Sự tiến triển phức tạp của dịch bệnh ở phạm vi toàn cầu khiến thời gian trở lại trường học của học sinh, sinh viên khó dự báo được trước. Giáo dục trực tuyến vì thế đã trở thành lựa chọn của hầu hết các trường học, cơ sở đào tạo để tiếp tục cung cấp kiến thức cho học sinh, sinh viên, và giúp họ hoàn thành các chương trình đào tạo.
Thời gian tới, thói quen dạy và học trong môi trường số hóa sẽ thúc đẩy các trường tăng hàm lượng giáo dục trực tuyến, và có thể coi nó như một lựa chọn “mặc định” cho một số môn học.
Hiểu một cách đơn giản thì giáo dục trực tuyến đồng nghĩa với những tương tác, giao tiếp tức thời giữa thầy và trò trong một không gian (phòng học) ảo. Việc học trực tuyến đòi hỏi sự gắn kết 4 yếu tố quan trọng: các thiết bị máy móc kết nối với Internet (máy tính, iPad, điện thoại thông minh), đường truyền Internet, nội dung bài giảng – người thầy, và người học. Như vậy mỗi chủ thể với thiết bị máy móc kết nối Internet của mình có thể tiếp cận với lớp học ảo ở mọi nơi. Học trực tuyến có hai hình thức. Hình thức thứ nhất dành cho một số người học không có điều kiện đến trường trực tiếp nên học từ xa. Hình thức thứ hai là sự kết hợp giữa lên lớp học trực tiếp với tiếp cận tài liệu trên không gian mạng. Với Covid-19, hình thức thứ nhất đang được sử dụng phổ biến, khi các trường học bị đóng cửa.
Học trực truyến có thật sự mới?
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, internet, kết nối vạn vật (Internet of Things) và các nền tảng thông minh trực tuyến đã trở thành những trợ thủ, những người bạn đồng hành với thầy và trò, cho dù trước đây họ chưa từng hoặc ít sử dụng. Gần đây ai cũng nhắc đến TEAMS (Office 365) hay Zoom như là các công cụ dạy và học trực truyến, bên cạnh những nguồn tài nguyên học liệu vô cùng phong phú có thể khai thác qua các thư viện điện tử, bài giảng được đưa lên YouTube để bổ trợ cho các lớp học trực tuyến. Tuy nhiên, học trực tuyến cũng không quá mới mẻ với giáo dục đại học trên thế giới, mà đã ra đời và tồn tại từ rất lâu.
Trước khi công nghệ máy tính và internet ra đời thì ĐH London của Anh Quốc đã là trường ĐH đầu tiên trên thế giới mở các chương trình học từ xa vào năm 1858. Tới thập kỷ 80, một số trường từ Anh và Mỹ đã đưa vào ứng dụng nhiều chương trình học online, điển hình như trường Quản lý và Nghiên cứu Chiến lược (School of Management and Strategic Studies) của Học viện Khoa học hành vi phương Tây của Mỹ (Western Behavioral Sciences Institute) đưa chương trình lên mạng cho người học tải xuống, hay ĐH Nova Southeastern ra đời chương trình sau đại học online đầu tiên được cấp tín chỉ của Mỹ.
Thập kỷ 90 với sự ra đời của các phần mềm mở - một yếu tố quan trọng của các nền tảng học trực truyến - đã giúp cho việc học online được thăng hoa. Tính cho đến năm 2009 thì trên thế giới đã có trên 5.5 triệu sinh viên tham gia vào các chương trình học trực tuyến/ trên mạng. Đến năm 2018 có tới 98% các trường Đại học và cao đẳng của Mỹ đã có những chương trình trực tuyến, hoặc kết hợp trực tuyến với các bài giảng trên lớp. Tuy không thay thế hoàn toàn cách giảng và học truyền thống, các chương trình trực tuyến ngày càng phát triển trên toàn thế giới và tỏ ra có nhiều lợi thế trong một số trường hợp.
Đâu là những lợi ích chính của giáo dục trực tuyến?
Giáo dục trực tuyến mang lại nhiều lợi ích cho người học. Một chương trình học online không bị giới hạn bởi rào cản địa lý, người học và người dạy có thể tới từ nhiều quốc gia khác nhau, múi giờ khác nhau, làm tăng các tương tác văn hóa và phong phú nội dung học. Sự hợp tác với các cơ quan bên ngoài hệ thống giáo dục như chính phủ, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội…cũng dễ dàng hơn.
Một lợi ích khác liên quan tới sự bình đẳng trong lớp học nhờ vào tính năng giấu mặt: học viên rụt rè có thể dễ dàng phát biểu, người dạy cũng đối xử với các học viên một cách bình đẳng hơn.
Ngoài ra, không thể không kể tới lợi ích về kinh tế. Tuy mức đầu tư ban đầu là lớn để thiết kế chương trình học online, nhưng về lâu dài sẽ hiệu quả, giúp giảm chi phí cho người học và giảm thời gian đi lại, góp phần bảo vệ môi trường.
Giáo dục trực tuyến không đơn thuần là một giải pháp ứng phó tạm thời với dịch?
Với những lợi ích như vậy việc dạy và học trực tuyến trong đại dịch Covid-19 có thể là bước đệm giúp loại hình học tập này phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Tổng giám đốc của UNESCO, bà Audrey Azoulay, mới đây cũng nhận định: “Không chỉ là giải pháp ứng phó tạm thời với đại dịch, nỗ lực này của UNESCO là một cơ hội để nhìn nhận lại về giáo dục, nhân rộng mô hình học từ xa, và làm cho giáo dục cởi mở hơn, sáng tạo hơn, và thích ứng nhanh nhạy hơn”.
Với một sự chuẩn bị tốt từ phía Chính phủ (cơ sở hạ tầng), phía trường học (nội dung, phương pháp, và đào tạo giáo viên), và người học (được trang bị máy tính và mạng internet), giáo dục trực tuyến giúp mỗi học sinh, sinh viên Việt Nam, dù ở những tỉnh thành xa xôi và còn khó khăn, có thể dễ dàng tiếp cận được với các khóa học, bài giảng chất lượng. Đây cũng là một đích hướng đến của Mục tiêu phát triển bền vững 4 (SDG 4: Giáo dục chất lượng) của Liên Hợp Quốc, với tầm nhìn 2030.
(Xem tiếp kỳ 2)
Tác giả:
PGS.TS. Bùi Thị Minh Hồng -Đại học Bath, Vương quốc Anh; Giám đốc mạng lưới giáo dục Edunet, Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global).
GS.TS. Nguyễn Đức Khương -Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu, IPAG Business School (Paris) & Giáo sư thỉnh giảng, Khoa quốc tế, ĐHQG Hà Nội & Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global).
Tài liệu tham khảo:
1. Appana, S. (2008). A Review of Benefits and Limitations of Online Learning in the Context of the Student, the Instructor, and the Tenured Faculty. International Journal on E-learning, 7(1), 5-22.
2. Ferrer, D. (2019) History of online education. The Best Schools, https://thebestschools.org/magazine/online-education-history/.
3. Tyler-Smith, K. (2006). Early attrition among first time elearners: A review of factors that contribute to drop-out, withdrawal and non-completion rates of adult learners undertaking elearning programmes. Journal of Online Learning and Teaching, 2(2), 73-85.
4. UNESCO (2020). UNESCO’s support: Educational response to Covid-19. https://en.unesco.org/covid19/educationresponse/support