Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói thế giới đang không theo kịp các mục tiêu trong việc đối phó với tình trạng khẩn cấp khí hậu tại buổi công bố Đánh giá của Liên Hợp Quốc về khí hậu toàn cầu năm 2019.

Báo cáo đánh giá được chủ trì thực hiện bởi Tổ chức Khí tượng Thế giới của LHQ (WMO), với đầu vào là dữ liệu từ các cơ quan của LHQ về môi trường, thực phẩm, sức khỏe, thảm họa, di cư và người tị nạn, cũng như các trung tâm khoa học, kết luận 2019 là một năm kỷ lục về nhiệt độ cao, nạn đói gia tăng, di cư và thiệt mạng do nhiệt độ khắc nghiệt, và lũ lụt trên khắp thế giới.

Đám cháy rừng bùng cháy bên cạnh một con đường lớn và những ngôi nhà ở ngoại ô thị trấn Bilpin ở Sydney, Australia, tháng 12 năm 2019.

"Chúng ta hiện đang không theo kịp để đáp ứng các mục tiêu [hạn chế nóng lên toàn cầu trong mức] 1,5 độ C hoặc 2 độ C mà thỏa thuận Paris yêu cầu," ông Guterres nói. Năm 2019 kết thúc với nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,1 độ C so với mức tiền công nghiệp. "Không còn nhiều thời gian để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu."

WMO cho biết, báo cáo của họ cung cấp thông tin đáng tin cậy cho các nhà hoạch định chính sách về sự cần thiết của hành động khí hậu, và cho thấy tác động của thời tiết khắc nghiệt.

Hạn mặn vượt mốc lịch sử 2016, tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp. Ảnh: Vietnamnet.

Theo báo cáo, châu Âu dễ xảy ra sóng nhiệt hơn gấp 5 lần do nóng lên toàn cầu, và mùa hè quá nóng đã dẫn đến 20.000 trường hợp nhập viện khẩn cấp và 1.462 trường hợp tử vong sớm ở Pháp.

Ấn Độ và Nhật Bản cũng đang trở nên nóng hơn, và Úc vừa trải qua năm khô hạn nhất trong lịch sử.

Lũ lụt và bão đã buộc hàng triệu người dân phải di cư, chẳng hạn như bão Cyclone Idai ở Mozambique và các nước láng giềng, Bão Fani ở Nam Á, Bão Dorian ở Caribbean và lũ lụt ở Iran, Philippines và Ethiopia. Số người di cư trong nước từ những thảm họa như vậy ước tính đã lên tới gần 22 triệu người vào năm 2019, so với 17 triệu vào năm 2018.

Mỹ chứng kiến những cơn mưa lớn, với lượng mưa từ tháng 7/2018 đến tháng 6/2019 cao nhất từng ghi nhận. Tổng thiệt hại kinh tế ở Mỹ trong năm ước tính khoảng 20 tỷ đô la, WMO cho biết.

Khí hậu khó lường và thời tiết khắc nghiệt là một yếu tố góp phần vào 26 trong số 33 trường hợp quốc gia bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng lương thực vào năm 2019, và là nguyên nhân chính gây khủng hoảng lương thực ở 22 quốc gia. "Nạn đói đang gia tăng trở lại - hơn 820 triệu người bị đói trong năm 2018, theo dữ liệu toàn cầu mới nhất hiện có," báo cáo cho biết.

Theo WMO, lượng mưa lớn bất thường vào cuối năm 2019 cũng là một yếu tố trong vụ dịch châu chấu sa mạc nghiêm trọng trong nhiều thập kỷ ở vùng Sừng châu Phi và dự kiến sẽ lan rộng hơn vào tháng 6/2020.

Nguồn:

https://www.theguardian.com/environment/2020/mar/10/climate-emergency-global-action-way-off-track-says-un-head-coronavirus