của chính tôi, nổi lên 2 vấn đề:

Thứ nhất, mục tiêu “2 trong 1” (vừa xét tốt nghiệp vừa để tuyển sinh ĐH-CĐ) của kỳ thi đã khiến các trường ĐH-CĐ không tự quyết được việc tuyển sinh;

Thứ hai, phức tạp và có phần tốn kém vì kỳ thi này các trường ĐH-CĐ phải cùng tham gia tổ chức thi với địa phương. Cứ đến mùa thi, giảng viên đại học lại lục tục ba-lô lên đường làm nhiệm vụ coi thi, tuy được xem là giải pháp hạn chế tiêu cực trong thi cử, nhưng lại gây nhiều khó khăn, vất vả cho người trong cuộc. Năm 2019, chúng tôi từ Hà Nội vào Quảng Trị coi thi, một hành trình gần 700 cây số không phải không có cảm giác bất an, loay hoay thích ứng.

Việc cử giảng viên đại học về địa phương coi thi thực chất xuất phát từ nỗi e ngại, nghi ngờ năng lực tổ chức kỳ thi minh bạch, khách quan, chính xác của các địa phương. Vậy năm nay, khi trả kì thi tốt nghiệp THPT về địa phương, nỗi e ngại trên sẽ được hóa giải ra sao? Dư âm những tiêu cực, gian lận thi cử ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang năm 2018 vẫn còn váng vất và là thực tế có thể tái lặp thì không ai dám chắc quyết về chất lượng kì thi tốt nghiệp THPT 2020. Mặt khác, nếu thi tốt nghiệp THPT thuần túy để xét tốt nghiệp thì liệu kết quả đó đủ tin cậy và đích đáng để các trường ĐH-CĐ lấy đó làm cơ sở tuyển sinh? Hẹp hơn, cách tổ chức thi hai môn tổ hợp trong một buổi liệu có hạn chế thí sinh muốn thi hai tổ hợp để tăng cơ hội đăng ký nhiều nguyện vọng vào các ngành có môn xét tuyển điểm khác nhau?

Các trường ĐH-CĐ đứng ngồi không yên

Việc tách “2 trong 1” thành “đường ai nấy đi” ở kì thi tốt nghiệp THPT 2020, quả thật, dành cơ hội tự quyết tuyển sinh cho ĐH-CĐ. Tuy nhiên, phần vì gấp gáp, đột ngột, phần vì bản thân việc tuyển sinh ĐH-CĐ có sự cạnh tranh không dễ lành mạnh, nên ngay lập tức, các trường ĐH-CĐ cũng đứng ngồi không yên tìm các phương thức tuyển sinh hiệu quả nhất.

Đa phần các trường đều chọn phương thức xét tuyển điểm học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT là chủ yếu. Đi kèm với đó, phương thức xét tuyển thẳng trở nên đa dạng và mở rộng tiêu chí hơn nhằm thu hút tối đa những thí sinh có thành tích học tập tốt. Một số trường top đầu dự tính tổ chức thêm thi đánh giá năng lực, tuy rất lí tưởng về mức độ chọn lọc chất lượng nhưng lại khá mơ hồ đối với thí sinh nên về sau cũng hủy bỏ.

Rõ ràng, dù nhiều ĐH-CĐ muốn có một công thức tuyển sinh mang bản sắc riêng nhưng vào thời điểm hiện nay, dường như không trường nào muốn mạo hiểm thử nghiệm. Việc xét tuyển dựa vào điểm học bạ được coi là “chắc ăn”, đảm bảo phần nào số lượng thí sinh trúng tuyển. Tuy thế, điểm học bạ, một lần nữa, lại làm dấy lên hoài nghi về độ trung thực, chính xác của nó. Bởi chính Bộ GD&ĐT đã tự nêu lên trong Hội nghị về công tác tuyển sinh ĐH-CĐ ngày 8/5 mới đây một thực tế là nhiều học bạ có điểm “rất long lanh” nhưng chưa chắc chắc lượng đã cao.

Tuyển sinh, giờ đây, là công việc có tính chất sống còn đối với quá trình tự chủ đại học. Do đó, tuy không nói ra cho hết nhẽ, nhưng nhiều trường ĐH-CĐ đang phấp phỏng chờ đợi kì thi tốt nghiệp THPT, nơi một lượng lớn thí sinh đang ấp ủ giấc mơ vào giảng đường. Ngay lúc này, các trường ĐH-CĐ đã “tổng tấn công” trên mặt trận truyền thông tuyển sinh vì hơn cả thí sinh, họ rất hiểu, thấm thía viễn cảnh cánh cổng giảng đường đại học khép lại thì sẽ tai hại đến mức nào. Thế hệ chúng tôi thường truyền tai câu ca có phần chính xác “Cổng trường đại học cao vời vợi/Mười thằng leo tới, chín thằng rơi”. Nhưng cổng đại học hiện nay, nhìn chung, không còn “cao” đến như thế nữa.

Sau 13 năm thi “ba chung” và 5 năm thi THPT quốc gia, chúng ta quay về với thi tốt nghiệp THPT. Dù thay đổi thế nào thì về bản chất, nó vẫn là một kì thi gây nhiều lo lắng như vốn dĩ thế. Dù đề thi có dễ hơn thì về cơ bản, nó vẫn không ngăn nổi những bước chân tất tả chạy đến các lớp học thêm, ôn thi khắp nơi. Liệu có thể tính đến phương án, vào các năm sau, bỏ kì thi này và thay bằng xét tốt nghiệp? Và các trường ĐH-CĐ, theo hướng lâu dài, sẽ tổ chức cách thi tuyển, xét tuyển riêng theo chuẩn đầu vào mà họ xây dựng?

Vấn đề tốt nghiệp THPT, theo tôi, đã đến lúc giảm bớt mức độ trầm trọng hóa thi cử nhưng cần chú trọng vào định hướng, giáo dục nghề nghiệp sớm. Còn tuyển sinh ĐH-CĐ, xét trong bối cảnh hiện tại, lại cần được khuyến khích theo hướng tinh lọc, chất lượng và được giám sát chặt chẽ, minh bạch. Chỉ như thế thì giá trị ĐH-CĐ với tư cách đào tạo, xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao mới từng bước khả thi.