Qua phân tích một số kết quả kiểm định chất lượng, xếp hạng và xếp hạng đối sánh*, diện mạo của giáo dục đại học Việt Nam được nhận diện ở cả ba cấp độ: quốc gia, cơ sở giáo dục, và chương trình đào tạo.

Cấp độ khu vực: Bẫy top 5

Những năm vừa qua, số lượng cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam có mặt trong các bảng xếp hạng thế giới và châu Á tăng lên. Về xếp hạng chung (xét theo số trường có tên trong các bảng xếp hạng đại học quốc tế và thứ hạng của các trường), giáo dục đại học Việt Nam có thể thuộc nhóm 70 của thế giới, nhưng chúng ta vẫn chưa có cơ sở giáo dục đại học nào thuộc top 10 của ASEAN theo bảng xếp hạng do tổ chức QS (Anh quốc) tiến hành [1].

Trong bảng này, Singapore có 2 trường đứng đầu, Malaysia có 4 trường từ thứ 3 đến thứ 7, Thailand có 2 trường và Indonesia có 1 trường. Trong bảng xếp hạng 140 thành phố đại học tốt nhất thế giới năm 2023 [2], cũng của QS, Việt Nam không có tên; trong khi khu vực ASEAN có đến 7 thành phố thuộc các quốc gia Singapore (1), Malaysia (1), Thailand (1), Philippines (1) và Indonesia (3).

Xếp hạng thành phố đại học xuất sắc dựa trên 6 tiêu chí: i) Kết quả xếp hạng của các đại học trên địa bàn; ii) Tỷ lệ sinh viên (cả sinh viên quốc tế) trên tổng dân số của thành phố; iii) Mức độ lựa chọn của sinh viên và môi trường sinh hoạt; iv) Việc làm sau tốt nghiệp và đánh giá của nhà tuyển dụng; v) Học phí và sinh hoạt phí; và vi) Đánh giá của sinh viên về sự thân thiện, bền vững, đa dạng và chính sách việc làm của thành phố. Nếu như xếp hạng đại học đánh giá thành tựu và trách nhiệm trực tiếp của cơ sở giáo dục đại học thì xếp hạng thành phố đại học đánh giá nỗ lực của nhiều bên liên quan hơn, liên quan đến năng lực cạnh tranh của thành phố và quốc gia.

Chúng ta cũng không có tên trong top 50 hệ thống giáo dục đại học trên bảng xếp hạng của mạng lưới trường đại học quốc tế Universitas 21 (U21). Bảng này do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Melbourne thiết kế nhằm đánh giá quốc gia nào tạo được “môi trường vững mạnh” cho phép các trường đại học đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, cung cấp trải nghiệm học thuật chất lượng cao cho sinh viên, và giúp các trường đại học cạnh tranh ở cấp độ toàn cầu. Thứ bậc các nền giáo dục đại học được đánh giá dựa trên các tiêu chí ở 4 lĩnh vực lớn: nguồn lực, môi trường, tính liên kết, và đầu ra.

Mở rộng thêm một số thông tin cụ thể còn có thể thấy: Việt Nam vẫn đứng thứ 5 về tổng số công bố quốc tế (trong đó đóng góp từ các cơ sở giáo dục đại học hơn 80%) trong khu vực ASEAN - sau Singapore, Malaysia, Thailand, Indonesia. Số lượng đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam cũng đứng thứ 5 trong khu vực. Đặc biệt, xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII giảm từ thứ 44/132 (năm 2021) xuống thứ 48/132 (năm 2022).

Như vậy, mặc dù nhiều chỉ số giáo dục đại học (về đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu cơ bản, phát minh sáng chế, chỉ số đổi mới sáng tạo, xếp hạng đại học) đã được cải thiện, nhưng so với tầm khu vực, xu thế phát triển của giáo dục đại học và KH-CN nước ta đang bị chậm lại và dường như đã đạt ngưỡng.

Cấp độ cơ sở giáo dục: Động lực cải tiến từ chất lượng giảng viên

Nhận diện chất lượng giáo dục từ cấp độ cơ sở giáo dục đại học được thực hiện dựa vào số liệu đánh giá theo bộ tiêu chuẩn Xếp hạng đối sánh và gắn sao UPM [3, 4] cho 10 cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ, kỹ thuật. Bộ tiêu chuẩn UPM - được tài trợ bởi Bộ GD&ĐT Việt Nam và phát triển bởi các chuyên gia Đại học Quốc gia Hà Nội - gồm 8 tiêu chuẩn và 52 tiêu chí. Đối với khảo sát này, phổ phân bố kết quả của các trường không đồng nhất.

Tuy nhiên, kết quả trung bình cho thấy, các cơ sở giáo dục đại học này còn có 10 tiêu chí có mức độ đạt chưa cao so với mốc chuẩn của hệ thống UPM. Đó là tiêu chí về chất lượng tuyển sinh, mức độ thích ứng với CMCN 4.0 của chương trình đào tạo, đào tạo cá thể hóa, chỉ số xếp hạng Scimago về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, số doanh nghiệp khởi nghiệp, số lượng sáng chế, hoạt động hỗ trợ cộng đồng học tập suốt đời, khuôn viên đại học và chuyển đổi số.

Về chất lượng tuyển sinh, trừ một số trường lớn, các trường còn lại có đầu vào thấp, chỉ từ 16-17 điểm. Nếu không có chính sách để nâng đầu vào của các trường công nghệ, kỹ thuật, e rằng với việc chuẩn bị nguồn nhân lực chính như hiện nay, thách thức cho các nỗ lực đưa đất nước trở thành một quốc gia có công nghiệp hiện đại sẽ ngày càng lớn.

Cấu trúc và nội dung của chương trình đào tạo là thước đo cụ thể nhất để đánh giá mức độ thích ứng của giáo dục đại học với CMCN 4.0. Tuy nhiên, có thể thấy chúng ta chưa thực hiện được bao nhiêu khi số bài giảng điện tử của các trường đếm trên đầu ngón tay, thậm chí có trường không có “ngón” nào.

Đào tạo cá thể hóa đã có thể thực hiện được phần nào khi bắt đầu áp dụng phương thức đào tạo theo tín chỉ. Trong thời đại của CMCN 4.0, yêu cầu này càng cao, nhưng thực tế xu thế áp dụng học kỳ doanh nghiệp và trao đổi, thay thế tín chỉ bằng các chứng chỉ doanh nghiệp phù hợp còn phải đợi lâu hơn nữa mới được triển khai.

Mặc dù tình hình đã được cải thiện nhiều trong 10 năm qua, nhưng cho đến nay chỉ số nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu nước ta vẫn còn thấp so với nhóm dẫn đầu của khu vực. Đây là lý do chính của bẫy top 5 ASEAN đã nói ở trên. Như là một hệ quả, số lượng sáng chế, doanh nghiệp khởi nghiệp được hình thành từ đại học cũng chưa nhiều. Để giải quyết vấn đề này, giải pháp duy nhất là nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của giảng viên. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, năng suất và chất lượng nghiên cứu phải được tăng cường. Qua kết quả khảo sát, đánh giá, nhóm tác giả nhận thấy rằng, chỉ có các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yếu tố này mới có khả năng đổi mới giáo dục thành công, mới có khả năng gia tăng giá trị cho người học từ đầu vào đến khi tốt nghiệp. Ngược lại, các nỗ lực đổi mới chỉ là hình thức, kém hiệu quả và không thực chất.

Khuôn viên đại học cũng là một trong các nút thắt của giáo dục đại học Việt Nam. Hầu hết các trường đại học, nhất là các trường đại học truyền thống, đều đang có khuôn viên khá chật hẹp, môi trường cảnh quan và trang thiết bị vẫn còn khá khiêm tốn.

Chuyển đổi số đang là chiến lược quan trọng của mọi lĩnh vực, ngành nghề. Thế nhưng, nội dung, nội hàm và chỉ số thực hiện chính của giáo dục đại học nước ta hầu như vẫn chưa được xác định rõ ràng, vẫn thiên về các yếu tố tin học hóa công tác quản lý; chưa quan tâm đến vấn đề quản trị và chuyển đổi mô hình giáo dục. Thiết nghĩ, trước tiên, chuyển đổi số cần quan tâm đầy đủ các nội dung và chỉ số cơ bản, như: quản trị và phân tích thông tin; tài nguyên số và mức độ sử dụng tài nguyên số; bài giảng điện tử; dạy học kết hợp; tương tác học tập trực tuyến; ứng dụng các hệ thực tại - ảo và đạo đức số. Đó là những tiền để và nền tảng vững chắc của hạ tầng số, nhân lực số và đào tạo số. Mức độ sử dụng tài nguyên số của các trường hiện nay thực sự là một vấn đề. Hầu như không trường đại học nào đếm được số người sử dụng tài nguyên số, nếu đếm được thì con số thì cũng rất thấp.

Về phát triển năng lực học tập suốt đời - hiểu theo nghĩa bên cạnh đào tạo các loại bằng cấp (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) còn chú trọng các khóa đào tạo ngắn hạn, sao cho trường học trở thành một siêu thị tri thức - thì mức độ thực hiện của các trường nói chung cũng còn thấp.

Đáng chú ý, khi so sánh nhóm 10 trường của Việt Nam với 7 trường đại học nghiên cứu của Thailand cùng tham gia UPM thì nhóm trường Thailand vượt trội ở hầu hết các tiêu chí (Hình 1). Chẳng hạn, số giảng viên có trình độ tiến sĩ của nhóm các trường Thailand trung bình chiếm 60%; trong khi ở một số trường lớn của Việt Nam, tỷ lệ này mới vào khoảng 40%-50%. Nhóm trường Việt Nam vượt nhóm trường Thailand ở số công bố quốc tế và số trích dẫn, nhưng lưu ý là tỷ lệ bài báo có hợp tác quốc tế của nhóm trường Việt Nam cũng cao hơn hẳn.

a

b
c
c
d
Hình 1: So sánh hai nhóm trường đại học của Thailand (cam) và Việt Nam (xanh) theo một số tiêu chí của UPM. Nguồn: Nhóm tác giả ĐH Quốc gia Hà Nội

Cấp độ chương trình đào tạo: Bất cập về năng lực xây dựng và đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra

Nhận diện chất lượng giáo dục từ cấp độ chương trình đào tạo được thực hiện dựa vào số liệu đánh giá ngoài theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT ban hành tại Thông tư 04/2016/TT- BGDĐT mà các Trung tâm kiểm định trong nước đã thực hiện đối với 550 chương trình đào tạo (518 chương trình đào tạo trình độ đại học và 32 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ). Bộ tiêu chuẩn này gồm có 11 tiêu chuẩn và 50 tiêu chí. Kết quả cho thấy, đối với các chương trình đào tạo hiện nay, tỷ lệ chưa đạt với tần suất khá cao, tập trung đối với 10 tiêu chí.

Trong đó, 4 tiêu chí đầu tiên liên quan đến việc phát triển chương trình đào tạo, hoàn toàn phản ánh năng lực nghề nghiệp, nhưng mức độ đạt chuẩn khá thấp (có những tiêu chí chỉ 30% số trường đạt), chứng tỏ đã có một thời gian khá dài, giáo dục đại học hoàn toàn chỉ được triển khai dựa trên kinh nghiệm. Các chuẩn mực về xây dựng chuẩn đầu ra và phát triển chương trình đào tạo mới được thực sự quan tâm chỉ hơn mười năm lại đây, nên chất lượng phát triển chương trình đào tạo còn nhiều bất cập.

Về tiêu chí liên quan đến điều kiện và nguồn lực triển khai chương trình đào tạo, có 2 điểm bất cập liên quan đến tỉ lệ sinh viên/giảng viên và năng suất, chất lượng nghiên cứu khoa học của giảng viên. Mặc dù đã có định mức chỉ tiêu tuyển sinh theo số lượng giảng viên quy đổi, nhưng vẫn còn nhiều cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Nếu tuyển sinh đúng định mức quy định thì tỉ lệ sinh viên/giảng viên của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với quy định của thế giới. Do đó, điều kiện giảng dạy và hỗ trợ học tập cho sinh viên từ đội ngũ giảng viên rất hạn chế, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng.

Năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên cũng là một tiêu chí quan trọng. Qua khảo sát và thống kê số liệu cho thấy, ở các cơ sở giáo dục đại học có đội ngũ giảng viên với tỷ lệ tiến sĩ cao (> 40%) và tổ chức nghiên cứu khoa học tốt, khả năng triển khai các hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo rất có hiệu quả. Đặc biệt, với việc kết hợp đào tạo và nghiên cứu khoa học, khả năng gia tăng giá trị từ đầu vào đến đầu ra cho người học rất rõ rệt. Ngược lại, các cơ sở giáo dục đại học thiếu các điều kiện này, dù rất quan tâm đến đổi mới, nhưng hiệu quả cũng rất bất cập. Cùng phù hợp với các nhận định này, khi giảng viên nghiên cứu khoa học tốt, sinh viên cũng được hưởng lợi và năng lực, phẩm chất của sinh viên cũng được nâng cao trong hoạt động này.

Trong khuôn viên đại học, ngoài sự hạn chế về diện tích, mặt bằng, thư viện và các nguồn học liệu cũng là một bất cập lớn, khá phổ biến, do đó cũng làm ảnh hưởng nhiều đến việc phục vụ và hỗ trợ các hoạt động đào tạo và nghiên cứu. Thiết nghĩ, việc đào tạo nâng cao trình độ của giảng viên, việc xây dựng văn hóa nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo còn có thể cần nhiều thời gian, nhưng không hiểu tại sao việc tổ chức được một thư viện đại học đạt chuẩn ở nước ta lại khó đến như vậy, nhất là trong thời đại số, kết nối số.

Cuối cùng, mối quan hệ của nhà trường và các bên liên quan, đặc biệt là với doanh nghiệp cũng là một tiêu chí mà đại học nước ta bộc lộ điểm yếu. Khó khăn chung là do doanh nghiệp Việt Nam chưa lớn mạnh. Số liệu cho thấy trên 98,5% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, với động lực phát triển dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo rất hạn chế. Trong tình hình này, nếu cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cứ triển khai theo cách cứng nhắc, lý thuyết như các nước phát triển thì sẽ thất bại. Các cơ sở giáo dục đại học cần có cách đi sáng tạo, kết hợp với doanh nghiệp theo cách phù hợp nhất để kiến tạo cho nhiều khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên nhằm phát triển một thế hệ doanh nghiệp mới, làm tiền đề xuất hiện một số doanh nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao trong 5-10 năm tới.

Xu hướng mới trong đánh giá chất lượng giáo dục đại học

Phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục đại học truyền thống thường được các quốc gia áp dụng là kiểm định (accreditation). Tuy nhiên, phương pháp này vốn chỉ tập trung đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tối thiểu để cơ sở giáo dục đại học được phép hoạt động, còn mức độ xuất sắc hay việc so sánh giữa các cơ sở giáo dục đại học không được thể hiện nhiều, ở một mức độ nào đó, đôi khi đánh đồng chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học. Kiểm định chất lượng giáo dục như vậy có thể xem là đánh giá chất lượng 2 mức (đạt và không đạt).

Trong khi đó, xếp hạng đại học (ranking) thì quan tâm đánh giá mức độ xuất sắc của chất lượng nhưng lại quá thiên về các chỉ số nghiên cứu nên không toàn diện và chỉ có được khoảng 3% (khoảng 1.000) cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu góp mặt. Do đó, xếp hạng đại học cũng có thể coi là phương pháp đánh giá chất lượng 1.000 mức.

Xu thế hiện nay là tích hợp cả kiểm định và xếp hạng thành xếp hạng đối sánh (rating) thông qua việc so sánh với một bộ mốc chuẩn cho các tiêu chuẩn, chỉ báo. Đây là phương pháp đánh giá chất lượng n mức, thông thường n = 5.

Hiện nay, xếp hạng gắn sao QS đang được thừa nhận là hệ thống kiểm định (audit) 5 mức, còn UPM – do các chuyên gia Đại học Quốc gia Hà Nội phát triển - thì tích hợp cách tiếp cận phương pháp xếp hạng gắn sao của QS và đánh giá chất lượng của AUN-QA (Đông Nam Á), với các tiêu chí đánh giá đối sánh khác nhau cho hai nhóm đại học theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng. UPM còn phân biệt cho các nhóm đại học rất đa dạng - từ cơ sở giáo dục đại học đa lĩnh vực đến riêng từng lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ kỹ thuật và khoa học xã hội - đồng thời bổ sung các tiêu chí, chỉ báo mới liên quan đến các xu thế giáo dục mới hiện nay như: nêu cao tinh thần khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo các thể hóa và nuôi dưỡng các chuẩn mực xã hội,… Xếp hạng đối sánh này đang được hơn 100 cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo - 30% trong số đó thuộc các nước ASEAN khác, cũng như Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ - lựa chọn để quản trị đồng thời cả chất lượng và thương hiệu. UPM đặt mục tiêu thu hút sự tham gia của thêm nhiều trường trong cộng đồng ASEAN+3, ASEAN+EU, và Ấn Độ trong thời gian tới.

Chú thích:

* Dữ liệu phân tích được thu thập vào tháng 11/2022.


[2] https://www.topuniversities.com/city-rankings/2023 (accessed on: November 12nd, 2022)

[3] UPM - University Performance Metrics - https://upm.vn/ (accessed on: November 12nd, 2022).

[4] N. H. T. Chung, T. V. Hai, L. Q. Dat, N. W Gleason, N. H. Duc, Measuring 4IR Responsiveness in Vietnam’s Higher Education, JIRSEA Issue: Vol. 20, No. 2, 2022, pp. 1-19.