Bên cạnh việc xét nghiệm RT-PCR chẩn đoán chính xác từng ca nhiễm Covid-19, các nhà dịch tễ học cho rằng, cần tìm hiểu mức độ lan rộng của virus trong cộng đồng thông qua xét nghiệm huyết thanh trên quy mô lớn nhằm xác định kháng thể trong cộng đồng.
Kết quả xét nghiệm này sẽ hỗ trợ công tác phát triển vaccine phòng Covid-19 cũng như giúp định hướng được thời gian, phương thức thực hiện các chính sách giãn cách, cách ly xã hội.
Serosurvey – xét nghiệm huyết thanh học được coi là một công cụ bổ trợ cho xét nghiệm bệnh phẩm phát hiện virus, để giúp chẩn đoán nhiễm trùng cấp tính. Xét nghiệm này có thể xác định huyết tương từ những bệnh nhân đã hồi phục, từ đó có thể truyền cho bệnh nhân mắc Covid-19 như một phương pháp điều trị tiềm năng. Ngoài ra, xét nghiệm này giúp ước tính được thời gian nhiễm virus. Và đối việc nghiên cứu vaccine, công cụ huyết thanh học có thể phân biệt được kháng thể do sử dụng vaccine và nhiễm trùng tự nhiên tạo thành.
Mặt khác, các xét nghiệm huyết thanh học này giúp tìm kháng thể kháng lại SARS-CoV-2, có thể giúp phát hiện xem một người đã từng bị nhiễm virus trong quá khứ hay không, đồng thời giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hiện trạng virus lây lan thật sự trong cộng đồng. Bởi vì, đến ngày 13/4, các xét nghiệm phát hiện virus trực tiếp (bằng RT-PCR - ND) đã xác định được khoảng gần 2 triệu ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới nhưng theo các chuyên gia, do vẫn còn thiếu bộ xét nghiệm và lây lan trong cộng đồng nhiều, nên rất có thể nhiều trường hợp nhiễm đã bị bỏ qua và cần phải có xét nghiệm huyết thanh học trên diện rộng.
Mỹ khảo sát trên quy mô lớn chưa từng có
Đánh giá tầm quan trọng đó của serosurvey, nên Mỹ đã tiến hành xét nghiệm trên quy mô lớn chưa từng thấy ở sáu thành phố. TS Michael Busch, chuyên gia huyết học và truyền máu tại Đại học California, San Francisco (UCSF), giám đốc của Viện Nghiên cứu Vitalant, một trong những nhà khoa học đứng đầu nhóm thiết kế serosurvey ở Mỹ trả lời tạp chí Science, giải thích rõ ý nghĩa của cuộc xét nghiệm huyết thanh trên diện rộng này trong cuộc chiến chống Covid-19 này.
Ông cho biết, “chúng tôi đang phát triển ba nghiên cứu serosurvey lớn. Và chúng ta cần thực hiện chúng đều đặn để phát hiện tỷ lệ mắc virus trong cộng đồng, xác định xem phản ứng kháng thể có suy yếu hay không và để đánh giá khả năng miễn dịch cộng đồng”. Cuộc khảo sát đầu tiên hiện nay, do Viện Y tế Quốc gia tài trợ, đã bắt đầu ở sáu thành phố (1000 người/ mỗi thành phố), người tham gia khảo sát sẽ để lại thông tin về tuổi, giới tính, mã vùng nơi cư trú. 6000 mẫu đó, được thu thập mỗi tháng kể từ tháng 3 cho tới 5 tháng sau đó, sẽ được đưa vào đánh giá kháng thể nhằm giúp theo dõi số lượng người phát triển kháng thể SARS-CoV-2 theo thời gian. Hiện nay nhóm nghiên cứu đã có kết quả khảo sát bước đầu ở Seattle và dự kiến có kết quả của New York trong tuần tới nhưng vẫn đang thận trọng chưa thể tiết lộ kết quả vì chưa đủ các mẫu mang tính đại diện ngẫu nhiên trong cộng đồng.
Sau đó cuộc khảo sát sẽ tiếp tục được phát triển lên quy mô quốc gia, với sự hỗ trợ của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC). Khi đó, sẽ có khoảng 50.000 người hiến máu để xét nghiệm vào các tháng 9, 12 năm 2020 và tháng 11 năm 2021. Nhóm khảo sát sẽ ước tính tỷ lệ kháng thể tổng thể đối với SARS-CoV-2 cũng như so sánh tỉ lệ giữa tiểu bang.
Ngoài ra, dữ liệu từ khảo sát này cũng sẽ được sử dụng để so sánh đối chiếu với các cuộc điều tra khác huyết thanh trong dân số đã từng được thực hiện trước đây, vẫn đang được lưu giữ ở các phòng thí nghiệm khác ở Mỹ.
WHO đặt mục tiêu thu thập dữ liệu kháng thể trên toàn cầu
Gần như trong cùng thời gian tiến hành serosurvey ở Mỹ, từ giữa tháng 2 vừa qua, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã công bố Solidarity II - một dự án toàn cầu nhằm nghiên cứu tìm kháng thể kháng SARS-CoV-2. Cuộc điều tra này sẽ cho biết được số trường hợp nhiễm Covid-19 bao gồm cả những trường hợp nhẹ. Nó sẽ góp phần giúp các nhà hoạch định chính sách quyết định thời gian ngừng các hoạt động xã hội và giới nghiêm kéo dài bao lâu. “Đây là những thông tin rất cần thiết, và chúng tôi cần câu trả lời đúng để giúp định hướng chính sách”, TS Michael Ryan, giám đốc điều hành các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe của WHO nhấn mạnh trong một cuộc họp báo vào ngày 27 tháng 3.
Do đó, Dự án Solidarity II đặt mục tiêu thu thập càng nhiều dữ liệu về kháng thể trong cộng đồng càng tốt. Để hiện thực hóa, WHO trao đổi với các nhà nghiên cứu ở một số quốc gia đang bùng phát dịch để thu thập manh mối về việc bao nhiêu người dân có kháng thể kháng virus SARS-CoV-2. WHO đã công bố một số hướng dẫn chuẩn thức ban đầu, trong đó có các hướng dẫn về cách thức xét nghiệm kháng thể, để các quốc gia và các nhóm khác nhau có thể cùng chia sẻ tổng hợp dữ liệu để đưa ra kết luận quan trọng hơn. Khi các nước cùng tham gia và chia sẻ dữ liệu thì sẽ nhanh chóng hình dung được bức tranh toàn cầu.
Ngoài những cuộc nghiên cứu quy mô rất lớn đang được tiến hành ở Mỹ, thì các cơ quan nghiên cứu ở các nước khác cũng đang vào cuộc. Chẳng hạn, trong tháng 2 vừa qua, các nhà nghiên cứu tại Đại học Bom, Đức đã tiến hành nghiên cứu kháng thể với cỡ mẫu 1000 người ở Heinsberg – một trong những nơi hứng chịu dịch Covid-19 nặng nhất ở Đức.
Các cuộc điều tra này cũng sẽ giúp trả lời thêm những câu hỏi khác như tỉ lệ nhiễm bệnh hoặc kháng thể ở trẻ em là bao nhiêu. Vì cho đến nay, tỉ lệ trẻ em nhiễm bệnh này không nhiều và thường là bị nhẹ. Các nghiên cứu cũng có thể cung cấp manh mối về tỷ lệ phần trăm dân số đã có một số khả năng miễn dịch với virus này từ trước.
Điều gì xảy ra khi SARS-CoV-2 lây nhiễm cho một người có kháng thể các loại cúm khác?
TS Michael cho biết, bộ nhớ miễn dịch trong cơ thể con người sẽ “nhớ” các đợt nhiễm bệnh trước đó và từ đó có thể giúp kiểm soát nhiễm trùng đối với các virus cảm cúm thông thường khác cũng do các chủng corona khác gây ra, thậm chí cũng góp phần làm giảm các triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên điều đó cũng có thể ảnh hướng tới độ chính xác của chẩn đoán kháng thể SARS-CoV-2, vì những người bị tái nhiễm virus cúm có thể cho kết quả dương tính giả với một số xét nghiệm huyết thanh học SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, các nhà chuyên môn vẫn chưa có nhiều hiểu biết rõ ràng về cách thức con người sinh ra kháng thể kháng lại SARS-CoV-2. Cụ thể, hiểu biết trước đây về các loại coronavirus khác cho thấy, cơ thể người có phản ứng tạo kháng thể đối với các loại coronavirus khác gây cảm lạnh thông thường khác nhưng đó là dạng “kháng thể trung hòa”. Nghĩa là con người chỉ có kháng thể chỉ tạm thời và không kéo dài, và miễn dịch đó sẽ suy yếu dần trong vòng 1 đến 2 năm, rồi sau đó người bệnh sẽ bị tái nhiễm chính coronavirus mà họ đã mắc phải trong quá khứ.
Do đó, các nhà khoa học cần phải hiểu được cơ thể con người đề kháng lại SARS-CoV-2 giống như các coronavirus cảm lạnh trước đây hay không? hoặc liệu rằng những người đã mắc bệnh có thể sinh được kháng thể chống lại căn bệnh này suốt đời. Tất cả những hiểu biết này rất quan trọng cho việc điều trị và phòng chống bệnh trong tương lai nhưng cần phải chờ đợi cuộc điều tra huyết thanh học trên diện rộng, theo dõi liên tục trong một thời gian dài. |