Cần tầm nhìn dài hạn và chấp nhận rủi ro
Gần 30 năm trước đây, Việt Nam là một trong những vùng trũng về sốt rét, với hàng triệu ca bệnh và hàng nghìn người thiệt mạng hằng năm. Để tìm ra giải pháp cho tình trạng dó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tại TP HCM và Quỹ Wellcome Trust đã thành lập một đơn vị nghiên cứu lâm sàng để nghiên cứu về vai trò của artesunate - một hoạt chất chống bệnh sốt rét (sau này được chính thức lấy tên là Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford – OUCRU).
Kết quả thử nghiệm lâm sàng thành công từ nghiên cứu này không chỉ cứu chữa được cho hàng triệu ca bệnh ở Việt Nam mà còn là đóng góp quan trọng trong nghiên cứu về sốt rét trên thế giới vào thời điểm đó. Hàng loạt nghiên cứu của OUCRU sau này về các bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm như uốn ván, nhiễm trùng não, sốt xuất huyết... cũng đều là những “nghiên cứu tiên phong trên thế giới và đem lại đóng góp to lớn trong y tế cộng đồng”, theo như chia sẻ của GS Guy Thwaites tại Hội thảo Hợp tác KH&CN Việt Nam – Vương quốc Anh: Thành tựu và định hướng hợp tác tương lai do Bộ KH&CN phối hợp với Đại sứ quán Anh tổ chức ngày 18/9.
Câu chuyện của OUCRU cũng chỉ là một trong những minh chứng tiêu biểu cho sự phối hợp nghiên cứu lâu dài và hiệu quả giữa các nhà khoa học và nhà quản lý hai nước. Đại sứ Vương quốc Anh Gareth Ward cho biết, kể từ năm 2010, quan hệ hợp tác khoa học Việt – Anh đã trở thành một nội dung chiến lược.
TS. Dương Ngọc Tú cùng đồng nghiệp Anh trao đổi về sản phẩm tinh chất nghệ.
Chỉ trong vòng bốn năm qua, thông qua Quỹ Newton Việt Nam, khoảng 8,4 triệu bảng Anh đã được giải ngân cho nghiên cứu KH&CN và đổi mới sáng tạo. Hơn 10 chương trình được triển khai trong khuôn khổ của Quỹ Newton đã kết nối đa dạng các nhóm đối tượng trong cộng đồng khoa học hai nước. Quỹ cũng tài trợ gần 200 suất học bổng cho các mối hợp tác giữa 81 cơ quan nghiên cứu của Việt Nam và 58 tổ chức của Anh. Nhờ vậy, nhiều nhà khoa học của hai nước lần đầu tiên có cơ hội hợp tác nghiên cứu với nhau.
Nhìn nhận lại quá trình hợp tác nghiên cứu giữa hai nước, GS Guy Thwaites cho rằng, yếu tố cốt lõi để đưa tới thành công trong hợp tác nghiên cứu là tầm nhìn lâu dài và niềm tin. “25 năm trước, những nghiên cứu của chúng tôi đều rất mạo hiểm và nhiều rủi ro. Nếu lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ KH&CN, Bệnh viện các Bệnh Nhiệt đới không có tầm nhìn và chấp thuận mạo hiểm, sẽ rất khó có được kết quả như ngày hôm nay. Lý do khiến các hợp tác nghiên cứu của chúng tôi thành công từ trước tới nay đến từ sự tin cậy giữa hai bên” – GS. Guy Thwaites nói. OUCRU luôn nhận được cam kết lâu dài của ĐH Oxford, nhằm đảm bảo nguồn tài chính cho nghiên cứu và cả tăng thêm ngân sách nghiên cứu mỗi khi cần thiết.
Tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết của Việt Nam
Nhiệm vụ của OUCRU là “giúp cải thiện sức khỏe của người dân Việt Nam và khu vực”. Các chương trình nghiên cứu hợp tác giữa hai nước trong phạm vi tài trợ của Quỹ Newton cũng đều đặt mục tiêu sử dụng các thành tựu khoa học tiên tiến của thế giới để cùng tìm ra những giải pháp cho những vấn đề thực tiễn cấp bách ở Việt Nam. Hầu hết các kết quả nghiên cứu đã được đưa vào ứng dụng rộng rãi, có vai trò quan trọng với đời sống và sinh kế của người dân.
Như nghiên cứu giải mã thành công gene của 36 giống lúa bản địa, là công trình đầu tiên giải mã thành công hoàn chỉnh hệ gene đầy đủ của cây lương thực rất quan trọng với người Việt - do các nhà khoa học tại Viện Di truyền nông nghiệp, Bộ NN&PTNT thực hiện. Hiện nay Viện cũng đang được phía bạn hỗ trợ triển khai pha 2 của dự án nhằm tiếp tục giải mã gene 600-800 giống lúa của Việt Nam để xây dựng ngân hàng gene các giống lúa phục vụ cho công tác nghiên cứu và chọn tạo giống của Việt Nam.
Các hợp tác nghiên cứu khác cũng đặt mục tiêu nhắm tới những nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội. Dự án “Thực hiện các giải pháp tổng thể nhằm phát triển các sản phẩm có chất lượng cao từ cây Nghệ (Curcuma longa) của Việt Nam” do TS Dương Ngọc Tú, Viện Hóa học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) thực hiện đã chiết xuất thành công tinh chất nghệ Curcumin tự nhiên siêu hòa tan từ củ nghệ, nhờ đó thúc đẩy xây dựng vùng nguyên liệu bền vững cho người nông dân ở các khu vực miền núi phía Bắc. Cũng trong hội thảo, kết quả nghiên cứu này đã được ký kết chuyển giao cho công ty Techbifarm để thương mại hóa sản phẩm.
Trước những kết quả đó, nhìn nhận về tương lai của hợp tác KH&CN giữa hai nước, Đại sứ Gareth Ward đã khẳng định: “Vương quốc Anh cam kết tiếp tục thể hiện vai trò đầu tàu về khoa học và đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam, khai thác tiềm năng tốt nhất của mỗi bên và hỗ trợ những hoạt động KH&CN có ý nghĩa với đời sống và sinh kế.
Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển các chương trình nghiên cứu thuộc các lĩnh vực là ưu tiên quốc gia của Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cũng nhấn mạnh, khoa học và đổi mới sáng tạo là nội dung hợp tác ngày càng quan trọng và được mở rộng trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
Một số mốc trong quan hệ ngoại giao khoa học Việt - Anh
Năm 2010: Việt Nam và Vương quốc Anh trở thành đối tác chiến lược, lúc này hợp tác khoa học chỉ là một phần nhỏ trong mối quan hệ tổng thể giữa hai bên.
Năm 2014: Khởi động Quỹ Newton của Chính phủ Anh là một mô hình tài trợ mới cho các hoạt động hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu của Vương quốc Anh và Việt Nam nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả các công trình nghiên cứu.
Năm 2015: Chính phủ Anh cũng triển khai Quỹ Nghiên cứu Thách thức Toàn cầu (GCRF). Việt Nam cũng hưởng lợi từ hai dự án của Quỹ. |